Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh: Không thể coi thường nợ công

29/10/2011 01:25 GMT+7

* Nợ công năm 2011 chiếm 54,6% GDP Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội ngày 28.10, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh nói rằng nợ công hiện vẫn nằm trong giới hạn an toàn nhưng không thể coi thường.

Phó thủ tướng đánh giá như thế nào về phát biểu của Bộ trưởng Vương Đình Huệ tại QH khi khẳng định chúng ta không lạc quan, nhưng cũng không nên quá lo ngại về nợ công?

Bộ trưởng Huệ đã nói tương đối đầy đủ chỉ tiêu an toàn nợ công, thực tế khi bàn về vấn đề này không phải chỉ nói đến cao hay thấp. Hiện nay rất nhiều quốc gia vay ít, nợ công thấp nhưng không trả được nợ, dẫn tới đổ vỡ. Điều phải đặt ra ở đây là khi vay nếu chúng ta làm ăn tốt mà trả được nợ thì có vay hay không? Đó là vấn đề mà rất nhiều lần tôi cũng đã nói trước QH. Chúng ta hiện nay đứng trước 2 cơ hội: vay để làm ăn, để phát triển hoặc không vay, không làm gì cả để giảm nợ công xuống. Theo tôi, hạ nợ công xuống không phải là khó, bởi không vay nữa thì sẽ giảm ngay lập tức. Nhưng chúng ta đang đứng trước nhu cầu phát triển, cần phải vay vốn để làm ăn. Trong hai cơ hội, phương án đó phải lựa chọn, phải tính toán, cơ cấu lại các khoản vay xem sắp tới sẽ vay như thế nào, sẽ làm cho dự án gì. Cái chính phải là làm sao sử dụng cho hiệu quả.

Chúng ta hiện nay đứng trước 2 cơ hội: vay để làm ăn, để phát triển hoặc không vay, không làm gì cả để giảm nợ công xuống

Hiện nay các khoản vay của Ngân hàng Thế giới với lãi suất ưu đãi 0,75%/năm đã giảm, và chúng ta phải chuyển qua vay nhiều hơn các món vay thương mại lãi cao, liệu xu hướng này có gây áp lực cho nợ công?

Trong tổng nợ công hiện nay, vốn vay ODA chiếm 75% với lãi suất thấp chỉ 0,75%/năm, nhưng sắp tới đây, xu hướng sẽ thay đổi khi các khoản vay ưu đãi ít đi vì chúng ta đã bước ra khỏi nước chậm phát triển. Vì vậy ngay bây giờ đã phải tính toán rất cẩn thận bài toán vay nợ. Hiện tại nợ công vẫn đang trong giới hạn an toàn, nhưng sắp tới cũng không thể coi thường được. Chúng ta phải thay đổi, chuyển chiến lược vay vốn, sử dụng vốn vay.

Phó thủ tướng đánh giá như thế nào về nợ của DN nhà nước được Chính phủ bảo lãnh và hiệu quả của đầu tư công?

Nợ của DN nhà nước do Chính phủ bảo lãnh đã nằm trong nợ công rồi. Đối với các khoản này, Chính phủ vẫn đang kiểm soát chặt chẽ bằng các chỉ tiêu giám sát thông qua luật Quản lý nợ công. Về hiệu quả đầu tư công phải xét từng dự án cụ thể, từng địa điểm cụ thể vì đầu tư cùng một dự án, ở địa điểm khác nhau chi phí đã khác nhau. Tôi nói việc đơn giản, xây dựng đường ở vùng đồng bằng sông Cửu Long khác với đường ở miền núi. Nền đường xấu, suất đầu tư tính toán cao hơn. Hiện nay, Chính phủ vẫn đang kiểm soát chặt chẽ từng dự án đầu tư công.

Nhiều lo ngại

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, nợ công (nợ Chính phủ, nợ Chính phủ bảo lãnh, nợ các địa phương) trong 2011 chiếm khoảng 54,6% GDP, dự kiến 2012 chiếm 58,4% GDP, đến 2015 khoảng 60 - 65% GDP. Trong 2011, Chính phủ bỏ ra khoảng 86.000 tỉ đồng, chiếm hơn 12% tổng chi ngân sách, để trả nợ. Trong năm 2012, dự kiến sẽ trích 100.000 tỉ đồng trong tổng số hơn 900.000 tỉ đồng chi ngân sách để trả nợ.

Còn Ủy ban Tài chính - Ngân sách (TCNS) của QH trong báo cáo thẩm tra đã cho rằng tỷ lệ nợ công Việt Nam cuối năm 2011 có thể lên đến 58,9% GDP. UB chỉ ra rằng nợ công còn đang bỏ sót nợ trái phiếu chính phủ phát hành hằng năm (bình quân 40.000 tỉ đồng). Nếu tính gộp vào thì tỷ lệ nợ công so với GDP còn cao hơn nữa. Chưa hết, nợ công cũng đang bỏ quên nợ của doanh nghiệp (DN) nhà nước, các khoản mà DN tự đi vay. Luật Quản lý nợ công chỉ tính nợ Chính phủ bảo lãnh, nhưng rõ ràng với các khoản vay của tập đoàn, tổng công ty nhà nước, nếu vỡ nợ thì sẽ không có ai khác ngoài Chính phủ phải trả thay - điều này đã được minh chứng rõ sau vụ vỡ nợ của Vinashin. Vì vậy, nợ của DN nhà nước cũng rất đáng lo nhưng theo UB TCNS thì chưa thấy Bộ trưởng Tài chính đề cập đến.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân cảnh báo trong nợ công, riêng nợ nước ngoài của Việt Nam hiện tương đương 50 tỉ USD, lớn gấp 3 lần so với dự trữ ngoại hối. ĐB này dẫn chứng: “Nợ công của Thái Lan chỉ có 44,1% GDP trong khi dự trữ ngoại hối là 176 tỉ USD; Indonesia, Malaysia nợ công chỉ có 26,9% GDP, Philippines 47,3%... So với các nước trong khu vực, nợ công của Việt Nam cao về tỷ trọng trong GDP, lại triền miên nhập siêu, dự trữ ngoại hối mỏng, bội chi ngân sách kéo dài". Ông Ngân cảnh báo: Cách đây 3 năm, các nước châu u cũng nói nợ công an toàn, vậy mà họ đang vỡ nợ. Theo ông Ngân, “tư tưởng nợ công an toàn của Chính phủ đã làm cho 63 tỉnh, thành và 49 cơ quan T.Ư năm nào cũng chi vượt dự toán ngân sách”.

Trước lo ngại của các ĐBQH, Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ báo cáo: Ước đến 31.12.2011, nợ công Việt Nam là 54,6% GDP, đến hết 31.12.2012, con số này vào khoảng 58,4%. “Chỉ số này tính trên cơ sở dự kiến kịch bản tăng trưởng 6%, nếu như kịch bản tăng trưởng đạt được 6,5% thì tỷ lệ nợ công sẽ giảm thấp hơn đáng kể”, Bộ trưởng Huệ quả quyết.

Đồng tình với ý kiến các ĐBQH vấn đề quan trọng nhất trong nợ công không phải là vay nợ bao nhiêu mà quan trọng là khả năng trả nợ thế nào, Bộ trưởng cho biết: “Theo thông lệ quốc tế, mức trả nợ an toàn là không quá 30% tổng thu ngân sách. Do đó, Chính phủ cũng nhận thức rất đúng, quan trọng là vay như thế nào, sử dụng có hiệu quả như thế nào và khả năng trả nợ như thế nào”. Bộ trưởng đề nghị QH cho giữ tỷ lệ nợ công đã trình theo kế hoạch 5 năm, đối với nợ quốc gia là không quá 50%, nợ Chính phủ không quá 53% và nợ công khoảng 60-65% GDP.

N.Minh - A.Vũ

Anh Vũ (ghi)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.