Tài nguyên du lịch giao cho doanh nghiệp khai thác: Thích thì mở, 'không thích' thì đóng cửa

19/09/2023 13:45 GMT+7

Hàng loạt cảnh đẹp là di sản của đất nước được giao cho doanh nghiệp quản lý và khai thác nhưng không ít nơi thích thì mở cửa, không thích thì đóng.

Đóng cửa, "đình công"

Ngày 15.9 vừa qua, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và Dịch vụ du lịch Tu Sản bất ngờ gửi thông báo tạm ngừng vận chuyển du khách trên lòng hồ thủy điện Nho Quế 1. HTX là đơn vị duy nhất khai thác tàu thuyền chở khách tham quan trên sông Nho Quế, ngắm hẻm vực Tu Sản cực kỳ nổi tiếng và thu hút đông đúc du khách ở Hà Giang.

Kỳ lạ tài nguyên của đất nước nhưng thích thì mở,  'không thích' thì đóng cửa - Ảnh 1.

Du khách nước ngoài hiện không còn cơ hội ngồi thuyền ngắm sông Nho Quế

ĐỘC LẬP

Nguyên nhân HTX đưa ra là, chưa thống nhất được phương án quản lý tạm thời hoạt động vận tải thủy nội địa phục vụ khách du lịch trong phạm vi lòng hồ thủy điện Nho Quế 1 giữa UBND huyện Mèo Vạc, HTX và Công ty CP Thủy điện Nho Quế 1. Đồng thời chưa ký kết hoặc gia hạn hợp đồng vận chuyển hành khách giữa Công ty CP Thủy điện Nho Quế 1 và HTX.

Vì thế, HTX tạm ngừng vận chuyển du khách tham quan hẻm Tu Sản bằng tàu du lịch trên sông Nho Quế kể từ 16.9 cho đến khi có thông báo mới. Cho đến nay, sau gần 4 ngày "đình công", tàu thuyền trên sông Nho Quế vẫn chưa hoạt động trở lại, du khách không thể ngắm dòng sông xanh màu ngọc bích và hẻm vực sâu nhất Đông Nam Á…

Trước đó, một trường hợp tương tự cũng xảy ra khi từ ngày 8.7, Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động (Ninh Bình) đột ngột tạm dừng hoạt động ngay trong cao điểm hè và không rõ khi nào mở cửa trở lại.

Nguyên nhân chính dẫn tới việc tạm dừng hoạt động là do giữa doanh nghiệp (Công ty TNHH Đầu tư - thương mại - dịch vụ Tràng An, đơn vị quản lý, khai thác khu du lịch Tam Cốc - Bích Động) với người chèo đò không thống nhất được việc ký hợp đồng lao động.

Mãi đến cuối tháng 8, điểm du lịch nổi tiếng này vẫn không trở lại hoạt động bình thường. Trao đổi với PV Thanh Niên thời điểm đó, ông Nguyễn Cao Tấn, Phó giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình, cho biết: "Sau khi doanh nghiệp thông báo tạm dừng hoạt động vào ngày 8.7, chúng tôi đã yêu cầu doanh nghiệp phải cho hoạt động trở lại. Đến ngày 21.8 thì thông báo mở cửa trở lại, nhưng vẫn không thể phục vụ du khách vì chưa triển khai được việc chèo đò".

Đa phần người chèo đò vẫn không muốn ký hợp đồng vì sợ bị ràng buộc về thời gian, hợp đồng chỉ kéo dài có 1 năm và do một số nguyên nhân khác... Nhiều ý kiến người dân cho rằng môi trường, dòng sông là tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên quốc gia, đò do người dân tự bỏ tiền đóng thì lý do gì bà con lại phải ký hợp đồng để chịu sự ràng buộc về thời gian với doanh nghiệp.

Kỳ lạ tài nguyên của đất nước nhưng thích thì mở,  'không thích' lại đóng cửa - Ảnh 2.

Tam Cốc - Bích Động đóng cửa trong 2 tháng khiến đò chèo của dân phơi sương

MINH HẢI

Ai đứng ra chịu trách nhiệm?

Ông Trần Thế Dũng, Phó giám đốc Công ty Du lịch Thế Hệ Trẻ, cho biết các tour miền Bắc trong thời gian qua chịu ảnh hưởng tiêu cực từ việc đóng cửa các điểm tham quan. Mùa hè thì gặp trường hợp của Tam Cốc - Bích Động, đến nay lại có vụ ngừng tour tàu thuyền trên sông Nho Quế. Đây là hai điểm đến cực kỳ nổi tiếng ở miền Bắc được nhiều du khách yêu thích và có mặt trong tất cả hành trình tour...

"Việc ngừng tàu thuyền trên sông Nho Quế khiến chúng tôi phải tìm cách xử lý khác để thay thế. Chẳng hạn, chúng tôi đưa khách thuê xe máy qua hướng tây, từ đây thuê thuyền của dân vào Tu Sản ngắm cảnh. Mặc dù không thuận tiện bằng, vì khi còn tàu của HTX, du khách xuống bến khá dễ dàng do đi nhờ đường của công ty thủy điện, nhưng có còn hơn không. Trong trường hợp khách ngại đi thuyền của dân, chúng tôi đưa khách đến vị trí đẹp trên đèo Mã Pí Lèng để ngắm cảnh sông Nho Quế và hẻm vực Tu Sản từ trên cao", ông Dũng cho biết.

Theo ông Dũng, tỉnh Hà Giang đã rất nỗ lực trong thời gian qua để khiến điểm đến sông Nho Quế trở nên dễ tiếp cận và nổi tiếng, thu hút đông đúc du khách. Tuy nhiên, nếu không xử lý dứt điểm vụ tàu thuyền sẽ khiến Hà Giang kém hấp dẫn, không chỉ ảnh hưởng đến đời sống của người dân bản địa mà còn tác động xấu đến du khách, doanh nghiệp lữ hành…

Số liệu thống kê, trong 2 ngày cuối tuần vừa qua (16 - 17.9), khoảng 1.000 du khách bị hủy tour đi thuyền ngắm sông Nho Quế.

Trung bình mỗi ngày trong tuần, HTX đưa đón khoảng 600 du khách đi thuyền, ngày cuối tuần từ 1.000 – 1.200 khách trong và ngoài nước.

Kỳ lạ tài nguyên của đất nước nhưng thích thì mở,  'không thích' thì đóng cửa - Ảnh 3.

Hẻm vực Tu Sản là điểm đến thu hút du khách ở Hà Giang

ĐỘC LẬP

Trả lời báo chí vào ngày 16.9, UBND huyện Mèo Vạc cho biết, địa phương đã có văn bản chấp thuận cho HTX tiếp tục vận chuyển du khách đến cuối năm 2023. Thế nhưng, đơn vị này đã không tiếp tục hoạt động. Trong cùng ngày, huyện đã làm việc với các bên liên quan, nhưng không tìm ra giải pháp nên du khách không thể tham quan sông Nho Quế. Nguyên nhân, hai đơn vị này chưa thống nhất được phân chia lợi ích.

Chuyên gia du lịch Nguyễn Đức Chí cho rằng, lợi ích giữa doanh nghiệp và cộng đồng đã xung đột trong vụ việc của Tam Cốc - Bích Động hay sông Nho Quế và cần một phương án xử lý nhanh chóng để tài nguyên được rộng cửa đón du khách. Ở đây, Công ty CP Thủy điện Nho Quế 1 được giao giữ tài nguyên (sông Nho Quế) do nằm trong lòng hồ thủy điện và HTX - đại diện của cộng đồng được khai thác tài nguyên đó bằng hệ thống tàu thuyền tự đóng. Địa phương không thể đứng ngoài vụ việc và cho đó là tranh chấp dân sự giữa hai bên.

Sông Nho Quế chảy vào Việt Nam từ địa phận thôn Séo Lủng, xã Lũng Cú, Đồng Văn, đi qua hẻm núi Tu Sản rồi chạy dọc theo đèo Mã Pì Lèng. Đến Mèo Vạc, dòng nước tách ra chảy theo hướng đông - đông nam vào địa phận Cao Bằng, cuối cùng đổ nước vào sông Gâm.

Tu Sản được cho là hẻm vực sâu nhất Đông Nam Á, với khoảng từ 700 - 800m, dài gần 2km. Năm 2009, Bộ VH-TT-DL xếp khu vực đèo Mã Pí Lèng, hẻm Tu Sản là di tích danh lam thắng cảnh Việt Nam; sông Nho Quế được vinh danh là một trong những Thung lũng Kiến tạo độc nhất vô nhị của Việt Nam.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.