Hướng về đồng bào miền Trung

10/10/2009 22:36 GMT+7

Những du học sinh trẻ măng sôi nổi với các hoạt động gây quỹ ủng hộ đồng bào bị thiên tai ở quê nhà. Trong hoạn nạn, những chồi xanh của đất nước thể hiện tính sáng tạo, trách nhiệm và lòng nhân ái.

Một công đôi chuyện

Nguyễn Thụy Anh và Phạm Dương Thái, hai sinh viên năm nhất tại Đại học Quản trị Singapore (SMU), bẽn lẽn bước vào Văn phòng Báo Thanh Niên trình bản kế hoạch gây quỹ ủng hộ đồng bào các tỉnh miền Trung bị thiệt hại nặng nề trong cơn bão số 9. “Cơn bão ập vào một trong những vùng nghèo nhất của Việt Nam khiến người dân ở đây không thể tự mình vượt qua hậu quả chồng chất mà nó để lại. Vì lẽ đó, chúng tôi bị thôi thúc phải lập tức hành động để giúp đồng bào mình vơi đi phần nào nỗi đau mất mát”, bản kế hoạch gọn ghẽ 2 trang bằng tiếng Anh viết.

 

Bán thức ăn gây quỹ hỗ trợ nạn nhân bão số 9 tại Đại học Quốc gia Singapore - Ảnh: Quốc Việt

“Hành động” của nhóm là quyên góp từ những cựu sinh viên SMU đang làm việc tại nhiều doanh nghiệp ở Singapore; dùng tiền đó mua vật phẩm từ Việt Nam, rồi bán lại cho sinh viên trong trường SMU để có thêm phần lời; sau đó gom cả vốn lẫn lãi nhờ Báo Thanh Niên chuyển tới tay người bị nạn. Công việc xem chừng rất mất thời gian, nhưng các sinh viên đã tính toán rất chặt chẽ: Trong lúc Hoàng Trung, chủ tịch nhóm “Chào Vietnam” - tên chính thức của Hội Sinh viên Việt Nam tại SMU - vận động quyên góp các anh chị cựu sinh viên, thì một nhóm khác đang nghỉ giữa học kỳ ở VN ứng tiền túi mua bút dạ quang, thẻ kẹp sách, bưu ảnh, áo thun, gốm sứ Bát Tràng, đồ lưu niệm... mang qua Singapore. Vật phẩm sẽ được bán tại nhiều điểm trong trường cùng với chiến dịch quyên góp trong 3 ngày. Tuy vậy, khi các bạn trình dự án lên Văn phòng hoạt động sinh viên của SMU, nơi đây yêu cầu phải chuyển tiền quyên góp cho Hội chữ thập đỏ Việt Nam theo quy định của Singapore.

Trả lời về lý do chọn việc bán hàng để gây quỹ, Thụy Anh và Dương Thái nói đó cũng là một cách giới thiệu sản phẩm Việt Nam với bạn bè các nước. Hai bạn cũng nói mình xung phong phụ trách chiến dịch bán hàng để tự rèn luyện, trong khi đứng sau lưng là các anh chị giàu năng lực và đầy kinh nghiệm tổ chức.

Trung thu của những tấm lòng

Trong khi đó, Hội Sinh viên Việt Nam tại Đại học Quốc gia Singapore (VNC-NUS) là những người phát động phong trào quyên góp đầu tiên. Ngày 30.9, ngay khi bão số 9 còn hoành hành tại Việt Nam, VNC đã tổ chức việc quyên góp trong sinh viên Việt Nam cũng như nước ngoài, và cựu sinh viên tại NUS. Trên diễn đàn VNC, sinh viên ở các trường tư thục và kiều bào cũng lên tiếng tham gia đóng góp tiền mặt và các vật dụng khác.

Từ châu u, Hội Sinh viên VN tại Bỉ (SIVIBI) cũng đang có đề xuất quyên góp trong sinh viên cũng như cựu sinh đang sống và làm việc ở khắp nơi. Đặc biệt, nhân giải bóng đá thường niên của SIVIBI và dịp Đại học Tự do Brussels tổ chức Hội chợ ẩm thực trong tháng 10 này, SIVIBI vận động mỗi người tham gia đóng góp 10 euro. Bên Pháp, anh Nguyễn Ngọc Giao cho biết quán "Foyer Việt Nam" ở số 80 rue Monge, quận 5, Paris hôm 4.10 đã tổ chức một bữa ăn đặc biệt, quyên góp được hơn 1.500 euro, và đã chuyển ngay về Quảng Ngãi mua tole giúp 20 gia đình ở huyện Bình Sơn là nơi bị cơn bão Ketsana tàn phá nặng nề.

Hôm 3.10, VNC tổ chức ngày hội Trung thu với các trò chơi dân gian như múa sạp, rồng rắn... và gian hàng ẩm thực. Bốn đội tham gia nấu nướng rồi bán các sản phẩm của mình để sung vào thùng quyên góp. Khách đến tham gia mua những coupon có giá 50 xu tiền Singapore (gần 6.500 đồng) rồi dạo quanh các gian hàng đổi lấy thực phẩm. Gom góp một ngày “kinh doanh”, tiền lời thu được là 125 SGD (1,6 triệu đồng). Cộng dồn tất cả các khoản đóng góp, con số chốt sổ ngày 10.10 được trên dưới 3.000 SGD (38 triệu đồng).

Cùng lúc, nhóm Vietnam2020 tập hợp người Việt đang làm việc cho các doanh nghiệp đa quốc gia đặt chi nhánh ở Singapore và cựu sinh viên từ các trường đại học của Singapore cũng lập ra “Quỹ cứu trợ bão lụt VN2020” kêu gọi đóng góp cho đồng bào miền Trung. Huỳnh Phan Thắng, chủ nhiệm chương trình, cho hay số tiền gom được sẽ được chuyển tới tay đồng bào hoạn nạn thông qua Báo Thanh Niên bằng tiền mặt hoặc mua tole và tấm lợp cho những gia đình cần sửa chữa lại mái nhà. Một số người cũng có nguyện vọng đóng góp hiện vật, nên nhóm cũng liên hệ Văn phòng Vietnam Airlines hỗ trợ chuyển vật phẩm về Việt Nam. 

Nỗi niềm y tá Việt tại Nhật

Hàng trăm y tá và điều dưỡng người Việt đang làm việc tại Nhật Bản sắp phải về nước khi visa “hành nghề y” của họ hết hạn, dù họ có đủ bằng cấp và đã chứng minh được năng lực. Năm 2000, chị Phạm Thị Min Phu đến Nhật Bản để học nghề y tá. Lúc đó chị Phu, quê ở Hải Phòng 20 tuổi và đã học qua tiếng Nhật sau khi tốt nghiệp phổ thông. Chị được vào nhập học tại một trường y tá và lấy được chứng chỉ về điều dưỡng và y tá vào năm 2003, theo báo Yomiuri Shimbun. Hiện chị Phu đang làm việc ở Bệnh viện Sodegaura Satsukidai ở tỉnh Chiba. Tuy nhiên chị Phu sắp phải về nước vào tháng 4.2010. “Tôi đã học tiếng Nhật rất vất vả, đạt được chứng chỉ quốc gia và cuối cùng đã trở thành một y tá thực thụ”, chị Phu cho biết. “Tôi vẫn muốn học tiếp để lấy chứng chỉ y tá phụ khoa. Nhưng tôi rất chán nản và bối rối khi Chính phủ Nhật thông báo tôi sẽ phải về nước ngay khi tôi vừa mới xây dựng được quan hệ tốt đẹp với bệnh nhân”.

Theo quy định, những y tá người Việt sau khi đạt chứng chỉ hành nghề tại Nhật sẽ được phép ở lại làm việc tối đa 7 năm. Chị Phu dự định sẽ nộp đơn xin định cư ở Nhật, tuy nhiên theo quy định, người nộp đơn phải sống ở Nhật ít nhất 10 năm. Vài đồng nghiệp thâm niên hơn chị Phu đã được cấp phép thường trú ở Nhật, nhưng quá trình xét duyệt rất phức tạp. Nếu không được chấp nhận, chị Phu sẽ phải về nước. Dù đã được đào tạo và có kinh nghiệm làm việc ở Nhật, nhưng chị không chắc mình sẽ tìm được một công việc ưng ý ở quê nhà.

Dù còn 3 năm nữa visa mới hết hiệu lực, nhưng chị Nguyễn Thanh Vân, 26 tuổi, cho biết: “Thời hạn 7 năm luôn luôn xuất hiện ở trong đầu tôi”. Tờ Yomiuri Shimbun dẫn lời bà Misako Takeuchi, y tá trưởng Bệnh viện

Sodegaura Satsukidai, cho biết: “Thật không hay khi buộc những y tá có năng lực và tận tụy với nghề phải về nước. Đây cũng là một sự tổn thất lớn đối với bệnh viện”.

Theo TTXVN, Việt Nam đã ký kết với Nhật Bản Hiệp định Đối tác kinh tế song phương (VJEPA) vào tháng 12.2008, trong đó C hính phủ Nhật Bản cam kết hỗ trợ mỗi năm đào tạo khoảng 200 - 300 y tá và hộ lý Việt Nam tại Nhật Bản. Sau khi tốt nghiệp, các y tá sẽ được làm việc vô thời hạn tại Nhật Bản. Tuy nhiên hiện hai bên vẫn còn đang thực hiện các bước chuẩn bị để có thể thực thi hiệp định có hiệu quả, TTXVN dẫn lời Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Nguyễn Phú Bình.

Văn Khoa

Dư luận yêu cầu xử vụ bắn chết Daniel Pham

 

Người thân của Daniel Pham quyết tìm lại công lý cho thanh niên bị tâm thần này - Ảnh: Mercury News

Gần 5 tháng sau vụ thanh niên gốc Việt Daniel Pham mắc bệnh tâm thần bị cảnh sát San Jose (Mỹ) bắn chết, nhiều nhóm cộng đồng một lần nữa lên tiếng tìm lại công lý cho nạn nhân. Khoảng 60 người đã tập trung hôm 6.10 trước văn phòng quận Santa Clara để đệ trình bản kiến nghị gồm 1.000 chữ ký yêu cầu công tố viên Dolores Carr mang vụ việc ra tòa, theo Mercury News. Bi kịch xảy ra hồi tháng 5 khi Daniel Pham, 27 tuổi cầm dao đe dọa anh mình khiến người này gọi 911 cầu cứu. Khi cảnh sát đến, gia đình có nói là Daniel Pham bị tâm thần. Cảnh sát đã bắn Daniel sau khi anh ta không chịu buông dao. Ông Vinh Pham, cha của Daniel nói: “Tại sao con trai tôi phải chết? Đã 149 ngày rồi và chúng tôi vẫn chưa có câu trả lời cho cái chết của con mình”. Ông Vinh nói thêm rằng gia đình gọi 911 để được giúp đỡ chứ không phải để bắn con trai ông. Trong suốt những tháng vừa qua, gia đình ông Pham và những người ủng hộ đã tìm cách thuyết phục công tố viên Carr đưa vụ việc ra tòa và đòi cảnh sát công bố bản lưu các cuộc gọi đến 911 hôm Daniel bị bắn. Các yêu cầu này đều bị từ chối nhưng gia đình và các nhóm cộng đồng vẫn không ngừng các nỗ lực của mình. Cảnh sát San Jose nói họ không công bố các cuốn băng của 911 khi việc điều tra vẫn đang được tiến hành.

Việt Phương
(VP Bangkok, Thái Lan)

Thục Minh
(Văn phòng Singapore)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.