Kim Dung với cõi sắc sắc không không (kỳ cuối)

14/09/2005 22:43 GMT+7

Khúc vĩ thanh tại ngôi mộ bên ngoài chùa Thiên Long Đoàn Dự cùng các cô em là Chung Linh, Mộc Uyển Thanh, Vương Ngọc Yến đi thẳng về phía nam. Đoàn Dự không muốn kinh động bá tánh, liền truyền cho các quan đừng thay đổi sắc phục vẫn ăn mặc theo kiểu khách thương.

Một ngày kia sắp tới kinh thành. Đoàn Dự muốn vào chùa Thiên Long bái kiến Khô Vinh đại sư và Hoàng bá phụ là Đoàn Chính Minh. Nhưng chàng thấy trời tối rồi mà còn cách chùa Thiên Long đến 60 dặm, đang muốn tìm một nơi nghỉ lại.
Bất thình lình trong rừng có thanh âm một đứa nhỏ la lên:

- Bệ hạ! Bệ hạ! Hài nhi đã lạy bệ hạ rồi sao không thấy bệ hạ cho kẹo?
Mọi người thấy thế làm kỳ tự hỏi:
-  Sao lại có người nhận ra bệ hạ?
Mấy người chạy vào rừng cây thì nghe thấy thanh âm:
- Các ngươi phải nói: Nguyên Ngộ Hoàng đế vạn tuế, vạn vạn tuế! Thì mới được thưởng kẹo.

Thanh âm này nghe rất quen tai. Gã chính là Mộ Dung Phục.
Đoàn Dự và Vương Ngọc Yến giật mình kinh hãi. Hai người dắt tay nhau ẩn vào một gốc cây nhìn về phía phát ra thanh âm thì thấy Mộ Dung Phục ngồi trên một ngôi mộ. Gã đội mũ giấy vẻ mặt oai nghiêm.
Trước ngôi mộ có bảy, tám đứa con nít trong làng ra quỳ ở đây. Chúng theo lời Mộ Dung Phục la lên:

- Nguyên Ngộ Hoàng đế vạn tuế! Vạn vạn tuế!
Chúng vừa la vừa lạy xuống. Có đứa thò tay ra năn nỉ:
- Bệ hạ cho kẹo đi! Bệ hạ cho kẹo đi!
Mộ Dung Phục nói:
- Các khanh hãy bình thân! Trẫm đã phục hưng được cơ nghiệp nhà Đại Yên, lên ngôi đại bảo thì hết thảy đình thần đều được phong thưởng.

Gã nói xong lấy trong bọc ra một hộp vừa kẹo vừa bánh chia cho bọn con nít.
Bầy con nít vỗ tay hoan hô vừa chạy đi vừa nói:

- Sáng mai lại đến!

Vương Ngọc Yến trông vẻ mặt biểu ca mình thì biết rằng cái giàu sang của y càng ngày càng thâm trọng và nay y đã thành người mất trí. Nàng thấy vậy đau lòng khôn xiết, suýt nữa ngất đi. Đoàn Dự khẽ kéo tay áo nàng dắt đi. Mọi người cũng từ từ lui ra, để mặc Mộ Dung Phục ngồi trên phần mộ mà nói lảm nhảm".

Truyện đến đây là hết.

Mỗi lần đọc xong đến đây, tôi thả rơi cuốn sách, rồi thẫn thờ buồn đến mấy ngày. Trong đầu tôi cứ lởn vởn hình ảnh tội nghiệp của Mộ Dung Phục. Những gì chàng thanh niên này vọng tưởng và cố sức đạt cho được bằng mọi cách nhưng bất thành, thì Hư Trúc và Đoàn Dự đều có được một cách đương nhiên hoặc ngẫu nhiên dễ dàng.

Hư Trúc có được nền võ công cao cường, làm chủ được một Cung Linh Thứu với phạm vi ảnh hưởng ngang tầm phái Thiếu Lâm, làm thủ lĩnh cả hai phái hắc - bạch và cưới được một cô vợ là công chúa Tây Hạ xinh đẹp. Đoàn Dự thì nghiễm nhiên lên làm hoàng đế Đại Lý với một đoàn các "cô em" xinh đẹp suốt ngày tíu tít chung quanh.

So với cái nhân mà Mộ Dung Phục đã gieo ra, thì cái quả mà anh ta nhận vào như vậy cũng là có sự nương tay của   tác giả. Phải chăng ông đã quá ác với nhân vật này nên đến hồi kết cục ông cảm thấy thương hại? Làm vua ảo như Mộ Dung Phục với ngai vàng là một nấm mộ vô tri và triều thần là đám trẻ con hồn nhiên trong trắng so với ông vua thật Đoàn Dự trong một triều đình thật đầy bất trắc chắc gì ai được hơn ai. "Thật ảo cũng chỉ là mộng thôi" - nói theo kinh Phật...

Trong các chàng trai, thì Hư Trúc là anh chàng ngớ ngẩn thật thà, Đoàn Dự là tay cà rỡn tiêu dao, Tiêu Phong là anh hùng thượng mã còn Mộ Dung Phục là một nhà hoạt động chính trị.

Anh ta sống có mục tiêu lý tưởng. Anh ta lo học hành tu chí, rèn luyện võ công đến mức cao cường, không ham mê tửu sắc, suốt ngày đêm canh cánh bên lòng mục tiêu phục quốc. Có một người yêu tuyệt hảo, tài sắc như Vương Ngọc Yến cận kề hầu hạ nhưng anh vẫn cố nén lòng để mưu cầu việc nước. Thậm chí có lúc anh lại hy sinh từ bỏ cả con người ngọc ngà ấy để tìm cách cưới cho được nàng công chúa Tây Hạ dù "nàng ta có trái tính trái nết và xấu xí như quỷ Dạ Xoa". Anh làm như vậy là để mưu cầu việc lớn. Đó là bản lĩnh của người làm chính trị. Hy sinh tình cảm riêng tư, hy sinh gia đình, hy sinh cả bản thân để mưu đồ đại nghiệp.

Thế nhưng dường như Kim Dung tiên sinh dị ứng với những người chính trị, do vậy bao nhiêu hành động xấu xa, ác độc; bao nhiêu suy nghĩ đen tối ông đều gán ghép vào cho ông hoàng lưu vong, con người chính trị Mộ Dung Phục. Như vậy không tội nghiệp cho nhà Mộ Dung đất Cô Tô lắm ư! Cho người làm chính trị lắm ư!
Nhưng mà ôi thôi! Tôi đã đi lạc đề rồi.

Huỳnh Ngọc Chênh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.