Mưa tràn qua mặt

30/09/2007 21:27 GMT+7

Lúc trời mưa tầm tã nhất của đêm Trung thu là lúc tôi cùng con gái kiên quyết đi ra khỏi nhà. 15 phút chờ taxi giữa mưa không làm nản lòng nó. 2 mẹ con không đi xuôi vào trung tâm phố cổ của Hà Nội như Đồng Xuân, Hàng Mã, Hàng Lược, nơi mà dù mưa không khí Tết Trung thu vẫn rất nhiều phần náo nức và có nét đẹp riêng của nó, như những hình ảnh ngập tràn trên báo điện tử hôm nay. Chúng tôi đi ngược ra ngoại vi thành phố: Bảo tàng dân tộc học.

Hồi chiều, nhận được giấy mời dự Đêm trung thu vui vẻ của VTV6, tôi đã rất háo hức. Phần vì được gặp lại đồng nghiệp cũ, phần nữa, chắc chắn sẽ có nhiều “trò độc” vui vẻ mà chỉ có những “kẻ” ở một kênh “chuyên trị” sản xuất những games-shows truyền hình “ăn và chơi” - VTV3 mới chịu khó nghĩ ra. Mà nòng cốt của V6 là từ V3 chuyển sang. Đêm Trung thu vui vẻ không sản xuất để phát sóng. Đó là chương trình của những ông bố, bà mẹ trẻ V6 nghĩ ra để “chuộc lỗi lầm” với các đứa con của mình vì “tội” cha mẹ luôn bỏ đi làm truyền hình thâu đêm suốt sáng, lang thang khắp nơi. Vậy là, về mặt tình cảm, phải dốc hết lòng hết sức vì con trẻ; về tinh thần, phải làm theo khẩu hiệu “quyết không đứt sóng”, nên mưa to, gió lớn cũng vẫn tổ chức.

Dưới gầm nhà rông, trên nền đất nện mà giờ đây ướt nhẹp vì mưa, gió thổi lạnh 4 phía, nhạc vẫn rộn rã, giày và quần áo ai cũng lấm lem bùn đất, nước mưa, đèn vẫn sáng choang, sân khấu nhỏ rực rỡ, vui mắt bởi hàng chục tấm thiệp ghi những ước mơ của các em nhỏ đã kịp gắn lên, “lủng lẳng” nữa là bóng bay đủ màu, dây trang kim, bức tranh lớn vẽ ngoằn nghèo bằng bình sơn xịt. Dẫn chương trình khỏi chê rồi, vừa trẻ, vừa xinh, đó là những MC quen thuộc của V6. Còn các chị “già” như Bích Loan, Diễm Quỳnh, Bạch Dương, Thu Nga… quần xắn móng lợn chỉ được đứng hậu trường tổ chức.

Sau những tiết mục mở màn sôi động, thật bất ngờ, tôi được chứng kiến những tiết mục văn nghệ của các em bé khuyết tật của Trung tâm Vì ngày mai quận Cầu Giấy. Tôi quan sát lại “hiện trường”. Hoá ra, có rất nhiều em bé khuyết tật ngồi xen lẫn cùng với “quân” V6 mà lúc mới đến tôi không để ý. Những bài hát thật hay: “Ba sẽ là cánh chim, đưa con đi thật xa…” hay “Hôm qua em tới trường, mẹ dắt tay từng bước”… nồng nàn tình cảm của những đứa trẻ thiệt thòi được biểu diễn trước đám đông, trong vòng tay ấm áp, thân thiện, sự cổ vũ nồng nhiệt, cùng hát theo của những “sao” truyền hình mà chúng vẫn thường ao ước được một lần gặp mặt ngoài đời, được xin chữ ký. Cũng dễ hiểu tại sao trẻ em tật nguyền, chịu nhiều thiệt thòi thường chỉ muốn hát và cũng chỉ hát rất hay những bài về mơ ước. Có khoảng lặng xúc động sau mỗi bài hát!

Rồi không khí “bùng” lên khi phần trò chơi bắt đầu. Nào là từng cặp thi nhau chạy vòng quanh, rồi nhảy vào tờ giấy báo. Tờ giấy được gấp nhỏ dần, đến khi chỉ còn vừa một bàn chân, 2 người là 4 bàn chân, và tất nhiên, đôi nào mà người nọ bế được người kia, đồng thời co 1 chân lên, đứng thăng bằng trong mẩu giấy đã gấp rất nhỏ lâu nhất, ắt sẽ đoạt giải. Trò khác có tên ngộ nghĩnh “mông ai khéo hơn”. Hai đội thi nhau lần lượt chạy lên ngồi trên quả bóng bay, bên nào làm vỡ bóng nhiều nhất sẽ đoạt giải. Sôi động, ồn ào như vỡ tổ. Các em khuyết tật là những fan phấn khích nhất. Chúng hò hét nhiều, bày tỏ sự khéo léo khi tham gia trò chơi, và hưởng ứng cuồng nhiệt.

Tôi cười lăn ra khi trên sân khấu hát “mồi”: “chim gặp bác chào mào chào bác”. Lập tức đám đông đáp lại: “bác chào chim”; “Chim gặp cô sơn ca chào cô”- lại hò hét: “cô chào chim”; “chim gặp anh chích choè chào anh”- hét còn điếc tai hơn: “anh chào chim”… Rồi còn bao nhiêu trò khác nữa như màn đối đáp giữa phú ông và thằng bờm được “chế” vô cùng dí dỏm, thông minh khiến các em cứ cười ran như pháo nổ. Được chơi thoải mái, hết mình, ở đây không hiển diện vẻ khép nép, rụt rè, khô cứng và đơn điệu trên những gương mặt của hàng chục trẻ em khuyết tật mà tôi vẫn rất thường thấy trong nhiều chương trình giao lưu, trao quà từ thiện.

Kết thúc chương trình, một bộ bàn ghế và giá sách thật đẹp đã được trao cho người có ước mơ hay nhất, em Nông quốc Sông: “Tôi là đứa trẻ tật nguyền, ước mơ của tôi thật đơn giản. Tôi chỉ mong mình kiếm đủ tiền nuôi sống bản thân và có được một gia đình hạnh phúc”. Sông cũng tâm sự với mọi người: “Em học nghề thêu, biết thêu tranh tố nữ và tranh thuỷ mặc”. Rồi những túi quà xinh xắn nhưng nặng tình yêu thương được trao cho các em. Tôi chợt phát hiện ra điều đặc biệt đêm nay: con cái “nhà đài” được quan tâm “thứ yếu”.

V6 hoàn toàn có thể không mời các em trung tâm Vì ngày mai đến sân chơi “đối nội” của mình để con cái họ sẽ nhận được sự quan tâm nhiều nhất trong Tết Trung thu. Nhưng họ đã không làm như vậy.

Trời vẫn mưa và gió vẫn lạnh. Tôi nép vào góc cột nhà rông. Nước mưa chảy tràn qua mặt. Càng may, không ai phát hiện ra mình khóc. Trung thu năm nay, không trăng, không sao, chỉ có niềm xúc động ngọt ngào. Con gái tôi bảo “thích hơn nhiều so với đêm trung thu ở khách sạn 5 sao mẹ ạ”.

Phạm Ngọc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.