Sinh viên và các nẻo đường làm thêm

14/09/2005 22:07 GMT+7

Giữa thời buổi vật giá tăng vùn vụt, giá phòng trọ cao ngất, điện nước không giảm, phí ăn uống tăng, và tiền gửi xe cũng tăng, để trang trải cho những khoản ấy, sinh viên đua chen nhau tìm việc làm thêm. Bao vui buồn cũng diễn ra từ đấy...

Gia sư: Nụ cười và nước mắt

Với Minh, 500.000 đồng tiền mồ hôi thóc gạo của bố mẹ từ quê gửi vào hằng tháng không đủ để cậu trang trải cho các khoản thuê nhà, điện nước, ăn ở, huống chi là chi phí tài liệu học tập và những thứ cần thiết khác. Bởi thế, ngay từ những ngày đầu tiên, Minh phải chạy đôn chạy đáo khắp nơi tìm việc làm thêm. Cậu may mắn được mấy anh cùng phòng "chia sẻ" cho một suất dạy vào ban đêm. Học trò học lớp mười một, con một đại gia. Một tuần ba buổi, mỗi tháng Minh được 700.000 đồng, mức lương khá hậu, đủ để giải quyết vấn đề chi phí ăn học. Học trò đạt điểm cao, phụ huynh quyết định chọn Minh rèn luyện cho con em họ đến kỳ thi đại học. Điều ấy khiến Minh hăng say với nghề gia sư hơn. Minh hứa với phụ huynh sẽ rèn học trò đến đỗ đại học mới thôi. Một trường hợp khác là Sơn - sinh viên Bách khoa. Thấy Sơn hiền lành lại học siêng nhất xóm trọ, bà chủ nhà nhờ cậu dạy kèm đứa cháu lớp bốn. Thằng bé hiếu động, học giỏi nhưng lại lười làm bài tập. Nhờ Sơn kèm cặp, thằng bé bớt ham chơi, bài kiểm tra đạt điểm cao hơn, lại còn đi thi học sinh giỏi cấp thành phố. Bà chủ nhà vui mừng, gửi gắm cháu mình cho Sơn dạy bảo luôn. Hằng tháng, ngoài tiền lương, bà chủ còn miễn tiền nhà cho Sơn, xem cậu như con cháu trong nhà.

Nếu không may mắn như Minh, Sơn thì những sinh viên khác cũng đua nhau tìm đến các trung tâm gia sư đăng ký cho mình một suất dạy. Tuy nhiên, để tìm cho mình một chỗ dạy mà chưa biết là có vừa ý hay không, thì việc trước tiên phải làm là nộp cho trung tâm 100.000 đồng tiền chi phí (mức này tùy theo từng nơi). Bích Thủy - Trường dân lập Văn Lang, tháng lương đầu tiên của cô vỏn vẹn 250.000 đồng thì phải chia cho trung tâm nơi cô đăng ký 40%. Từ tháng thứ hai trở đi, Thủy mới được quyền lĩnh đủ, nhưng phải đến trung tâm nhận, vì vậy số tiền hằng tháng chưa chắc đã còn trọn vẹn, gặp phải trung tâm gia sư dỏm thì không tránh khỏi cảnh "tiền mất, tật mang". Như trường hợp của Minh Uyên (ĐH Sư phạm), ba lần nộp lệ phí, sau đó đến chỗ dạy, cả ba lần những nơi ấy đều từ chối vì đã có người đến trước rồi. Xin lại lệ phí thì các trung tâm cứ phớt lờ hoặc bảo Uyên chờ đợi, hứa hẹn chỉ một thời gian ngắn là có suất mới cho Uyên. Nhưng Uyên đợi hoài cũng chẳng thấy họ hồi âm, cô đành “nuốt bồ hòn” đi tìm chỗ khác. Cay đắng hơn, Linh (năm nhất Đại học KHXH&NV) vừa bước chân vào văn phòng một trung tâm gia sư ở đường Trần Văn Đang, quận 3, quay đi quay lại, chiếc xe đạp của cô đã có kẻ "mượn không thèm trả".

Nghề gia sư cũng được những sinh viên vui mồm phân loại thành gia sư phổ thông và gia sư đại học. Gia sư đại học là những sinh viên học khá “oách” các môn chuyên ngành và nhận học bổng không sót một học kỳ nào. Họ lọt vào tầm ngắm của lớp đàn em năm nhất, năm hai và những thành viên cùng thời chẳng may bị đúp nhiều lần (thường là những công tử, tiểu thư con nhà quý tộc, giàu có nhưng ham chơi). Hoàng - năm cuối ĐH Bách khoa TP.HCM, nhận dạy kèm môn Toán đại cương cho một em dân lập năm hai đã hai lần đúp. Tiểu thư này chỉ thích gặp thầy mà chẳng chịu học hành, thường xuyên “gài” Hoàng vào những "cơn bão đêm" của cô. Tháng thứ ba, cho dù gần đến ngày nhận lương, Hoàng cũng đành bỏ giữa chừng vì cậu sợ bị các "cơn bão" của cô tiểu thư ấy đốn ngã mất. Còn với Khánh Vy - sinh viên năm ba ĐH Kinh tế nhận kèm môn Xác suất thống kê cho một sinh viên năm nhất, cả ba lần thi nhưng sinh viên ấy đều ở tình trạng... rơi tự do. Vừa ngán cái sự "dốt toàn phần" của học trò, lại còn bị phụ huynh trách mắng "như thế mà cũng đạt sinh viên xuất sắc!", Vy ngừng hẳn sự nghiệp gia sư của mình từ đó.

Nhóm SV làm thêm đang hướng dẫn khách hàng sử dụng máy camera - (ảnh: Đ.N.T)

Chạy bàn, tiếp thị: Mưa, nắng trên đầu

Không nhàn nhã, cũng chẳng “tăm tiếng” như nghề gia sư, nhưng các công việc chạy bàn, rửa chén lại được các sinh viên đón nhận một cách chăm chỉ sau mỗi chiều rời ghế giảng đường.

Mức học thời phổ thông chỉ đạt trung bình, Diệu (năm II Trường ĐH dân lập Văn Hiến) không dám mon men đến các trung tâm gia sư. Cô xin vào rửa chén ở một quán ăn đầu hẻm gần nơi trọ. Làm việc cho quán, Diệu được ăn cơm tối, lương tháng khoảng sáu, bảy trăm ngàn, đủ để cô tằn tiện chi tiêu. Khó khăn của Diệu ở công việc này là thời gian dành cho học hành quá ít. Ngoài thời giờ hiếm hoi trên giảng đường, Diệu tất tả làm các việc xách nước, rửa rau, quét dọn cho chủ quán, xong xuôi cũng đến 11 giờ đêm. Hai năm vừa học đại học kiêm nghề rửa chén, sức học của cô chỉ ở hạng trung bình. Diệu đang tìm kiếm một việc làm thích hợp khác để có thời gian cho sách vở hơn. Còn với Quốc Tuấn (khoa Sử - Trường KHXH&NV), việc làm đầu tiên của anh là chạy bàn cho một quán bar. Lương trên một triệu nhưng Tuấn phải nhanh tay, lẹ mắt và nhớ cho kỹ từng loại thức uống cũng như từng gương mặt khách hàng. 9 giờ tối, lượng khách đến quán bar càng đông, trên tay Tuấn lúc nào cũng là một cái khay với trên chục ly rượu. Nhiều lần cậu thư sinh đỏ mặt vì những cử chỉ "âu yếm" quá trớn của mấy vị khách dành cho các tiếp viên nữ. Bất an với môi trường ở quán bar, Tuấn xin nghỉ, chuyển sang công việc bỏ báo buổi sáng. Với việc phát báo, Tuấn phải dậy sớm hơn thường lệ, nhưng cậu thấy đồng tiền mình làm ra có giá trị hơn nhiều. 

Thịnh hành trong các loại việc làm dành cho sinh viên hiện nay là nghề tiếp thị. Công việc này không những đòi hỏi người làm sự năng động, nhanh nhẹn mà còn phải chịu đựng cảnh dầm mưa, dãi nắng. Hoài học năm thứ ba ĐH Kinh tế, từ năm nhất, cô đã xin vào làm tiếp thị cho một công ty mỹ phẩm. Lương tháng phụ thuộc vào lượng sản phẩm cô bán được. Với sự nhạy bén thị trường kết hợp với lý thuyết marketing đã học, Hoài không ngần ngại đưa sản phẩm của mình đến khắp ngả đường ở thành phố, dù nắng, dù mưa. Kết quả, cuối tháng Hoài ít khi nhận lương dưới hai triệu. Điều đáng nói ở đây là Hoài đã biết cách biến công việc tiếp thị của mình thành những lần thực tập chuyên môn. Thế nên dù chưa tốt nghiệp, Hoài đã được nhận vào làm chính thức cho công ty, nhưng cô từ chối vì bài luận văn của cô cần những lần tiếp cận thị trường hơn nữa. Không nhanh nhẹn như Hoài, nhưng học ngành marketing nên Liên cũng xin một chân tiếp thị ở công ty bia. Từ sáng đến chiều, trong bộ đồng phục không mấy kín đáo của công ty, Liên theo xe đến các đại lý, quán nhậu. Thấy đồng nghiệp của mình miệng mồm dẻo quẹo mời chào khách hàng, Liên cũng tập tễnh học theo. Khách uống bia thường có cử chỉ sàm sỡ, nên sau lần thứ hai bị một ông khách ôm eo, Liên hoảng quá, "cúp" nghề luôn.

Đừng quá lo kiếm tiền mà lơ là chuyện học

Có thêm vài trăm ngàn mỗi tháng cũng giúp cho chuyện học hành, ăn ở của sinh viên giữa thành phố rộng lớn có phần dễ thở hơn. Thế nhưng cũng lắm trường hợp vì mải mê kiếm tiền mà nhiều bạn trẻ quên mất nhiệm vụ chủ yếu của mình.

Học ngoại thương, cũng như bao sinh viên khác, Phương bắt đầu hành nghề gia sư của mình. Phương dạy nhiều lớp và đi suốt các tối trong tuần, có suất dạy ngày, Phương  phải trốn tiết để chạy cho kịp. Tiền mỗi tháng Phương kiếm được lên vài triệu từ các suất luyện thi đại học. Cậu không phải trông chờ tiền bố mẹ, hằng tháng còn gửi về cho gia đình ở quê. Tích lũy được số tiền kha khá, Phương hùn với một số sinh viên có kinh nghiệm thành lập trung tâm gia sư. Phương trở thành người quản lý trung tâm kiêm luôn chân gia sư. Đang làm bài thi giữa chừng, phụ huynh học trò réo gọi, Phương phải nộp bài trước và chạy. Cứ thế, điểm nợ ngày càng nhiều. Theo quy chế của trường, sinh viên nợ quá 5 môn thì buộc thôi học. Bây giờ, Phương vừa làm gia sư cho người ta, vừa làm gia sư cho chính mình. Cậu đang ôn để thi lại vào một trường đại học khác, tất nhiên không tiếng tăm bằng trường ngoại thương. Và còn nhiều trường hợp khác như speaker T.H của một đài truyền hình lớn, vì đam mê theo đuổi vai trò dẫn chương trình mà quên mất bài luận văn tốt nghiệp ở trường đại học còn dang dở. Hay như cô bạn Linh Anh đang theo khoa Marketing nhưng lại mải miết với công việc PR, đến khi công ty tuyển chính thức vào làm, đòi hỏi bằng cấp, cô mới giật mình vì đã lỡ tạm hoãn việc học ở trường trong một năm.

Có trăm ngàn cơ hội việc làm cho bạn chọn để trang trải cuộc sống và học hành trong thời buổi tăng giá này. Tuy nhiên, cũng cần sáng suốt nhận thấy rằng, giữa việc làm và học hành, việc nào là chủ yếu. Biết cách biến việc làm thành môi trường thực hành kinh nghiệm thì tương lai của bạn sau khi tốt nghiệp sẽ vững vàng hơn.

Nguyên Cao

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.