Michael Matthews - Người muốn đánh bại thần chết

14/09/2005 21:45 GMT+7

Chạy theo một giấc mơ hoang đường, Michael Matthews đã chịu đựng bao thăng trầm trước khi có được một doanh nghiệp làm ăn khấm khá giữa lòng nước Mỹ.

Giấc mơ hoang đường

Khi Matthews ngồi nhả khói trong phòng khách nhà mình năm 1970 để tư duy về cái chết, vợ ông không ngớt phàn nàn: "Đàn ông gì mà chả có một mục tiêu sống cụ thể". Thực ra, lúc đó ở tuổi 28, Matthews đã có một cơ sở nho nhỏ. Công ty Electro-Harmonix chuyên sản xuất thiết bị tạo hiệu ứng cho đàn guitar điện của ông đang làm ăn khấm khá. Thế nhưng lời của vợ ông có một ngụ ý khác, ý bảo rằng Matthews nên có một mục tiêu cụ thể hơn những gì ông ta đang theo đuổi. Bỏ ngoài tai lời khuyên của vợ, ông vẫn chạy theo giấc mơ ngông cuồng: đánh bại thần chết. Kế hoạch của Matthews là phải nhân đôi doanh số công ty sau mỗi năm cho tới khi kiếm được 1 tỉ USD. Với số tiền này, ông sẽ thành lập công ty tư vấn về sự bất tử.

Thật kỳ lạ, khi chạy theo một mục tiêu không tưởng, Matthews đã đạt được thành công đáng kinh ngạc. Công việc kinh doanh của Electro-Harmonix phát đạt chưa từng thấy và chẳng bao lâu người chủ của nó đã đạt được con số 1 tỉ mà mình mơ ước. Tuy nhiên, việc thành lập công ty tư vấn về sự trường thọ thì không bao giờ trở thành hiện thực. Bù lại, dù không lập được cái công ty siêu thực đó thì bản thân Matthews sau này được đánh giá là một nhà doanh nghiệp "trường tồn" qua các cuộc khủng hoảng. Có được điều này là do trong đầu Matthews luôn hiển hiện khái niệm "kinh doanh". Thuở thiếu niên, ông bán nước trái cây, lên trung học thì làm môi giới cho mấy người cá cược và sau đó quyết chí theo học xong bằng MBA tại Đại học Cornell vào năm 1965. Nhưng trên tất cả, âm nhạc dường như có một sợi dây gắn kết mật thiết đối với Matthews. Cũng chẳng sao cả, âm nhạc và kinh doanh thì đâu có gì khác biệt chứ?

Hồi còn đi học, vào mỗi mùa hè, Matthews thường tổ chức các buổi diễn ca nhạc nho nhỏ. Sau khi ra trường, ông kiếm được một chân bán hàng cho Tập đoàn IBM nhưng vẫn chừa một tai để nghe ngóng tình hình âm nhạc. Và khi làn sóng nhạc rock bùng nổ cùng với sự tung hoành của đàn guitar điện, Matthews đã nhìn thấy cơ hội của mình. Ông bắt đầu sản xuất hộp tạo hiệu ứng cho guitar và bán với giá 10 USD mỗi chiếc, với giá này, nhà sản xuất lời 20%. Sản phẩm tiếp nối sản phẩm, đến năm 1977, Electro-Harmonix đạt doanh thu 3,3 triệu USD và chiếm tới 50% thị phần tại Mỹ. Thế nhưng, khi ánh hào quang bắt đầu ló dạng cũng là lúc giông bão ập đến. Ông đầu tư hơn nửa triệu USD vào một trung tâm thương mại nhưng cú đánh này sau đó đã thất bại hoàn toàn, kéo theo là một núi tiền và công sức của Matthews trôi ra biển. Họa vô đơn chí, những điều tồi tệ vẫn tiếp tục ập đến khi nghiệp đoàn công nhân của Electro-Harmonix gây bạo lực ngay trong nhà máy. Đến năm 1982, cái doanh nghiệp từng làm ăn rất khấm khá của Matthews bị phá sản. Mãi sau này người đàn ông mê kinh doanh và âm nhạc mới nhận ra: "Hồi đó tôi cứ nghĩ mình là người vĩ đại nhất. Đâu ngờ tôi càng “vĩ đại” bao nhiêu thì tôi càng ngu bấy nhiêu".

Sheryl Crow - vị hôn thê của Lance Armstrong cũng là một trong những khách hàng nổi tiếng của Matthews

Ngã rồi lại đứng lên

Gần như trắng tay sau cú "đột quỵ" năm 1982, Matthews bán miếng đất ở New York để trở lại kinh doanh. Phối hợp với Công ty Sản xuất game Atari, nhà doanh nghiệp mạt vận tung ra loại nhạc cụ điện tử mới trong nỗ lực vực lại cơ nghiệp. Tuy nhiên, Atari đã đi đến bờ vực phá sản năm 1984 do sự cố trên thị trường game. Trước sự tấn công của các nhà sản xuất Nhật Bản, Electro-Harmonix "chết" lần thứ hai vào năm 1985, lúc này thì ông chủ của nó gần như sụp đổ. Thế nhưng, với con người đang mơ tới sự sống vĩnh hằng, Matthews hẳn nhiên không dừng bước.

Khi nhạc rap lên ngôi, Matthews hồi sinh với một sản phẩm mới phục vụ cho dòng nhạc này và sau đó bán bản quyền cho Công ty Akai của Nhật với giá 750.000 USD. Sau màn tái xuất, Matthews dấn thêm bước nữa bằng việc đặt mua các ống chân không từ Liên Xô để sản xuất đàn guitar. Loại ống vốn được sử dụng cho tên lửa và máy bay phản lực thời đó không còn nhiều ở Mỹ và Matthews đã rất thành công khi bán nó cho các hãng guitar. Công cuộc làm ăn ở công ty mới New Sensor rất khấm khá và Matthews tiếp tục đặt mua vật liệu từ Liên Xô cũng như các hãng điện tử nổi tiếng thế giới như GE, Philips. Năm 2004, New Sensor đạt doanh thu 9 triệu USD. Đến lúc này, Matthews vẫn tiếp tục làm thiết bị tạo hiệu ứng cho guitar và việc sử dụng vật liệu mới có nguồn gốc từ các mảnh vỡ của tàu ngầm Nga đã khiến sản phẩm của ông được ưa chuộng đặc biệt. Năm 2004, Electro-Harmonix mới của Matthews đạt doanh thu 5,2 triệu USD, tăng 56% so với năm 2003. Sản phẩm của Matthews được nhiều ban nhạc, nghệ sĩ nổi tiếng như Red Hot Chili Peppers, Korn, David Bowie, Moby, Sheryl Crow sử dụng.

Khi công việc kinh doanh đã trở lại quỹ đạo và đang có chiều hướng thăng hoa, Matthews luôn thoải mái nói về bí quyết của mình. Ông luôn thanh toán hóa đơn đúng hạn và không bao giờ mở rộng doanh nghiệp quá tầm kiểm soát; Matthews cũng không bao giờ nợ nần. Giờ đây, ở tuổi 63, ông sống một mình trong căn hộ nằm giữa nhà xưởng của mình, và sau những thăng trầm của con đường kinh doanh, ông bắt đầu nhìn lại giấc mơ thời trai trẻ: "Tôi không bao giờ phiền muộn về cái chết nữa. Tôi đang cố gắng hưởng thụ cuộc sống. Suốt đời tôi chưa một lần chùn bước, chỉ biết tiến tới những thứ mình muốn đạt được mà thôi".

Đỗ Hùng
(Theo Forbes)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.