Đề cao và tôn vinh những thanh niên sống đẹp

14/09/2005 23:34 GMT+7

(Toàn văn bài phát biểu của Chủ tịch nước Trần Đức Lương trong buổi làm việc với Ban Bí thư T.Ư Đoàn tại Hà Nội ngày 14/9/2005. Đầu đề của Thanh Niên) Các đồng chí thân mến, Trong không khí cả nước tưng bừng tổ chức kỷ niệm trọng thể 60 năm Cách mạng Tháng 8 và Quốc khánh 2/9, hôm nay, tôi vui mừng có dịp đến thăm, làm việc với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Trước hết, tôi thân ái gửi đến các đồng chí và qua các đồng chí gửi đến toàn thể cán bộ, đoàn viên, hội viên, thanh niên, các cháu thiếu niên, nhi đồng trong cả nước lời thăm hỏi ân cần và lời chúc tốt đẹp nhất.

Tôi cảm ơn đồng chí Đào Ngọc Dung, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đoàn báo cáo một số vấn đề cơ bản trong công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi; kết quả hoạt động của Đoàn tham gia phát triển kinh tế - xã hội năm 2004 và 6 tháng đầu năm 2005. Tôi rất vui được biết rằng thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự quan tâm của các cấp chính quyền và toàn xã hội, sự nỗ lực phấn đấu của tổ chức Đoàn, công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi đã có bước phát triển mới đáng khích lệ. Đoàn thanh niên đã có nhiều hoạt động, nhiều phong trào sáng tạo, gây được những dấu ấn tốt đẹp trong đời sống xã hội. Các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động phong phú, thiết thực nhất là phong trào thanh niên tình nguyện, hoạt động Tháng Thanh niên, các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, chủ động tham mưu xây dựng các cơ chế, chính sách liên quan đến thanh niên và công tác thanh niên đã góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Qua hoạt động thực tiễn và được bồi dưỡng về chính trị, tư tưởng, thanh niên ta ngày nay có giác ngộ lý tưởng, có lòng nhân ái, có trình độ chuyên môn, nghề nghiệp, khơi dậy và phát huy được tinh thần xung phong tình nguyện, tính tích cực chính trị, xã hội của đoàn viên, thanh niên, đây là phẩm chất tốt đẹp của tuổi trẻ trong giai đoạn cách mạng mới của đất nước. Nổi bật là các hoạt động giáo dục chính trị, giáo dục truyền thống, nghiên cứu, học tập tư tưởng Hồ Chí Minh, các hội thi tuyên truyền từ cơ sở đến toàn quốc, các cuộc thi tìm hiểu về Đảng nhân kỷ niệm 75 năm, về nước Cộng hòa XHCN Việt Nam nhân kỷ niệm 60 năm đã thu hút hàng chục triệu thanh, thiếu niên và nhân dân tham gia. Thông qua các hoạt động


Chủ tịch nước Trần Đức Lương với các em học sinh (ảnh: M.D)

của Đoàn, Hội, Đội đã mở rộng mặt trận đoàn kết tập hợp thanh niên, củng cố tổ chức cơ sở và qua các phong trào này số lượng thanh niên được kết nạp vào Đoàn, đoàn viên ưu tú được kết nạp vào Đảng ngày càng tăng.

Thay mặt các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi nhiệt liệt biểu dương, khen ngợi những nỗ lực, cố gắng và thành tích đã đạt được của Đoàn thanh niên và tuổi trẻ Việt Nam thời gian qua.

Bên cạnh những thành tích đã đạt được, các đồng chí cũng nghiêm túc nêu lên những tồn tại: Tỷ lệ tập hợp thanh niên nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, trong doanh nghiệp ngoài quốc doanh, trên địa bàn dân cư còn thấp; nội dung sinh hoạt Đoàn ở cơ sở còn nghèo, thiếu tính hấp dẫn lôi cuốn thanh niên; chất lượng cán bộ nhất là cấp cơ sở nhiều nơi chưa đáp ứng yêu cầu của phong trào. Trong sinh hoạt và đời sống một bộ phận thanh thiếu niên còn hiện tượng tiêu cực, thậm chí bị tha hóa như thờ ơ với việc rèn luyện lý tưởng, đạo đức, ngại tham gia các hoạt động xã hội, có những biểu hiện của lối sống thực dụng, hưởng thụ, đua đòi, sa vào các tệ nạn xã hội như cờ bạc, ma túy, mại dâm, phạm pháp hình sự. Mặt khác, cũng phải thấy thanh niên hiện nay còn có nhiều khó khăn về trình độ tay nghề, nhu cầu thông tin, việc làm, thu nhập, nhu cầu vui chơi giải trí... Vì vậy, hơn lúc nào hết, đoàn kết tập hợp thanh niên, giáo dục và rèn luyện, phát huy tiềm năng của giới trẻ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là việc cực kỳ hệ trọng của Đảng, của Đoàn và của toàn xã hội.

Các đồng chí thân mến,

Đất nước ta đã bước sang thời kỳ cách mạng mới - thời kỳ tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới và công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước - với nhiều thời cơ và thuận lợi mới song cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn thách thức to lớn đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phải phấn đấu vượt qua, quyết chiến thắng nghèo nàn lạc hậu, dồn mọi tâm lực xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh thịnh vượng. Sự nghiệp cao cả này trước hết đặt lên vai thế hệ thanh niên với vai trò là những người chủ của đất nước, là lực lượng xung kích trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là trong phát triển kinh tế và phát triển nền giáo dục vì tương lai tươi sáng của dân tộc.

Để thực hiện được nhiệm vụ to lớn và vẻ vang đó, tôi đề nghị Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tiếp tục chỉ đạo làm tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

- Một là: Phải hết sức coi trọng việc tăng cường công tác giáo dục lý tưởng, truyền thống cách mạng, xây dựng bản lĩnh chính trị cho thanh niên, bồi dưỡng lòng yêu nước, thương dân, ý chí tự cường, tự tôn dân tộc, xây dựng lối sống có ước mơ, hoài bão, sống có văn hóa lành mạnh, ý thức công dân trong thanh niên, đề cao và tôn vinh những thanh niên sống đẹp là yêu cầu và nhiệm vụ hàng đầu hiện nay. Đây chính là quá trình xây dựng động cơ, nói cách khác là tạo dựng nội lực tinh thần, giúp cho tuổi trẻ luôn vững vàng và ngày càng củng cố niềm tin vững chắc của mình vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.

- Hai là: Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phải là lực lượng tiên phong trong việc đẩy mạnh hơn nữa các phong trào thi đua yêu nước, phong trào hành động cách mạng sôi nổi của tuổi trẻ bằng những nội dung, phương thức phù hợp với từng đối tượng thanh niên nhằm huy động đông đảo các tầng lớp thanh niên tham gia, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh chính trị của địa phương, đất nước. Đặc biệt, cần khơi dậy trong đoàn viên, thanh niên tinh thần hăng say rèn luyện trong học tập, nghiên cứu khoa


Chủ tịch nước Trần Đức Lương và những lãnh đạo chủ chốt của Trung ương Đoàn (ảnh: M.D)

học, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất và đời sống, hướng mạnh các hoạt động của Đoàn về cơ sở, tập trung cho cơ sở nhất là địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng có nhiều khó khăn.

- Ba là: Tăng cường xây dựng Đoàn vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, trước hết phải quan tâm đến tổ chức Đoàn cơ sở là chi đoàn; mở rộng mặt trận đoàn kết tập hợp thanh niên thông qua việc đa dạng hóa các hình thức, phương thức tập hợp, trong đó cần quan tâm đến đối tượng thanh niên trong các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, vùng tôn giáo, vùng đồng bào dân tộc, thanh niên trên địa bàn dân cư, thanh niên lao động tự do. Chú trọng nâng cao chất lượng đoàn viên, nhất là chất lượng chính trị, tính tiền phong, gương mẫu, tiêu biểu cho trí tuệ và bản lĩnh của thế hệ trẻ Việt Nam; chủ động xây dựng kế hoạch tham mưu cho cấp ủy tăng cường công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ Đoàn, vì cán bộ Đoàn chính là nguồn cung cấp cán bộ phong phú cho Đảng, chính quyền và các ngành đoàn thể; lựa chọn các tấm gương tiêu biểu, xuất sắc trong thanh niên để đề nghị với Đảng, Nhà nước phong tặng hoặc truy tặng các phần thưởng, danh hiệu vinh dự cao quý.

Nhân dịp này, tôi kêu gọi các cấp ủy Đảng, chính quyền, các bộ, ngành, các đoàn thể và các doanh nghiệp hãy quan tâm và tích cực tạo điều kiện nhiều hơn nữa để Đoàn thanh niên thực hiện tốt chức năng giáo dục bồi dưỡng thế hệ trẻ Việt Nam, thực sự trở thành những chủ nhân đích thực của đất nước, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thân yêu của chúng ta.

Các đồng chí thân mến,

Nhân buổi gặp mặt hôm nay, tôi cũng muốn được bày tỏ đôi điều về sự xuất hiện nhật ký của hai liệt sĩ hy sinh ở lứa tuổi 20: Nguyễn Văn Thạc và Đặng Thùy Trâm. Nội dung của hai cuốn nhật ký đã làm dấy lên một phong trào rộng lớn trong nhận thức về trách nhiệm và nghĩa vụ công dân, đặc biệt là của lớp trẻ, đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đọc các cuốn nhật ký, câu chuyện về các cuốn nhật ký, cũng như theo dõi diễn biến dư luận, tình cảm của xã hội thể hiện trong những ngày qua trước tác động của hai cuốn nhật ký, tôi vô cùng xúc động. Những tình cảm tưởng như đã lắng đọng, từ trong những tháng ngày cam go nhất của cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ lương tri và phẩm giá Việt Nam có dịp trở lại làm lay động lòng người. Đối với lịch sử nhân loại nói chung và của Việt Nam nói riêng, cuộc chiến tranh giải phóng, giành độc lập, tự do của nhân dân Việt Nam là một sự kiện thời đại mà các sử gia, các nhà hoạt động văn hóa của thời đại chúng ta phải ghi lại bằng những dòng chữ lửa không thể phai mờ được; là sự kiện không chỉ của Việt Nam mà của lương tri nhân loại. Trong sự kiện chung vĩ đại ấy, có vô vàn những sự kiện điển hình, cụ thể, sống động, chân xác mà nhật ký Nguyễn Văn Thạc, Đặng Thùy Trâm, cũng như những di bút của nhiều liệt sĩ anh hùng khác của dân tộc, làm rúng động trái tim của triệu triệu con người.

Những tình cảm, suy nghĩ, sự đáp ứng chân thành của mọi tầng lớp nhân dân, mọi lứa tuổi, nhất là lớp trẻ, khi đọc hai cuốn nhật ký chiến tranh, làm trào dâng trong mỗi chúng ta niềm tin vững chắc về ngày mai của đất nước. Thêm một lần nữa, mỗi người Việt Nam chúng ta như được lay động từ nơi sâu thẳm nhất của tâm hồn về truyền thống cao đẹp của dân tộc: yêu nước, thương nòi, tình yêu cuộc sống đầy tính nhân văn cao cả. Tinh thần ấy được thắp sáng, thôi thúc, nhen lên trong mỗi người khát vọng vươn tới cái cao cả, thiêng liêng. Đó chính là điều mà Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu và Đảng ta đã dày công hun đúc cho lớp lớp thanh niên trong thời đại Hồ Chí Minh, thời đại đã làm nên biết bao kỳ tích của dân tộc.

Tôi đặc biệt vui mừng, xúc động và tự hào chứng kiến sự tiếp nhận trân trọng, sâu lắng, rộng rãi và phổ biến của lớp trẻ hôm nay với chủ nghĩa anh hùng cách mạng, phẩm chất cao đẹp của các thế hệ cha anh.

Chính vì vậy, tôi đánh giá cao các phương tiện thông tin đại chúng đã có công sưu tầm, giới thiệu, quảng bá, giáo dục tinh thần yêu nước và bằng nhiều hình thức, thông qua hai tấm gương tiêu biểu Nguyễn Văn Thạc, Đặng Thùy Trâm; đề nghị các bộ, ngành liên quan tổ chức sưu tầm, lưu giữ, giới thiệu di bút của các liệt sĩ mà theo dư luận hiện vẫn còn nhiều và có giá trị như hai cuốn vừa công bố. Điều này, theo một số nhà xã hội học, là cách để chúng ta kiểm kê, đánh giá được trữ lượng tinh thần cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, trở thành tài sản vô giá truyền lại cho các thế hệ mai sau. Tôi đánh giá cao các tổ chức, cá nhân đã hưởng ứng và tổ chức nhiều hoạt động thiết thực để nhân lên thành phong trào học tập, noi gương các anh hùng liệt sĩ; đánh giá cao những hành vi đẹp tặng sách cho nhau trong lớp tuổi trẻ và cả cho những người đã từng lầm lỡ, nhằm khơi dậy lẽ sống, lý tưởng sống cao cả vì nghĩa lớn, làm cho những "mạch nguồn" trong sáng của dân tộc tiếp tục chảy mạnh hơn trong máu huyết của mỗi người Việt Nam.

Tôi mong muốn Chính phủ và các bộ, ngành, đoàn thể, các địa phương, đơn vị, các lực lượng vũ trang tiếp tục thực hiện và thực hiện ngày càng tốt hơn chính sách "đền ơn đáp nghĩa", "đại đoàn kết toàn dân"; tiếp tục hoàn thiện và thực hiện việc khen thưởng với những tập thể, cá nhân - kể cả những người từng ở "phía bên kia" và ở nước ngoài - những người có công mà hiện nay, vì nhiều lý do, vẫn chưa được khen tặng xứng đáng. Thực hiện tốt điều đó cũng chính là thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết quốc tế và trong nước, xóa bỏ hận thù, tạo ra sức mạnh muôn người như một ngày càng dồi dào hơn, quy tụ tất cả mọi nguồn lực vào mục tiêu vì tương lai của đất nước.

Riêng với những người liên quan cụ thể đến việc phát hiện và giới thiệu hai cuốn nhật ký của hai liệt sĩ Đặng Thùy Trâm và Nguyễn Văn Thạc, tôi đề nghị không chỉ cảm ơn mà cần có hình thức biểu dương xứng đáng. Trong số đó có thượng sĩ Nguyễn Trung Hiếu, người đứng ở bên kia chiến tuyến nhưng với tiềm thức sâu xa của một người Việt Nam, đã nhiều lần khuyên một chiến binh Mỹ giữ gìn cuốn nhật ký Đặng Thùy Trâm và ngăn không cho người lính Mỹ đốt cuốn nhật ký; đó là một người lính cộng hòa khác trùng tên Nguyễn Hiếu đã vượt chiến tuyến mang tới Hội Văn nghệ Khu V cuốn nhật ký của Chu Cẩm Phong mà đồng đội anh ta đã lấy được nơi liệt sĩ hy sinh; đó là người lính Mỹ trong quân đội viễn chinh - tiến sĩ Frederic Whitehurst và cả người mẹ của ông ta, đã trân trọng giữ gìn cuốn nhật ký Thùy Trâm suốt 35 năm qua; và còn bao người như thế nữa...

Qua cụ bà Doãn Ngọc Trâm, chúng ta càng kính trọng hơn nhân cách và bản lĩnh của những bà mẹ anh hùng của Việt Nam. Trong những giờ phút tiếp nhận những tin tức quang vinh và cảm động về người con gái yêu dấu của mình, cụ đã càng thương bao bà mẹ khác, cụ nói: “Họ cũng có con đi chiến đấu, cũng hy sinh anh dũng, nhưng không có được may mắn để lại được chút tâm sự như Thùy; có bà mẹ đến giờ này vẫn chưa biết con mình nằm lại nơi đâu”. Tôi muốn cùng với thế hệ trẻ hôm nay gửi đến các mẹ sự ngưỡng mộ và lòng biết ơn sâu sắc.

Tôi đặc biệt xúc động khi đọc những dòng này trong nhật ký của Thùy Trâm “Mình sẽ biết quý từng phút, từng giây hòa bình, bởi có sống ở đây mới hiểu hết giá trị của cuộc sống. Ôi! Cuộc sống đổi bằng máu xương, tuổi trẻ của bao nhiêu người. Biết bao cuộc đời đã chấm dứt để cho cuộc đời khác được tươi xanh”. Tôi có một lòng tin sâu sắc rằng tuổi trẻ Việt Nam hôm nay và mai sau sẽ thực hiện được ước mơ của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc “chỉ ao ước rằng, ngày mai, những trang giấy còn lại đằng sau toàn là những dòng vui vẻ và đông đúc...”. Vui vẻ, đó là niềm vui được góp phần xây đắp, vun trồng đất nước, con người Việt Nam phát triển toàn diện. Đông đúc, đó là một sự đông đúc về cống hiến trí tuệ, công sức, lương tri và phẩm giá.

Tôi rất vui mừng và hoan nghênh Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã kịp thời có sáng kiến và tích cực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, đoàn thể, tổ chức các hoạt động giáo dục thanh, thiếu niên. Đặc biệt là việc triển khai đợt sinh hoạt “Tiếp lửa truyền thống - Mãi mãi tuổi 20” với các hoạt động, các diễn đàn rất thiết thực để trao đổi, học tập gương hy sinh và tâm hồn cao đẹp của các liệt sĩ Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc cùng các liệt sĩ anh hùng đã hiến dâng trọn vẹn cuộc sống của mình cho độc lập, tự do của Tổ quốc, cho lương tri và phẩm giá của cả một thế hệ thanh niên Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh lịch sử. Tôi cũng được biết Báo Nhân Dân và Trung ương Đoàn đã phối hợp tổ chức diễn đàn “Tuổi trẻ Việt Nam sống đẹp - sống có ích” trên Báo Nhân Dân. Đây là sáng kiến rất có ý nghĩa, là sự thể hiện một cách sinh động cuộc vận động lớn của Đảng ta “Sống, chiến đấu, lao động, học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại”; là diễn đàn xã hội rộng rãi dành cho thế hệ trẻ và những người quan tâm, chăm lo cho thế hệ thanh, thiếu niên nước nhà, là nơi để thanh niên được bày tỏ tình cảm, trách nhiệm, những hoài bão, khát vọng và khơi dậy trong họ những phẩm chất tốt đẹp, thắp lên ngọn lửa nhiệt tình cách mạng, lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc trong mỗi thanh niên, để cho sống đẹp, sống có ích trở thành lẽ sống thường nhật của mỗi thanh niên Việt Nam.

Tôi mong rằng các đồng chí cán bộ, đảng viên, các đồng chí lão thành cách mạng, các đồng chí cựu chiến binh, những người luôn tâm huyết với sự nghiệp bồi dưỡng thế hệ trẻ hãy thông qua diễn đàn này để định hướng lý tưởng, chỉ ra cho thanh niên đi theo con đường tươi sáng mà Đảng, Bác Hồ kính yêu và nhân dân ta đã chọn lựa.

Đề nghị các cấp bộ Đoàn hãy động viên đoàn viên, thanh niên tích cực tham gia diễn đàn này. Đảng, Nhà nước sẽ tạo môi trường thuận lợi và cơ hội để những tài năng trẻ có điều kiện được cống hiến cho đất nước; những kiến nghị có giá trị của thanh niên sẽ được tiếp nhận và thực thi, góp phần xây dựng và phát triển nước Việt Nam cường thịnh sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác Hồ kính yêu hằng mong đợi. Chúc Báo Nhân Dân và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức thành công diễn đàn “Tuổi trẻ Việt Nam sống đẹp - sống có ích”.

Các đồng chí thân mến!

Để góp phần ủng hộ diễn đàn “Tuổi trẻ Việt Nam sống đẹp - sống có ích” do Báo Nhân Dân và Trung ương Đoàn phát động, tôi tặng 100 triệu đồng để Trung ương Đoàn trang bị các loại sách, băng đĩa, như: “Hồ Chí Minh - chân dung một con người”, “Sống mãi tuổi hai mươi” của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc, “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”... cho tủ sách giáo dục truyền thống của thanh niên vùng Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ.

Nhân đây, tôi kêu gọi các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, các địa phương và các nhà hảo tâm hãy tích cực đóng góp dưới nhiều hình thức thích hợp để xây dựng cho mỗi chi đoàn thanh niên cơ sở một tủ sách giáo dục truyền thống.

Xin cảm ơn!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.