Phản ứng tức thời của thị trường sau khi FED giảm lãi suất

21/09/2007 00:37 GMT+7

Trong phiên họp ngày 18.9, Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã quyết định giảm 0,50% lãi suất cho vay ngắn hạn (từ 5,25% xuống 4,75%). Đây là lần đầu tiên Mỹ cắt giảm lãi suất cơ bản kể từ giữa năm 2006.

Ủy ban thị trường mở Liên bang Mỹ (FOMC) cũng đã cắt giảm 0,5% tỷ lệ chiết khấu đối với các khoản vay trực tiếp từ ngân hàng Trung ương (từ 5,75% xuống còn 5,25%). Các động thái trên nhằm đối phó với sức ép của thị trường tín dụng và nhà đất đang đe dọa tới nền kinh tế Mỹ cùng những tác động xấu đến thị trường chứng khoán và thị trường tài chính Mỹ. Điều này cũng dễ hiểu, bởi cách đây mấy tuần, khi thị trường chứng khoán, thị trường tài chính Mỹ cũng như thế giới chao đảo, có dấu hiệu khủng hoảng, Ngân hàng Trung ương nhiều nước đã tung ra hàng trăm tỉ USD để ứng cứu, nhưng chỉ đến khi tỷ lệ chiết khấu của Mỹ giảm từ 6,25% xuống 5,75% thì sự “đao” xuống mới được chặn lại, nhưng chưa thực sự được phục hồi và những khó khăn trong thị trường tín dụng Mỹ lớn hơn nhiều so với người ta tưởng, nền kinh tế Mỹ đang trở nên mong manh và có khả năng suy thoái.

Do GDP của Mỹ chiếm tới 28% GDP của toàn thế giới, nhập khẩu của Mỹ lên tới trên 1.500 tỉ USD,... nên động thái của FED có tác động tức thời, tính bằng phút ở hầu hết các thị trường và hầu như trên toàn thế giới. Đúng là chỉ vài phút sau khi FED quyết định giảm lãi suất cơ bản, thì thị trường tiền tệ, dầu mỏ, chứng khoán, giá vàng đều phản ứng tức thì. Chỉ số giá chứng khoán ở Mỹ cũng như các thị trường thế giới đều tăng mạnh hàng chục, hàng trăm, hàng mấy trăm điểm - một hiện tượng hiếm thấy trong nhiều năm qua. Giá dầu đã tăng lên mức kỷ lục mới đã vượt qua mốc 82 USD/ thùng- cao nhất từ  trước tới nay. Giá USD giảm so với giá euro, hiện 1 USD chỉ còn ăn 0,7136 euro, thấp nhất tính từ khi đồng euro ra đời. Thị trường vàng lại tiếp tục khởi động đợt tăng giá mới: tại Hồng Kông đã tăng mạnh 8,3 USD lên 725,8- 726,3 USD/ounce,...

Đó là nói về thị trường thế giới, còn Việt Nam thì sao?

Cần phải nói trước rằng thị trường Việt Nam và thị trường thế giới chưa thông nhau hoàn toàn, mặc dù độ mở cửa của Việt Nam đã gia tăng qua các năm, đặc biệt là sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) từ đầu năm. Tuy nhiên, tác động của việc FED cắt giảm lãi suất đối với Việt Nam không phải là không có, chỉ có nhiều hay ít và trực tiếp hay gián tiếp mà thôi. Trước hết là giá vàng, vào cuối buổi sáng ngày 20.9, tại Hà Nội giá vàng loại 4 số 9 bán ra đã đạt mốc 14 triệu đồng/lượng; tại thành phố Hồ Chí Minh phản ứng chậm hơn nhưng cũng đã tăng trở lại và đạt xấp xỉ 13,9 triệu đồng/lượng. Khả năng sẽ còn tăng hơn nữa vì giá vàng Việt Nam đang thấp hơn giá vàng thế giới và giá vàng thế giới còn tiếp tục tăng (có thể vượt mức 30-40 USD/ounce).

Giá USD trong nước sẽ không tăng, thậm chí còn giảm nhẹ nhưng lãi suất huy động USD của các ngân hàng thương mại mới được tăng trong thời gian hơn một tháng qua sẽ được giảm dần như tương ứng 0,5%, nhất là đối với những ngân hàng đã có mức lãi suất trên 5%/năm.

Chỉ số giá chứng khoán của Việt Nam ngày 20.9 đột biến ở cả 2 sàn. Tại Sở Giao dịch CK TP Hồ Chí Minh, Việt Nam- Index đã tăng 17,39 điểm lên 963,61 điểm; nhưng tại Trung tâm Giao dịch CK Hà Nội, HASTC- Index đã giảm 3,03 điểm xuống chỉ còn 273,6 điểm. Có thể chưa có sự tác động trực tiếp của việc cắt giảm lãi suất của FED, nhưng sự khởi sắc của thị trường chứng khoán thế giới sau việc cắt giảm lãi suất trên cũng sẽ tác động đến thị trường chứng khoán Việt Nam.

Xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Mỹ sẽ có điều kiện thuận lợi do kinh tế Mỹ không rơi vào suy thoái mà sẽ hồi phục sau việc cắt giảm lãi suất của FED. Bởi xuất khẩu vào Mỹ chiếm tới 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Ngọc Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.