Bên anh mùa xuân này...

29/01/2004 21:53 GMT+7

Quỹ học bổng của Báo Thanh Niên mang tên Nguyễn Thái Bình. Những năm qua, “điểm tựa” này đã chắp cánh cho những tài năng trẻ vượt khó, trở thành người hữu ích cho xã hội. Và ý định tổ chức một chuyến đưa các bạn sinh viên được nhận học bổng về bên anh Bình, cứ thôi thúc những người làm báo chúng tôi từ lâu, đến Xuân 2004 mới thực hiện được...

Căn nhà nhỏ của bác Hai - thân sinh anh Nguyễn Thái Bình - nằm sâu trong một con hẻm dưới chân cầu Khánh Hội (Quận 4, TP Hồ Chí Minh) hơn 30 năm qua vắng bóng anh Nguyễn Thái Bình. Tết này chúng tôi đưa hơn 10 bạn sinh viên tiêu biểu được nhận học bổng về đây, ai cũng háo hức bồi hồi.

Trước khi đi, bạn Huỳnh Thị Kim Cương (SV Trường Cao đẳng Sư phạm Mẫu giáo TƯ 3 nói: “Cả đêm qua mình chẳng ngủ gì cả. Gọi điện về quê báo tin được nhận học bổng Nguyễn Thái Bình cả nhà đều vui’’. Kim Cương học rất giỏi, nhiều năm liền đạt danh hiệu xuất sắc, không chỉ thế, bạn còn là một cán bộ Đoàn năng nổ dù đang phải vượt qua bao khó khăn. Cũng như Kim Cương, Vi Thị Phong (dân tộc Thái, quê ở xã Sơn Điện, huyện Quan Hoá, Thanh Hoá) ba năm rời núi rừng về sống chan hoà trong mái ấm của lớp Đàn dây Nhạc viện TP Hồ Chí Minh, không giấu nổi cảm xúc của mình. Phong tâm sự: “Tuần tới mình sẽ viết thư kể thật nhiều cho ba mẹ nghe về chuyến về quê anh Bình lần này”.

Bác Hai đưa chúng tôi vào nhà. Bác giở từng tập album đã ố màu theo thời gian, kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện về anh Nguyễn Thái Bình, giọng kể thường bị ngắt quãng vì xúc động: “Lúc còn sống, Bình có hiếu lắm. Học xa xôi vậy nhưng vẫn viết thư về thăm nhà hoài. Mỗi khi có bạn bè về nước, Bình lại gởi tiền dành dụm về. Cho đến năm 1972, một ngày đầu tháng bảy, bác bị chính quyền chế độ cũ bắt giải lên Tổng nha Cảnh sát, rồi đưa vào Bệnh viện Nguyễn Văn Học (BV Nhân dân Gia Định bây giờ) để nhìn Bình lần cuối. Lúc này Bác mới biết Bình đã bị sát hại”.

Đoàn học sinh - sinh viên nhận học bổng Nguyễn Thái Bình cùng chúng tôi rời nhà bác Hai, về thăm mộ phần của anh tại huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An vào những ngày đầu Xuân. Các bạn đặt bên anh những bó hoa huệ tươi thắm. Trong khói hương trầm thơm ngát, lễ trao học bổng Nguyễn Thái Bình được diễn ra. Bạn Trần Thị Ngọc Dung - Bí thư Đoàn trường CĐ SPMGTƯ 3 thay mặt các bạn nhận học bổng đã cám ơn sự quan tâm của Báo Thanh Niên đối với các tài năng trẻ và mong rằng Quỹ học bổng Nguyễn Thái Bình sẽ mãi mãi là người bạn đồng hành với các bạn học sinh - sinh viên trong cả nước. Bạn Nguyễn Bá Minh Tuấn trầm ngâm: “Về với anh Bình, em càng thấy rõ sự mộc mạc, giản dị của một tấm gương vĩ đại. Biết nhiều về anh Bình nhưng thực sự bây giờ em mới hiểu hết sự hy sinh vô bờ của anh”.

Chúng tôi đến Trường Tiểu học Nguyễn Thái Bình, ngôi trường không xa nơi anh yên nghỉ. Đây là khung trời nhỏ, gắn bó với anh Bình trong những tháng ngày anh học bậc tiểu học. Tuy cơ sở vật chất còn thiếu thốn nhưng thầy và trò vẫn dốc lòng dạy và học, năm học vừa qua, 100% học sinh lớp 5 đều đỗ tốt nghiệp. Ngày ngày các em Trường Tiểu học Nguyễn Thái Bình được bình yên nô đùa dưới tượng đài của anh do Thành Đoàn TP Hồ Chí Minh và Tỉnh Đoàn Long An xây tặng.

Vâng! Một mùa Xuân mới 2004 lại về. Bên anh Bình, chúng tôi càng tự hào về anh - một sinh viên yêu nước, xuất thân từ con nhà nghèo nhưng vẫn vươn lên học giỏi, sẵn sàng xả thân cho quê hương, trở thành một tấm gương sáng cho bao thế hệ thanh niên học tập.

Lê Công Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.