Pháp đã giúp Việt Nam đào tạo hơn 3.000 bác sĩ chất lượng cao

Quý Hiên
Quý Hiên
04/11/2023 17:35 GMT+7

Từ năm 2010 đến nay, thông qua chương trình đào tạo chuyên sâu dành cho các bác sĩ chuyên khoa, Pháp đã góp phần giúp Việt Nam đào tạo hơn 3.000 bác sĩ chất lượng cao.

"Đính ước" hợp tác y khoa từ cách đây 200 năm

Hôm nay 4.11, tại Hà Nội, Trường ĐH Y Hà Nội đã tổ chức Hội nghị y học Pháp - Việt. Đây là sự kiện học thuật nổi bật trong chuỗi hoạt động nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Pháp.

Là một hội nghị khoa học, trong đó có các phiên chuyên đề bàn sâu các vấn đề chuyên môn, nhưng trong phiên tổng thể, các diễn giả đã dành nhiều thời gian để nói về mối quan hệ giữa hai nền y khoa Pháp - Việt.

Pháp đã giúp Việt Nam đào tạo hơn 3.000 bác sĩ chất lượng cao - Ảnh 1.

TS - BS Gildas Tréguier (Nhóm bệnh viện Bretagne Sud - Lorient, Pháp) chia sẻ tại hội nghị báo cáo về lịch sử hợp tác giữa hai nền y học Việt - Pháp

HỮU LINH

Theo TS - BS Gildas Tréguier (Nhóm bệnh viện Bretagne Sud - Lorient, Pháp), có thể xem lịch sử mối quan hệ hợp tác y khoa Pháp - Việt chính thức được đặt nền móng từ năm 1821, thời điểm bác sĩ Jean-Marie Despiau bắt đầu đến Huế, giúp vua Minh Mạng huấn luyện 10 lương y Việt Nam kỹ thuật tiêm phòng đậu mùa. TS - BS Tréguier gọi sự kiện này là "đính ước hợp tác y tế đầu tiên giữa Việt Nam và Pháp".

Từ năm 1853, bắt đầu có những bác sĩ Pháp đầu tiên làm việc chính thức ở Việt Nam, tạo nên một đội ngũ cán bộ y tế ở thuộc địa An Nam. Năm 1902, trường y khoa đầu tiên của Đông Dương được Pháp thành lập, đặt nền móng đầu tiên cho nền y học Việt Nam hiện đại.

Trong hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, dù mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước có sự gián đoạn nhưng nhiều bác sĩ Pháp vẫn sát cánh bên các đồng nghiệp Việt Nam. Từ năm 1973, Pháp và Việt Nam thiết lập lại mối quan hệ ngoại giao, tạo điều kiện thúc đẩy mối quan hệ hợp tác chính thức giữa hai nền y khoa.

Phát biểu tại phiên khai mạc của hội nghị, bà Cécile Vigneau, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, cũng bày tỏ niềm tự hào về những đóng góp của đất nước, người dân Pháp đối với nền y khoa Việt Nam. Trong đó, đáng kể là việc thành lập Trường Y khoa Đông Dương, tiền thân của Trường ĐH Y Hà Nội, với hiệu trưởng đầu tiên là bác sĩ Alexandre Yersin, một người "Việt Nam nhất" trong số những người Pháp.

Mong tiếp tục nhận hỗ trợ, ưu tiên từ Chính phủ Pháp

Còn GS Nguyễn Hữu Tú, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội, cho biết hiệp định hợp tác trong lĩnh vực y tế giữa hai Chính phủ Pháp và Việt Nam đã được ký vào ngày 10.2.1993, sau chuyến thăm và làm việc của Tổng thống Pháp François Mitterrand.

Thực hiện hiệp định này, Pháp đã giúp Việt Nam triển khai Chương trình thực tập thực hành nội trú tại các bệnh viện tại Pháp cho các bác sĩ Việt Nam (Chương trình FFI với nhiều chuyên ngành như ngoại, gây mê hồi sức, nhi khoa, phụ sản, nội khoa (chuyên khoa), tai mũi họng, chẩn đoán hình ảnh, tim mạch, y tế công cộng và dược...).

Pháp đã giúp Việt Nam đào tạo hơn 3.000 bác sĩ chất lượng cao - Ảnh 2.

Bà Cécile Vigneau, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam (trái), và GS Nguyễn Hữu Tú, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội

HỮU LINH

Ban đầu, chương trình tổ chức thi viết và vấn đáp tại Hà Nội và TP.HCM, từ đó chọn ra các bác sĩ giỏi nhất đến học tập tại Pháp trong 1 năm với vị trí thực hành nội trú. Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam điều phối và hỗ trợ cho các hoạt động này.

Từ năm 2010, Chương trình FFI đã thay đổi thành Chương trình DFMS/DFMSA (đào tạo chuyên sâu dành cho các bác sĩ chuyên khoa) và cách thức lựa chọn bác sĩ tham gia chương trình có sự thay đổi.

Chính sách đào tạo này đã góp phần đào tạo hơn 3.000 bác sĩ Việt Nam chất lượng cao. Nhiều bác sĩ tham gia chương trình hiện đã là lãnh đạo Bộ Y tế, hiệu trưởng, giám đốc, trưởng khoa tại các bệnh viện lớn của Việt Nam, góp phần to lớn và có vai trò quan trọng cho sự phát triển của hệ thống y tế Việt Nam.

Riêng với Trường ĐH Y Hà Nội, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam đã hỗ trợ nhiều suất học bổng thực tập quan sát, học bổng sau ĐH cho sinh viên, giảng viên của trường. Với sự hỗ trợ này, đến nay trường đã tổ chức được 10 khóa tập huấn chuyên khoa, các lớp học tiếng Pháp chuyên ngành do chuyên gia Pháp giảng dạy…

Hiện nay, trường có mối quan hệ hợp tác với hơn 20 trường ĐH, viện nghiên cứu và các tổ chức của Pháp. Mỗi năm có 50 giảng viên, chuyên gia Pháp đến trao đổi hợp tác, làm việc và giảng dạy tại Trường ĐH Y Hà Nội. Mỗi năm, nhà trường cũng tiếp đón hơn 200 sinh viên Pháp đến thực tập quan sát tại trường và các bệnh viện tại Hà Nội; có 30 sinh viên của trường tham gia các chương trình thực tập tại các viện, trường của Pháp hàng năm.

GS Tú bày tỏ mong muốn trong tương lai, trường tiếp tục nhận được sự hỗ trợ và ưu tiên từ Chính phủ Pháp, các đối tác Cộng hòa Pháp để phát triển Trường ĐH Y Hà Nội trở thành trường ĐH hàng đầu châu Á trong lĩnh vực sức khỏe, thành một biểu tượng cho lịch sử và hiệu quả hợp tác giữa Việt Nam và Pháp.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.