Người “buôn tiền” trở thành bộ trưởng - Kỳ 4: Thách thức cam go

07/10/2006 23:58 GMT+7

Đường dây Hà Nội - Phnom Penh - Sài Gòn Trở thành doanh nhân Việt kiều tại Campuchia, ông Ba Châu làm quản lý xuất nhập khẩu, buôn bán với nước ngoài và thỉnh thoảng "đi lui đi tới" Sài Gòn và vùng biên giới, đưa hàng từ Campuchia sang, nhập bóng đèn, phụ tùng điện máy từ Sài Gòn về.

Việc đó là bình phong, nhưng phải làm thật. Đó là "phần nổi". Còn "phần chìm", ông được giao nhiệm vụ bắt tay ngay vào việc củng cố, "chuyên nghiệp hóa" hệ thống: Nắm lại tình hình, tổ chức tiếp nhận tiền, chuyển đổi tiền, cung cấp tiền cho các chiến khu và "hạch toán sao cho chặt chẽ". Từ năm 1967, khi Ban Tài chính đặc biệt được tách khỏi Ban Kinh tài, trực thuộc Trung ương Cục, ông được phân công làm Phó trưởng ban kiêm Phó bí thư Đảng ủy. Ông Hai Xô (Phạm Văn Xô), Thường vụ Trung ương Cục, Chủ tịch Hội đồng cung cấp tiền phương miền Nam trực tiếp chỉ đạo. Việc phối hợp giữa Hà Nội, Sài Gòn, Phnom Penh và các đầu mối ở nước ngoài được thiết lập rất có bài bản.

Từ tháng 4/1965, tại Hà Nội, Trung ương cho phép áp dụng phương thức FM để tăng cường viện trợ cho miền Nam phục vụ cho cao trào đánh Mỹ, thông qua một quỹ đặc biệt mang bí số B29. Quỹ này trực thuộc Ngân hàng Trung ương, đặt tại Ngân hàng Ngoại thương do ông Mai Hữu Ích, Phó chủ tịch Ngân hàng Ngoại thương phụ trách. B29 có nhiệm vụ tổng hợp dự toán về yêu cầu chi viện của chiến trường miền Nam; nắm tình hình thị trường tư bản để kịp thông báo cho các chiến trường tính toán lợi hại trong sử dụng bằng AM hoặc FM; tổ chức kinh doanh ngoại hối, chuyển đổi ngoại tệ theo yêu cầu của chiến trường; quản lý các biệt tệ và ngoại tệ dự trữ; quản lý các nguồn thu và tài khoản; liên lạc với Ban Tài chính đặc biệt và các chiến trường bằng điện mật, "thư chìm" và thanh toán đặc biệt...

B29 đã phải huy động một lực lượng cán bộ trên 200 người của Ngân hàng Ngoại thương ở trong nước và ngoài nước cũng như sử dụng một hệ thống trên 200 ngân hàng nước ngoài là đại lý của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam để thực hiện nghiệp vụ đặc biệt này. Một hoạt động quy mô lớn như vậy mà giữ được hoàn toàn bí mật. Đây là một kỳ công trong lịch sử của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam.

Lúc này, ông Mười Phi đã tổ chức một mạng lưới "chế biến" tiền ngay tại Sài Gòn. Mạng lưới này do một cán bộ rất năng động là ông Dân Sanh được cử vào đảm trách từ năm 1964. "Bình phong" của ông Dân Sanh là Công ty Phương Mai, một hãng buôn lớn, có lúc ông Dân Sanh dùng cả một đoàn 40 chiếc xe vận tải và 2 tàu cận duyên của hãng này để chở tiền phục vụ cho chiến trường. Hàng loạt kho chứa tiền được thiết lập. Tại Suối Sâu (An Tịnh, Tây Ninh), một nhà máy xay đậu do ông Năm Đậu quản lý được triển khai làm đầu mối giao tiền.

Ở Phnom Penh, đã có Công ty Tân Á do ông Năm Tấn, đảng ủy viên đảm trách (sau này còn có thêm Công ty Nam Dân). Tân Á là một công ty xuất nhập khẩu có quy mô lớn, rất uy tín trên thương trường, nhất là trong giới kinh doanh Hoa kiều. Tân Á không chỉ là chỗ dựa của Ban Tài chính đặc biệt mà còn làm rất nhiều việc hữu ích khác cho cách mạng: đưa con em cán bộ ra Bắc học tập, đón cán bộ bị lộ từ miền Nam đưa ra Bắc... Tân Á còn khai thác triệt để quan hệ kinh tế - thương mại công khai giữa Nhà nước Campuchia với Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Ông Mười Phi và ông Ba Châu điều khiển hệ thống công việc thông qua ông Năm Tấn và ông Dân Sanh. Cả hai đầu mối ở Sài Gòn và Campuchia đều song song làm nhiệm vụ "chế biến" và chuyển tiền.

Từ đây, lượng tiền được "chế biến" cung cấp cho các chiến trường miền Nam năm sau cao hơn năm trước với tổng số đô la Mỹ được chuyển năm 1970 nhiều gấp 5 lần năm 1966.

Năm 1967, cơ sở ở Sài Gòn bị lộ, ông Dân Sanh bị địch bắt, mạng lưới gặp khó khăn lớn, song do các biện pháp an toàn được áp dụng triệt để nên đường dây tại Sài Gòn vẫn hoạt động.

Khi Lonnol đảo chính...

Đến năm 1970, tai họa thực sự ập đến cho Ban Tài chính đặc biệt. Đó là sự kiện đảo chính ở Campuchia. Cần lưu ý đến một giai đoạn lịch sử trong cuộc kháng chiến chống Mỹ khi chính quyền của Thái tử Sihanouk tuyên bố trung lập. Do vị trí trung lập của Campuchia mà ngay từ những năm cuối 1950 đầu những năm 1960, khi chính quyền Ngô Đình Diệm lê máy chém khắp miền Nam, dìm các phong trào yêu nước trong biển máu, khi các cơ sở cách mạng bị đánh phá tan tành, căn cứ cách mạng đã chuyển sang đất Campuchia để củng cố, tận dụng các điều kiện an toàn để phát triển lực lượng. Và suốt những năm 1960, không ít vũ khí đạn dược và hàng tiếp tế từ miền Bắc vào Nam cũng được chuyển qua Campuchia. Việt Nam dân chủ cộng hòa và cuối những năm 1960 là Chính phủ Cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam cũng có sứ quán, có đại diện tại Campuchia. Đó cũng là lý do Ban Tài chính đặc biệt Trung ương Cục đặt "trụ sở" tại đây, tuy là bí mật.

Ngày 24/2/1970, Chính phủ Campuchia ra lệnh đổi tiền. Trước đó chỉ nghe đồn thôi, không biết chính xác. Tại các quầy đổi tiền, tỷ giá tiền mới tiền cũ 1 ăn 1. Do có quan hệ mua bán nhiều với Campuchia, nên một khối lượng tiền Campuchia rất lớn đang lưu hành trong các căn cứ, các đơn vị quân giải phóng. Ngay tại Ban Tài chính đặc biệt và các đơn vị hậu cần quân giải phóng cũng đang giữ rất nhiều tiền riel mặt. Gom được lượng tiền này để đổi là một việc thiên nan vạn nan, đòi hỏi phải có thời gian. Đổi xong, còn cần phải có thời gian để chuyển lại cho các chiến trường, là việc khó khăn không kém. Tuy nhiên, Trung ương Cục đã tổ chức rất tốt việc thu gom tiền cũ, chỉ trừ tiền B3 ở biên giới phía Tây Nguyên không đưa về kịp, phải mất 4-5 triệu (riel).

Tiền chuyển về Công ty Tân Á. Công ty này chia nhỏ ra, một phần giao cho các cơ sở Việt kiều, một phần Tân Á tự đổi. Việc đổi tiền cũng được thực hiện trôi chảy.

Nhưng tình hình diễn biến rất bất thường. Trong những ngày gần hết hạn đổi tiền, cảnh sát Campuchia tổ chức quay phim, chụp ảnh tại các quầy đổi, đồng thời trên các trục giao thông xuất hiện các chốt canh gác dày đặc. Đó là dấu hiệu sẽ có biến cố lớn. Tiền chúng ta đổi xong mới giao được một ít cho các đơn vị, phần lớn còn tồn đọng chỗ Công ty Tân Á. Và đúng như dự đoán, vừa đổi tiền xong, ngày 18/3/1970,  tướng Lonnol làm đảo chánh, lật đổ Thái tử Sihanouk.

Ngay sau khi đảo chính, một cuộc tàn sát Việt kiều quy mô lớn chưa từng thấy đã xảy ra. Quân luật được thiết lập từ 6h tối đến 6h sáng. Xe mật thám chạy rầm rập trong đêm để lùng bắt, sát hại người Việt. Sứ quán Việt Nam dân chủ cộng hòa bị đập phá, khủng bố.

Một khối lượng rất lớn tiền riel và hàng triệu đô la dự trữ của Ban Tài chính đặc biệt gửi trong sứ quán chuyển về Công ty Tân Á có nguy cơ mất sạch. Nếu không giải cứu được lượng tiền này thì các chiến khu sẽ không có tiền chi dùng, điều đó đồng nghĩa với một thảm họa.

Trong thời điểm gay cấn đó, ông Ba Châu đã nhận lãnh một trọng trách quá sức tưởng tượng với những thách thức cam go nhất... (Còn tiếp)

Kỳ sau: Cuộc giải cứu tiền ngoạn mục

Hoàng Hải vân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.