Một người xin thành lập hàng không tư nhân

26/09/2006 16:04 GMT+7

Tiến sĩ Đoàn Văn Quảng, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Hàng không vừa chính thức có văn bản tái đề nghị được lập hãng HK Sàigòn (Saigon Air).

Chỉ cần 80 tỷ đồng, một máy bay… là cá nhân, tổ chức có thể thành lập hãng hàng không (HK). Đây là quy định mới nhất của dự thảo hướng dẫn Luật HK dân dụng (sửa đổi).

Ông cho biết: Từ năm 1987 trong phương án đề nghị tổ chức lại ngành Hàng không dân dụng (HKDD) gửi Chính phủ, tôi có đặt ra việc nên thành lập các hãng HK cổ phần, vì tôi cho rằng, vị trí địa lý và xu hướng hội nhập của nước ta chắc chắn sẽ thúc đẩy sự phát triển của vận tải hàng không.


Ông Đoàn Văn Quảng

Khi về hưu, vào năm 1995, sau chuyến đi khảo sát nghiên cứu 22 tỉnh và thành phố từ Bình Định trở vào, gồm Nam Trung Bộ, Nam Bộ và Tây Nguyên, tôi thấy tình hình đủ điều kiện để tổ chức một Cty HK cổ phần.

Tôi đã đem ý kiến này bàn bạc với một số bạn bè nguyên là cán bộ không quân, HKDD đang nghỉ hưu và một số tướng lĩnh Quân đội trước đây có liên quan đến việc chỉ huy và quản lý không quân.

Sau đó, chúng tôi thành lập một Ban Vận động thành lập Cty HK cổ phần MEKONG, gọi tắt là Mekong Air nhưng Cục HK phản đối, họ cho là với thị trường HK Việt Nam còn ít ỏi thì một mình Vietnam Airlines (VNA) có thể bảo đảm bất cứ yêu cầu nào...

Đến năm 1999, tôi và các cộng sự đã xây dựng dự án thành lập Saigon Air nhưng dự án gửi đi không có hồi âm, mặc dù mỗi năm tôi đều cập nhật sửa chữa lại dự án và tiếp tục gửi...

*Và nay, khi dự thảo Nghị định kinh doanh vận tải HK và hoạt động HK chung mà Cục HKDD mới hoàn thành, hứa hẹn sẽ “mở hết cỡ” hành lang pháp lý cho việc thành lập HK tư nhân, ông đã làm văn bản để nhắc lại với các cơ quan chức năng về đề án Saigon Air?

Đề án xin phép thành lập Saigon Air lần này khác với những lần trước ở chỗ, chúng tôi xác định sẽ xây dựng một hãng HK hoạt động cả trong nước và quốc tế, có chở khách, chở hàng và bay theo dạng taxi, tức là Hãng HK Saigòn sẽ có Airlines, Air Cargo, Air Taxi.

Đó sẽ là hãng HK đa năng, ngoài việc bay, chúng tôi liên doanh với nhiều tổ chức kinh tế khác để tạo nguồn hàng, và chú trọng đào tạo các loại nhân viên hàng không, cũng như tổ chức câu lạc bộ HK để tạo điều kiện cho mọi người hiểu về HK, tham gia chuẩn bị cho việc phát triển HK với khả năng và điều kiện của mình.

Chúng tôi đã có nhiều sự chuẩn bị khả thi cho đề án này cả về tài chính lẫn kỹ thuật, còn về nhân lực thì hiện đội ngũ cán bộ HK đang nghỉ hưu là tài sản vô giá mà Saigon Air có thể tận dụng.

Trong thành phần ban vận động, những người đăng ký góp vốn và sức lực đầu tiên cho Saigon Air, có đủ những người ưu tú nhất trong ngành kỹ thuật HK trước đây...

*Theo lãnh đạo Cục HKDD VN hiện chúng ta mới khai thác được 6 triệu lượt hành khách, trong khi đó đã có đến 23-24 hãng tham gia, trong nước mới có hai hãng bay mà còn không có đủ khách để phục vụ?

Đó là cách đánh giá tầm ngắn, chứ không nhìn xa, bởi vì HKVN hiện tại ngồi chờ thị trường chứ chưa chủ động tạo ra thị trường. Trong việc chuyên chở khách nội địa, ngành HK đã tổ chức  tốt việc vận chuyển hành khách trên các  tuyến Bắc - Nam và Hà Nội - Đà Nẵng-TPHCM nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu của  những khách đi tuyến lẻ ở các địa phương...

Còn so với nhu cầu của thị trường bay quốc tế, VNA  đang là “người cô độc”, ngoài Hãng PA bay thêm vài chuyến đi Đài Loan, thì không có hãng HK nào khác chia sẻ gánh nặng với VNA, những Hiệp định HK với các nước nhất là Hiệp định HK với Hoa Kỳ đều  cần có 2 hãng HK Việt Nam bay đối ứng.

Tại sao không tổ chức thêm nhiều hãng HK Việt Nam để giành  lấy thị phần mà hơn 20 hãng HK nước ngoài đang khai thác trên chính sân nhà chúng ta?

*Như vậy, ông cho rằng, VN cần phải có thêm các hãng HK, để chuẩn bị cho sự cạnh tranh trên thị trường HK nội địa và quốc tế sau khi gia nhập WTO?

Sự độc quyền trên lĩnh vực kinh tế thường đi đôi với sự trì trệ, cửa quyền. Không phải người ngoài, không phải ai khác mà chính những người lãnh đạo HK đã thấy điều này, trong khi bàn về việc cải tổ hãng HK cổ phần PA chính Tổng Giám đốc VNA Nguyễn Xuân Hiển đã nói cần phải có thêm hai hay ba hãng HK nữa và VNA cần có đối tác cạnh tranh để phát triển.

*Nhưng HK là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, thưa ông?

Nên nhớ một điều là, HKDD là ngành kinh tế, nó phải phát triển theo quy luật kinh tế. Tất nhiên, HKDD quản lý những phương tiện vận chuyển đặc thù là máy bay, cần phải hết sức cảnh giác và thận trọng, nhưng HKDD không phải là tổ chức quân sự, và HKDDVN có mối quan hệ mật thiết với HKDD quốc tế, cho nên việc quản lý ngành này theo Luật HK đã được Quốc hội thông qua, còn phần cảnh giác thì đã có những quy định về an ninh mà các hãng HK hoạt động trên nước CHXHCN Việt Nam phải chấp hành.

Nếu chúng ta  mong muốn  ngành HKVN  trong 10-15 năm tới  phải là ngành vận tải HK có tầm cỡ trong khu vực và trên thế giới, thì ngay bây giờ Nhà nước phải khơi dậy sự sôi động  trên thị trường và hỗ trợ sự phát triển, tránh tình trạng như hiện nay VNA khống chế thị trường, thiếu năng động, buồn tẻ, thiếu đòn bẩy.

*Cảm ơn ông!

Võ Văn Thành (thực hiện)/ báo Tiền Phong 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.