Vui mùa lũ sớm

20/08/2011 10:29 GMT+7

Mùa lũ hay còn gọi là mùa nước nổi ở ĐBSCL đã trở nên quen thuộc với người dân, luôn được chờ đón với nỗi nhớ mong da diết. Lũ về, tôm cá, sản vật cũng tràn về.

Những ngày này đi dọc vùng biên giới Tây Nam Việt Nam – Campuchia từ An Giang sang Đồng Tháp mới thấy hết niềm vui của người dân vùng đầu nguồn đón lũ.

Nhộn nhịp  theo từng con nước

Tháng 8, con nước đã tràn bờ. Các cánh đồng biên giới bây giờ mênh mông nước. Trên sông, dòng nước lũ đỏ ngầu ngậm đầy phù sa cuồn cuộn đổ về xuôi. Mực nước cao nhất đo được tại thị xã Tân Châu ngày 17-8 đạt 3,63 m, vượt mức báo động I 0,63 m, cao hơn mực nước lũ cùng kỳ năm 2009 là 0,51 m và 1,05 m so với cùng kỳ năm 2010. Ngày 18-8, mực nước lũ tại Tân Châu tăng thêm 3 cm, hiện lũ từ thượng nguồn đang về với cường suất lớn, trung bình tăng khoảng 5 cm/ngày. Mùa lũ năm nay được xem là về sớm.

Đến các làng nghề ăn theo mùa nước nổi mới thấy hết vẻ náo nhiệt và tất bật. Hàng chục cơ sở sản xuất và mua bán chài, lưới, lú… tại cầu Thơm Rơm, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ đang vào cao điểm mùa làm ăn. Đoán là nước lũ năm nay sẽ lớn nên các cơ sở ở đây đã tăng gia sản xuất từ hơn một tháng trước. Những ngày qua, tại các cánh đồng biên giới, nước lũ đã tràn đồng nên nhiều ngư dân đã đổ xô về đây mua chài, lưới, ngư cụ để đánh bắt cá.

 
Mùa lũ về cũng là mùa bội thu tôm cá

Làng nghề đan lọp cua ở xã Mỹ Đức, huyện Châu Phú và lọp cá linh thuộc xã Phước Hưng, huyện An Phú, tỉnh An Giang cũng nhộn nhịp không kém. Ông Nguyễn Văn Tòng, chủ một cơ sở đan lọp cá linh lớn nhất tại cồn Cóc, xã Phước Hưng, phấn khởi: “Đúng là “tháng 7 nước nhảy khỏi bờ”. Con nước rằm tháng 7 âm lịch vừa rồi đã đẩy mực nước lũ vùng đầu nguồn tăng nhanh, tràn cả lên các cánh đồng biên giới. Nhờ vậy mà bà con ở làng lọp cá linh nhận được nhiều đơn đặt hàng đan lọp hơn. Ngư dân bây giờ dày dạn kinh nghiệm lắm, họ theo dõi từng con nước rong (nước lớn), thấy nước lên mới đặt hàng đan lọp. Niềm vui của bà con tăng theo từng con nước”.

Mùa của no đủ

Tinh mơ, mặt trời vừa nhô lên khỏi rặng cây tỏa những tia sáng đầu tiên, chúng tôi đã thấy trên cánh đồng mênh mông nước lũ đã nhộn nhịp người dân đánh bắt cá. Tại chân cầu Tha La thuộc xã Nhơn Hưng, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang, cái chợ “âm phủ” nhóm họp từ khuya đang nhộn nhịp đón các ngư dân chở cá về. Mỗi lần nghe tiếng máy đuôi tôm nổ giòn giã đến gần rồi vụt tắt, cánh bạn hàng biết ngay có dân chài vừa về tới nên í ới hỏi han. Xa xa, chúng tôi nhìn thấy những đoàn xuồng ghe nối đuôi nhau về bến chợ. Niềm vui hiện rõ trên từng nét mặt vì dưới xuồng tôm cá đầy khoang.

Quốc lộ 91 đoạn từ huyện Tịnh Biên đến thị xã Châu Đốc bây giờ bốn bề như biển nước. Trên đồng, hàng hàng đăng, dớn lưới, vó gạt, xuồng câu, lưới hì hục, lặn ngụp trong dòng nước lũ. Anh Hải đang thăm luồng dớn trên đồng hết sức vất vả vì một mình không kéo nổi bụng dớn đầy cá lên xuồng. “Mấy bữa trước nước mới lên đồng cá chưa “chạy” lắm. Khoảng ba hôm nay, mỗi giác tôi đổ hai miệng dớn kiếm cả 100 kg, cả ngày đêm có khi đổ được 2-3 lần. Vì mới vào đầu mùa cá nên giá cũng còn kha khá, bạn hàng vô tới nhà cân ráo trọi, thấy ham lắm” - anh Hải khoe.

Song sôi động nhất là trên cánh đồng ngập lũ ở xã cù lao Phú Thuận A, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp. Bất kể cái nắng trưa hay tiết trời se lạnh buổi hừng đông, trên đồng cũng tấp nập ghe xuồng của người dân đánh bắt cá. Ông Nguyễn Văn Buôn, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Hồng Ngự, cho biết gần một tháng nay, dân ở xã cù lao này trúng đậm, mỗi ngày có đến vài tấn cá được đánh bắt trên đồng lũ. Theo ông Buôn, sở dĩ ở đây có lượng cá dồi dào như thế vì là vùng trũng, đón lũ sớm.

Mặt khác, cù lao Phú Thuận A được bao bọc bởi con sông Cái Vừng, một dòng sông lớn - phụ lưu của sông Tiền đón nhận nguồn nước lũ mang theo một lượng lớn cá từ thượng nguồn về. Như để chứng minh cho lời nói của mình, ông Năm Quận - một ngư dân nơi đây, kéo mấy miếng vạt xuồng ra cho chúng tôi tận mắt “chiêm ngưỡng” cả một khoang thuyền đầy cá. “Khoang đụt này cỡ 400 kg cá chứ không ít. Nếu là ban đêm cá chạy còn nhiều gấp bội, có khi nhiều quá bị phá đụt hoài. Không chỉ có cá, nào là tôm, cua, ốc… cũng rất nhiều. Lâu lắm rồi dân nghèo mới có được mùa cá ngon lành như vậy” - ông Năm Quận nói.

Dồi dào sản vật

Trong số nhiều địa phương vùng biên giới giáp với Campuchia, huyện Tri Tôn là nơi có địa hình đồi núi cao nên là nơi đón lũ “muộn” nhất trong tỉnh An Giang. Những vạt đất cao còn lại trong đồng trở thành “đại bản doanh” của chuột và các loại rắn đồng.

Đúng hẹn, chúng tôi đến nhà ông Út Bảnh ở xã Vĩnh Phước, huyện Tri Tôn khi trời đã xế chiều. Ngước mắt nhìn trời mây như “đo” cái nóng của buổi sáng nơi miền sơn cước, Út Bảnh bảo đây là thời điểm thích hợp để đi săn bắt rắn đồng. Đến một giồng đất cao, xung quanh cỏ mọc um tùm, ông Út Bảnh cẩn thận quan sát. Dưới mé mương có một cái hang tròn cỡ miệng chén, nhẵn bóng, ông quả quyết có rắn bên trong.
Đào đáy hang, một con rắn trên mình có những sọc xanh đen chạy dài nằm khoang tròn… chịu trận. Út Bảnh dùng lưỡi leng ém ngay trước miệng rắn rồi nhanh nhảu đưa tay tóm lấy con vật to cỡ cườm tay, dài gần 2 m. Lấp mớ đất vừa đào, ông Út Bảnh tiếp tục đi tìm hang rắn khác. Chỉ độ hơn 2 giờ, cái rộng sắt nặng trịch với 5 con rắn to tướng, ước nặng chừng 9 kg. “Rắn là loài đặc sản, giá hiện nay gần 200.000 đồng/kg, nên nhiêu đây kiếm được bộn tiền. Bây giờ mới vào đầu mùa vì nước mới chớm chân ruộng, bờ đê, nước lên nhiều, rắn sẽ gom lại các gò đất cao, tha hồ mà bắt” – ông Út Bảnh nói.

Ngoài rắn, chuột cũng là loại sản vật rất dồi dào trong mùa nước nổi. Tại các xã Lạc Quới, Vĩnh Gia, Lương An Trà, huyện Tri Tôn, mùa này mỗi ngày có hàng trăm người dân kiếm tiền dễ dàng từ công việc bắt chuột đồng. Trung bình một người đi đào hang dọc theo các bờ đê hay các giồng gò cao cũng bắt được 5-10 kg chuột/ngày, có ngày cả vùng bắt đến hàng tấn chuột đồng, thương lái, bạn hàng vào tận nơi thu mua, giá bán hiện khoảng 20.000 đồng/kg.

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.