Sự ngạo ngược của “kẻ bắt nạt”

15/05/2014 03:00 GMT+7

Những động thái hung hăng của tàu Trung Quốc tại vùng biển Việt Nam đã cho cộng đồng quốc tế thấy rõ tính “bắt nạt” của một nước lớn.


Tàu hải cảnh Trung Quốc (phải) dùng vòi rồng tấn công tàu Việt Nam - Ảnh: Bộ Ngoại giao Việt Nam cung cấp 

Trong những ngày qua, Trung Quốc (TQ) liên tục có hành vi gây hấn, phá hoại đối với các tàu của lực lượng chấp pháp Việt Nam (VN) làm nhiệm vụ đẩy đuổi giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) ra khỏi thềm lục địa VN. Điều ngạo ngược là trong khi TQ một mặt liên tục nói VN đâm tàu mình, nhưng chính Bắc Kinh mới là bên mang tàu chiến, máy bay tiêm kích ra khu vực hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981. Thông tin từ lực lượng Cảnh sát biển VN mấy ngày qua đã khẳng định: Các tàu TQ - bao gồm tàu quân sự, tàu hải cảnh, tàu hải giám, tàu hải tuần, tàu ngư chính, tàu kéo cứu hộ, tàu vận tải, tàu dầu và tàu cá vỏ sắt - đang bảo vệ cho hoạt động trái phép, xâm phạm của giàn khoan Hải Dương-981 trên thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của VN. 

Các chuyên gia hàng hải quốc tế đều khẳng định việc TQ cho tàu vũ trang, tàu quân sự và máy bay hộ tống đi vào vùng biển VN là đi ngược lại tinh thần luật pháp quốc tế và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC). Các chuyên gia này nhận định, trong khi TQ luôn muốn cả thế giới thấy rằng VN mới là bên khiêu khích họ, những hành động liên tục của Bắc Kinh mấy ngày qua hoàn toàn chứng minh điều ngược lại.

Tiến sĩ Euan Graham (ĐH Công nghệ Nanyang - Singapore) nhận xét: “Thật khó mà chỉ ra được những hành động nào gọi là “khiêu khích” từ phía VN, không chỉ trong vụ giàn khoan Hải Dương-981 mà còn trong suốt 2 năm qua. VN đã làm mọi cách để thể hiện thiện chí hợp tác với TQ và giảm thiểu căng thẳng ở biển Đông bằng cách thiết lập các đường dây nóng ở các cấp cùng nhiều biện pháp khác. Nếu TQ muốn gửi thông điệp đến ai đó thông qua cách chọn hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 và bằng những hành động như vừa qua, giới phân tích không thể không gọi đó là hành động bắt nạt trong hoàn cảnh không hề bị khiêu khích”.

Sẽ trả giá đắt

TS Mohan Malik (Trung tâm nghiên cứu an ninh châu Á - Thái Bình Dương, Mỹ) nhận định: “Hạ đặt giàn khoan với trên 80 tàu, trong đó có tàu quân sự, hộ tống thì rõ ràng không phải nhằm phục vụ mục đích khai thác dầu khí. Đây đơn thuần là một động thái chính trị diễn ra ngay sau chuyến công du của Tổng thống Mỹ Barack Obama đến Nhật và Philippines. TQ muốn chứng tỏ Mỹ không làm gì được nhiều ở biển Đông bất cứ khi nào Bắc Kinh có hành động lấn lướt”.

Thế nhưng, theo các chuyên gia, chính TQ sẽ là bên thiệt hại nhiều nhất nếu như nước này tiếp tục đẩy căng thẳng leo thang. TS Graham nói: “Nếu tình hình căng thẳng leo thang đến mức TQ dùng đến vũ lực, điều tất yếu là Bắc Kinh sẽ thấy ngay điều mình không bao giờ muốn trở thành hiện thực: vấn đề biển Đông được quốc tế hóa. Để căng thẳng leo thang tới mức đó chỉ sẽ cực kỳ tổn hại cho chính quyền lợi của TQ”.

Đồng ý với quan điểm trên, Giáo sư Dennis McCornac (ĐH Loyola Maryland, Mỹ) nhận định: “Càng manh động quân sự, cái giá TQ phải trả sẽ càng đắt. Theo tôi, có sự tương đồng giữa động cơ gây hấn của TQ ở biển Hoa Đông với Nhật và ở biển Đông với VN: chuyển hướng dư luận sang những vấn đề quốc tế để giảm bớt căng thẳng từ những vấn đề trong nước. Cậy đến chủ nghĩa dân tộc là chiến thuật quen thuộc để khiến người dân trở nên yêu nước hơn”.

Ông David Zweig, Giám đốc Trung tâm quan hệ xuyên quốc gia của TQ thuộc ĐH Khoa học và kỹ thuật Hồng Kông, nói lập trường cứng rắn của TQ đối với VN có thể gây hại đến các mục tiêu ngoại giao của TQ ở những nơi khác trong khu vực. “Nếu TQ không thể hợp tác với VN sau khi có thỏa thuận song phương, làm thế nào để họ thuyết phục nước khác đồng ý ký thỏa thuận song phương thay vì đa phương?”, ông Zweig nói với tờ The New York Times.

Các chuyên gia quốc tế nhận định, kinh nghiệm lịch sử cho thấy TQ luôn đưa ra lời đề nghị đàm phán sau khi đã chiếm đóng phần lãnh thổ của nước khác, nhằm hợp pháp hóa sự chiếm đóng này và buộc bên kia nhân nhượng. Do vậy, trong trường hợp giàn khoan Hải Dương-981, bất kỳ cuộc đàm phán nào diễn ra trong bối cảnh giàn khoan chưa được đưa ra khỏi vùng biển VN đều sẽ gây phương hại đến vị thế và quyền lợi của VN về lâu dài. TS Alexdander Vuving (Trung tâm nghiên cứu an ninh châu Á - Thái Bình Dương) cảnh báo: “Nếu TQ đàm phán, thì mục tiêu của cuộc đàm phán đó cũng sẽ là đánh đổi những động thái ngắn hạn nhằm đạt được những toan tính lâu dài từ VN”.

Với viễn cảnh an ninh và tự do hàng hải biển Đông bị các hành vi của TQ đe dọa, TS Graham kết luận: “VN cần tiếp tục kiên trì và gầy dựng sự ủng hộ từ cộng đồng quốc tế. VN ít nhất cũng sẽ được ủng hộ về mặt ngoại giao từ các bên có quyền lợi liên quan như các nước thành viên ASEAN, Ấn Độ, Mỹ hay Nhật".

Nếu tình hình căng thẳng leo thang đến mức Trung Quốc dùng đến vũ lực, điều tất yếu là Bắc Kinh sẽ thấy ngay điều mình không bao giờ muốn trở thành hiện thực: vấn đề biển Đông được quốc tế hóa. Để căng thẳng leo thang tới mức đó chỉ sẽ cực kỳ tổn hại cho chính quyền lợi của Trung Quốc

Tiến sĩ Euan Graham

Úc quan ngại sâu sắc về tình hình biển Đông

Bộ Ngoại giao Úc hôm qua đã ra thông cáo hoan nghênh tuyên bố về tình hình biển Đông của Hội nghị cấp cao ASEAN ở Myanmar và bày tỏ sự “quan ngại sâu sắc” trước những diễn biến làm gia tăng căng thẳng trong thời gian gần đây. Trong thông cáo đăng trên website, Bộ Ngoại giao Úc tuyên bố nước này có “lợi ích hợp pháp trong việc duy trì hòa bình và ổn định, tôn trọng luật pháp quốc tế, giao thương không bị ngăn trở và tự do hàng hải” ở biển Đông. Úc cũng thúc giục các bên kiềm chế thực hiện các hành động khiêu khích có thể làm leo thang tình hình và áp dụng các biện pháp làm giảm căng thẳng.

S.D

 An Điền

>> Tiếp tục 'Chung tay góp sức bảo vệ biển Đông
>> TP.HCM phát động ủng hộ lực lượng bảo vệ chủ quyền biển Đông
>> Mỹ, Trung Quốc sẽ bàn về tranh chấp biển Đông vào đầu tháng 7
>> Tiếp tục đồng lòng hướng về biển Đông
>> Trung Quốc nóng mặt với bình luận của ngoại trưởng Mỹ về biển Đông

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.