Thiết kế đô thị trục di sản Đông - Tây TP.Đà Lạt đậm chất văn hóa, kiến trúc

31/03/2023 20:02 GMT+7

TP.Đà Lạt vừa có tờ trình đề nghị cơ quan chức năng thẩm định, phê duyệt đồ án thiết kế đô thị trục di sản Đông – Tây đậm chất văn hóa, kiến trúc và cảnh quan.

Ngày 31.3, ông Tôn Thiện San, Chủ tịch UBND TP.Đà Lạt (Lâm Đồng), cho biết vừa ký tờ trình gửi Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng đề nghị thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt đồ án thiết kế đô thị trục di sản Đông – Tây TP.Đà Lạt.

Đồ án thiết kế đô thị trục di sản Đông – Tây có vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển không gian thành phố, đồng thời giải quyết các bất cập hiện nay về tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan dọc hai bên trục di sản.

Thiết kế đô thị trục di sản Đông- Tây TP.Đà Lạt đậm chất văn hóa, kiến trúc - Ảnh 1.

Đô thị trục di sản Đông – Tây có vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển không gian thành phố Đà Lạt.

LÂM VIÊN

Ông San cho biết hồ sơ đồ án trình thẩm định lần này đã thực hiện điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện đầy đủ theo các ý kiến Hội đồng thẩm định tại Văn bản 2712/BC- HĐTĐQH ngày 7.12.2022.

Theo đó, khu vực lập thiết kế đô thị bao gồm các đường Hoàng Văn Thụ - Trần Phú - Trần Hưng Đạo - Hùng Vương. Trục di sản cũng là trục giao thông chính theo hướng Đông - Tây của TP.Đà Lạt. Ranh giới đồ án bao trùm các khu vực cần thiết bảo vệ và cần tái cấu trúc, với tổng chiều dài khoảng 6,5 km. Diện tích ranh nghiên cứu là 282,627 ha và diện tích ranh thiết kế hơn 241 ha.

Tạo khu vực đặc trưng, đa dạng của đô thị

Thông qua các công trình kiến trúc, cây xanh mặt nước, không gian đường phố, hệ thống cảnh quan trục di sản Đông - Tây được thiết kế tạo nên các khu vực đặc trưng, nhấn mạnh sự đa dạng của đô thị, ghi khắc tiến trình phát triển của thành phố. Thiết kế đô thị tạo nên một chuỗi tổng thể kiến trúc cảnh quan cho trục di sản Đông - Tây với tính chất sinh động, hiện đại ở phần trung tâm và thoáng đãng, yên bình dần về hai phía Đông và Tây.

Thiết kế đô thị trục di sản Đông- Tây TP.Đà Lạt đậm chất văn hóa, kiến trúc - Ảnh 2.

Họa đồ trục di sản Đông- Tây TP.Đà Lạt

L.V

Ngoài ra, căn cứ hướng dẫn thiết kế đô thị về các công trình điểm nhấn theo quyết định 704/QĐ-Ttg ngày 12.5.2014 về Quy hoạch chung TP.Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, trong phạm vi đồ án bao gồm các công trình như: Ga đường sắt, Khu Dinh I, Dinh II, UBND tỉnh, khách sạn Sofitel Palace, cụm biệt thự dọc trục di sản, Nhà thờ Chính tòa Đà Lạt.

Mục tiêu là định hình một không gian trục phố kế thừa và phát triển nét đặc trưng từ các đồ án quy hoạch trước, từ những kiến trúc có giá trị gắn với cảnh quan được xây dựng trong các giai đoạn lịch sử hình thành và phát triển của thành phố, từ đó định hướng cho việc gìn giữ, bảo tồn, chỉnh trang, cải tạo và xây dựng mới các công trình, hợp thành một "trục di sản" với không gian đô thị đậm chất văn hóa - kiến trúc - cảnh quan.

Bảo tồn di sản vật chất lẫn tinh thần

Thiết kế đô thị trục di sản Đông - Tây TP.Đà Lạt tạo điều kiện và cơ sở chung cho các biện pháp bảo tồn di sản, trên quan điểm bảo tồn các giá trị vật chất lẫn tinh thần, từ cục bộ công trình đến các không gian ảnh hưởng và liên kết, tạo nên hệ thống không gian đô thị đặc sắc thuộc khu trung tâm lịch sử của thành phố. Từ đó, tăng hiệu quả khai thác di sản và phát triển du lịch, cũng như tạo khung định hướng bảo tồn khu vực trên tiến trình phát triển thành phố trong tương lai.

Thiết kế đô thị trục di sản Đông- Tây TP.Đà Lạt đậm chất văn hóa, kiến trúc - Ảnh 4.

Những công trình kiến trúc đặc trưng trên trục di sản Đông-Tây TP.Đà Lạt

LÂM VIÊN

Qua đó, thúc đẩy phát triển các hoạt động tương ứng gồm hoạt động ở, thương mại dịch vụ du lịch, dã ngoại, vui chơi, giao lưu… làm tăng hiệu quả sử dụng không gian, tăng tính kết nối cộng đồng và phát triển nền kinh tế du lịch của thành phố.

Theo lãnh đạo TP.Đà Lạt, giải pháp thiết kế đô thị trục di sản Đông - Tây không chỉ là phương pháp thiết kế đô thị của một đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết xây dựng thông thường, mà đã lồng ghép với một giải pháp thiết kế trùng tu, tôn tạo các công trình kiến trúc và toàn bộ không gian cảnh quan mang tính di sản của đô thị.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.