Đồng Nai xây bảo tàng khoa học 70 triệu USD

19/07/2013 11:50 GMT+7

UBND tỉnh Đồng Nai vừa phê duyệt, chấp thuận chủ trương xây dựng Bảo tàng Khoa học Đồng Nai, với vốn đầu tư lên đến 70 triệu USD, trong đó dự kiến ngân sách chi từ 30 - 35 triệu USD.

Quy mô tương đương Bảo tàng khoa học quốc gia Thái Lan

Theo đề án do Sở KH-CN Đồng Nai lập vào năm 2008, Bảo tàng Khoa học (BTKH) Đồng Nai dự kiến xây dựng tại xã Cẩm Đường (H.Cẩm Mỹ) rộng 25 ha, với tổng vốn đầu tư khoảng 60 - 70 triệu USD. Đây được xem là một trung tâm văn hóa khoa học, có chức năng tuyên truyền giáo dục, phổ biến kiến thức khoa học và là địa điểm để trưng bày, bảo quản, giới thiệu các đối tượng khoa học trên mọi lĩnh vực. Công trình được xây dựng theo công nghệ vận hành tiêu chuẩn, thỏa mãn các hoạt động thu thập, bảo tồn, nghiên cứu, giáo dục, phổ cập có quy mô lớn theo quy chuẩn quốc tế.

Ông Nguyễn Thanh chỉ phần đất dự tính xây Bảo tàng Khoa học Đồng Nai - d
Ông Nguyễn Thanh chỉ phần đất dự tính xây Bảo tàng Khoa học Đồng Nai - Ảnh: Lê Lâm 

Kết cấu của bảo tàng bao gồm: các khu trưng bày ngoài trời, trưng bày chuyên đề, phòng trưng bày với các chủ đề chính. Bảo tàng sẽ sử dụng những công nghệ trình diễn hiện đại như phim 3D, 4D, phòng chuyên mô phỏng các hiện tượng thiên nhiên (động đất, sấm sét, bão…) có tính tương tác cao giữa mô hình trưng bày và người tham quan. Bên cạnh việc trưng bày và triển lãm hoạt động khoa học, BTKH còn duy trì các hoạt động sưu tầm tài liệu, những thành tựu khoa học giá trị của Việt Nam và quốc tế; phối hợp với các đơn vị giáo dục tổ chức tham quan, học tập, huấn luyện, đào tạo nhân lực. Để tạo nét riêng biệt, hấp dẫn người xem, kiến trúc bảo tàng sẽ là sự kết hợp giữa biểu tượng KH-CN và biểu trưng văn hóa, xã hội tỉnh Đồng Nai. Theo Sở KH-CN, bảo tàng có quy mô tương tự BTKH Quốc gia Thái Lan.

50% ngân sách

Điều dư luận đặc biệt quan tâm là trong bối cảnh khó khăn về mặt tài chính, có được nguồn vốn 60 - 70 triệu USD để xây dựng bảo tàng không phải là vấn đề đơn giản. Theo một cán bộ Sở KH-CN Đồng Nai, phương thức huy động vốn xây dựng bảo tàng khoa học sẽ là 50 - 50. Cụ thể, nhà nước chi 30 - 35 triệu USD, còn lại huy động từ các nguồn khác trong xã hội.

Trả lời báo chí, ông Phạm Văn Sáng, Giám đốc Sở KH-CN Đồng Nai, cho biết đã đi tham quan nhiều BTKH trên thế giới, như BTKH Chicago, BTKH Thượng Hải, BTKH Paris... với kinh phí đầu tư vài trăm triệu USD, có quy mô và mức độ hiện đại hơn hẳn Thái Lan, nhưng do điều kiện còn khó khăn về kinh phí nên Sở KH-CN chọn quy mô tương tự Thái Lan với kinh phí khoảng 60 - 70 triệu USD. Cũng theo ông Sáng, sau khi được xây dựng, BTKH Đồng Nai là đơn vị sự nghiệp nhà nước có thu, có thể tự trang trải một phần kinh phí thông qua các hoạt động như bán vé, hoạt động dịch vụ, trưng bày sản phẩm công nghệ cao, sản phẩm mới chuẩn bị đưa ra thị trường của các doanh nghiệp.

Trong khi đó, một số nhà khoa học cho rằng tiêu chí lựa chọn và đặt BTKH ở H.Cẩm Mỹ là quá xa, thiếu sự thuận lợi và kết nối với các trung tâm khoa học công nghệ lớn ở TP.HCM nên khó có thể đáp ứng yêu cầu về điều kiện nghiên cứu, tham quan. Theo Sở KH-CN, địa điểm lựa chọn tại H.Cẩm Mỹ phù hợp quy hoạch chiến lược trong tương lai, vì vị trí bảo tàng chỉ cách sân bay quốc tế Long Thành khoảng 7 km. Chưa hết, nếu đi bằng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (dự kiến hoàn thành vào đầu năm 2014), thì từ TP.HCM đến BTKH Đồng Nai khoảng 30 phút; còn theo QL56 thì từ Bà Rịa-Vũng Tàu đến bảo tàng cũng mất khoảng 40 phút...

Cần thận trọng

Tháng 3.2013, Sở KH-CN Đồng Nai đã tổ chức một hội thảo tại Hà Nội để lấy ý kiến đóng góp cho đề án BTKH. Ông Nguyễn Quân, Bộ trưởng Bộ KH-CN, cho rằng đây là đề án quan trọng, bởi hiện nay Việt Nam chưa có bảo tàng quốc gia về KH-CN. Mặt khác, đối tượng của bảo tàng là thế hệ trẻ, vì vậy ngoài việc đáp ứng nhu cầu của tỉnh, BTKH Đồng Nai cần phải thận trọng xem xét các yếu tố thu hút thế hệ trẻ và người dân đến tham quan, học tập và đặc biệt là tạo ra môi trường tốt hỗ trợ thế hệ trẻ phát huy năng lực, sở trường, đóng góp.

Tại hội thảo, một số nhà khoa học đề nghị nên tập trung chủ yếu vào thiết kế, xây dựng mô hình về đối tượng khoa học trên các lĩnh vực lịch sử tự nhiên, địa chất, công nghiệp, môi trường, khí hậu, khoa học tự nhiên, như toán học, vật lý, hóa học, sinh học... Đặc biệt, để thu hút nhiều người quan tâm, bảo tàng cần thể hiện rõ đặc trưng riêng, sắc thái riêng, không lặp lại ở các bảo tàng hiện có.

Khu hoang vắng

Chiều 18.7, ông Nguyễn Thanh, cán bộ địa chính UBND xã Xuân Đường (H.Cẩm Mỹ, Đồng Nai), cho biết vị trí dự tính xây BTKH Đồng Nai nằm trên hương lộ 10 (tuyến đường này nối QL56 với QL51). Hiện khu đất đang trồng cây cao su do Nông trường cao su Cẩm Đường (thuộc Tổng công ty cao su Đồng Nai) quản lý. Hiện tại xã mới nhận công văn của UBND H.Cẩm Mỹ (ngày 1.7.2013) về việc bổ sung Đồ án nhiệm vụ quy hoạch dọc hai bên hương lộ 10 qua địa bàn huyện, trong đó có dự án BTKH, chứ chưa có quyết định quy hoạch.

Theo quan sát của PV, khu đất dự tính xây dựng BTKH hiện vẫn đang trồng cao su bạt ngàn. Hương lộ 10 mới vừa được trải nhựa, đầu tư nâng cấp nhưng phương tiện qua lại cũng ít, chủ yếu là xe máy; vào ban đêm, phương tiện càng ít hơn, rất hoang vắng.

Lê Lâm

Kim Cương

>> Khai trương Bảo tàng Sáp duy nhất tại Việt Nam
>> Bảo tàng Vương Hồng Sển - 10 năm chưa thành: Những hệ lụy từ cổ vật
>> Kiểm tra, xử lý công trình bảo tàng vừa sử dụng đã hư hỏng
>> Bộ sưu tập của Dương Phú Hiến không còn trưng bày tại bảo tàng
>> Bảo tàng Chứng tích chiến tranh vào top 5 bảo tàng hấp dẫn nhất châu Á
>> Hơn 28 tỉ đồng đầu tư cho trưng bày tại Bảo tàng Hội An
>> Oprah Winfrey góp 12 triệu USD xây bảo tàng Mỹ Phi
>> Nghiên cứu lập bảo tàng ngoài trời tại Cù Lao Chàm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.