Thù vặt

Chuyện ruộng lúa một số nông dân ở xã Trung Chánh (H.Vũng Liêm, Vĩnh Long) hết bị rải miểng chai lại đến gài chông mà Thanh Niên đăng ngày 2.5 thì nhiều khả năng là trò thù vặt của bà con dân mình với nhau.

Ở thành phố thì chuyện tạt sơn, ném mắm vào cửa nhà người khác chẳng phải lần đầu mới nghe. Có khi đó là trò khủng bố tinh thần để gây áp lực đòi nợ. Có khi đó là trò nhỏ mọn của ai đó ghen ghét người khác. Nơi chốn đô thành phức tạp, những chuyện như thế nghe đã thấy đau lòng.
Đằng này là chuyện ở thôn quê miền Tây - nơi lẽ ra phải bình yên vui sống với tình làng nghĩa xóm tối lửa tắt đèn có nhau. Vậy mà nào là tìm cách phá hoa màu của nhà người ta, nào là khoan thân cây bơm thuốc giết chết cả trăm cây dừa, ném thuốc trừ sâu xuống ao tôm cho tôm chết hàng loạt. Giờ còn thêm trò ném miểng chai và cắm chông xuống ruộng lúa. Rõ là trò thù vặt đấy, nhưng đúng như dân gian đúc kết: “Đại thù không ngặt bằng thù vặt khó ở”.
Những trò thù vặt tưởng chỉ ở mức làm khó nhau, giờ lại đến mức để sát hại nhau. Nhìn ảnh những cây chông nhọn hoắt trưng ra trên mặt báo mà ai đó đã bỏ công ngồi mài gọt để hại chính bà con chòm xóm mình, chúng ta có còn đủ bình tĩnh để thở dài bỏ qua và xem đó là chuyện người ta?
Là chuyện người ta thật sao, khi mà người xung quanh ta rồi sẽ dần phải quen với những trò hèn hạ trong cư xử? Là chuyện người ta thật sao, khi mà con cháu mình trước sau gì cũng sẽ phải chung sống với những thói hận thù vặt vãnh? Là tôi thấy ghét nước đi dáng đứng của anh nên tôi phá. Là tôi không ưa kiểu nói kiểu cười của anh nên tôi phá... Ban đầu là phá chơi cho bõ ghét, nhưng rồi chẳng bao lâu nữa thì đến chuyện vót chông nhọn hoắt làm hại tới cả tính mạng.
Người dân quê xứ mình xưa giờ vốn chất phác, chân thành và nhân ái. Người dân miền Tây còn được tin yêu trao tặng thêm những mỹ từ về nhân cách như phóng khoáng, trượng nghĩa. Vậy nên cuộc đấu tranh để chống lại những trò thù vặt hèn hạ không nên là chuyện của một số người dân bị nạn, mà phải là cuộc đấu tranh chung vì nghĩa lớn.
Nói nghĩa lớn ở đây là cái nghĩa chung sống nhân ái, chan hòa, đùm bọc yêu thương, trọng nghĩa khinh tài như một truyền thống tốt đẹp mà người dân quê biết bao đời nay gầy dựng được. Nếu mỗi người dửng dưng để mặc cho từng hàng xóm phải chiến đấu với những trò thù vặt thì chính là chúng ta cũng đang tự đặt bẫy chông cho cuộc sống yên lành của mình và của người thân.
Chính quyền địa phương càng không được buông lỏng trách nhiệm để những người dân là nạn nhân của trò thù vặt phải tự xoay xở trong cuộc chiến này. Thay cho việc trưng ra những cổng chào đầy khẩu hiệu xây dựng thôn ấp văn hóa, hãy coi gốc rễ của đời sống văn hóa nông thôn là tình làng nghĩa xóm và lối sống nhân hậu. Để luôn dõi theo. Để luôn vun đắp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.