Hai người bạn, một đôi chân

07/10/2008 23:14 GMT+7

Lần sau bà đừng đến trường xin cô giáo cho cháu nghỉ học nữa. Cháu đã có bạn A Byưh cõng rồi. Bắt cháu nghỉ học thì cháu cũng không biết cái chữ giống bà ngoại, mẹ và dì...", cậu học trò tật nguyền A Trâm lớp 6C trường Ya Chim, thị xã Kon Tum nói với bà.

Bỏ ăn chứ không bỏ học

Đến đầu làng Klâu Ngol Zố, xã Ya Chim, thị xã Kon Tum (tỉnh Kon Tum), chúng tôi gặp bà Y H'Luôn. Bà cho biết: "Thằng nhỏ A Trâm tật nguyền vậy mà chăm học lắm, không bao giờ vắng mặt ở lớp dù mưa hay nắng và nghe đâu sắp tới còn được Chủ tịch nước khen thưởng nữa chớ! Người Jơ Rai bọn tui vui và tự hào lắm...".

Bà Y Nglih kể, con gái bà là Y Tranh khi mới 17 tuổi thì lấy A Phong làm chồng. Từ ngày A Phong "bắt vợ", không chịu làm việc mà suốt ngày chỉ thích uống rượu. "Vợ chồng chúng cãi vã nhau miết à, rồi chúng chia tay khi A Trâm còn nhỏ xíu. Vừa đẻ A Trâm ra, cái chân gì mà cong như cái rễ cây! Rồi mỗi ngày càng teo tóp", bà Y Nglih nhớ lại.

 
Sau những buổi học ở trường, A Trâm (trái) lại chỉ bài cho bạn - Ảnh: Trùng Dương
Thấy những bạn nhỏ quanh làng ngày ngày đến trường đi học, A Trâm không chịu ngồi nhà mà lết bằng đầu gối đến trường trên con đường đất đỏ. Áo quần lấm lem mỗi khi đến lớp học, cô giáo và các bạn nhìn A Trâm với ánh mắt đầy cảm thông...

Thấy cháu khổ quá, bà ngoại Y Nglih hằng ngày khó nhọc cõng Trâm đến trường. Đến đầu năm học lớp 3, suốt ngày phải cõng cháu đi về, công việc trên nương rẫy làm không kịp, bà ngoại bảo: "A Trâm à, thôi cháu nghỉ học đi, đừng bắt bà và mẹ cõng đến trường nữa". Có lần bà Y Nglih vào trước cửa lớp đòi gặp cô giáo để xin cho cháu nghỉ học. Biết tin, A Trâm thủ thỉ với bà: "Lần sau bà đừng đến trường xin cô giáo cho cháu nghỉ học nữa. Cháu đã có bạn A Byưh cõng rồi. Bắt cháu nghỉ học thì cháu cũng không biết cái chữ giống bà ngoại, mẹ Y Tranh và dì Y Trươm". Nói rồi A Trâm "thề" rằng thà bỏ ăn chứ không bỏ học. 
 
Đi học trên lưng bạn

Hà Nội, ngày 8 tháng 10 năm 2008

Thư khen

Thân ái gửi hai cháu A Byưh và A Trâm, trường PTCS Ya Chim 1 xã Ya Chim, thị xã Kontum, tỉnh Kontum.

Bác rất xúc động được biết, trong suốt 5 năm qua cháu A Byưh đã không quản ngại khó khăn, vất vả, dù trời nắng hay mưa vẫn hằng ngày cõng bạn A Trâm đến trường.

Bác biểu dương và khen ngợi việc làm cao đẹp của cháu A Byưh, tinh thần ý chí vượt khó, vươn lên trong học tập của cháu A Trâm. Tình bạn trong sáng, hết lòng yêu thương đùm bọc lẫn nhau của hai cháu là tấm gương sáng để học sinh cả nước noi theo.

Nhân đây, tôi mong rằng ngành giáo dục, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức, đoàn thể hãy nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm trong công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, nhất là đối với các em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Bác chúc hai cháu chăm ngoan, học tập ngày càng tiến bộ, xứng đáng là con ngoan, trò giỏi, "cháu ngoan Bác Hồ".
Bác hôn các cháu!

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết

Kể từ năm học lớp 3, A Trâm đến trường trên đôi chân của bạn A Byưh. Cha mẹ của A Byưh là anh A Pưm, chị Y Thanh cùng làng Klâu Ngol Zố, kể: "Mình cũng động viên A Byưh miết à! Bạn tật nguyền thì phải biết thương yêu và giúp bạn, đừng để bạn phải buồn. Mình nói A Byưh cố ăn nhiều cơm vào để có sức mà cõng A Trâm đến lớp".

Năm học mới này cả hai cùng lên lớp 6, cùng học trường THCS Ya Chim. Khi chuẩn bị bước vào năm học mới, cả hai lo lắng kiếm tiền để sửa cái xe đạp cũ kỹ bỏ quên lâu nay dưới gầm nhà sàn để cùng đi học. Xe cũ nát, hỏng hóc thường xuyên. Vậy mà mỗi ngày đến giờ đi học, A Byưh lại đến nhà A Trâm dìu bạn lên xe để chở đến trường xã, cách xa nhà chừng 5 km.

"Khổ lắm chú ơi! Nhiều bữa cháu chở A Trâm đi đến rừng cao su, xe bị lủng lốp, cháu đành cho A Trâm ngồi xuống đó chờ, cháu dắt xe chạy đi sửa rồi mới quay lại đón A Trâm về. Về đến nhà thì đã quá muộn, khiến cả nhà ai cũng lo lắng cho tụi cháu", A Byưh kể. Sau mỗi buổi đến trường, A Byưh lại chạy qua nhà A Trâm để học chung. Nhiều người thán phục: "Yàng cho A Trâm cái bụng thông minh, lại cho A Byưh cái chân khỏe để hằng ngày A Trâm chỉ bài cho A Byưh học, đổi lại A Byưh đạp xe chở bạn qua nhiều đèo dốc đến trường đúng giờ". Cả A Trâm và A Byưh đều là học sinh tiên tiến, từng được nhiều giấy khen của Hội khuyến học thị xã Kon Tum. Nghĩa cử mà A Byưh và A Trâm dành cho nhau khiến nhiều người ở Kon Tum hết lòng thán phục. Họ xem đó như là một câu chuyện cổ tích học đường...

"A Trâm mơ ước điều gì nhất?", tôi hỏi. "Em ước sau này trở thành một thầy giáo, để dạy chữ cho các em nhỏ trong buôn làng...". Lặng thinh một lát, A Trâm chỉ về phía bà ngoại, mẹ và dì, chia sẻ: "Những người thân của em không ai biết chữ cả. Cả cha mẹ của A Byưh cũng không ai biết cái chữ, như vậy sẽ nghèo khổ miết thôi. Em cố gắng học để sau này có thể giúp gia đình".

 Trùng Dương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.