Tiền kiểm và hậu kiểm

05/11/2016 05:00 GMT+7

Chỉ đạo của UBND TP.HCM mới đây về việc cải cách thủ tục cấp đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp trên địa bàn là tín hiệu rất đáng mừng, chứng tỏ sự chuyển động tích cực từ các địa phương nhằm thực hiện Chính phủ công khai, minh bạch, liêm chính, kiến tạo phát triển như yêu cầu của Thủ tướng.
Theo đó, đối với việc cấp đăng ký kinh doanh các ngành nghề theo quy hoạch phát triển ngành đặc thù như dịch vụ lưu trú, karaoke, vũ trường, gas… các sở chuyên ngành phải trả lời bằng văn bản (đồng ý hay không) trong vòng 2 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ của doanh nghiệp, hộ đăng ký kinh doanh. Sau 2 ngày mà các sở chuyên ngành không trả lời, mặc nhiên được coi là đồng ý.
Đây là sự thay đổi vượt bậc về tư duy mà luật Đầu tư và tư tưởng Chính phủ kiến tạo phát triển mang lại. Các bộ, ngành, địa phương chủ động rà soát và cởi trói cho doanh nghiệp, thay vì chờ đợi hoặc “đẻ” thêm thủ tục.
Hồi đầu năm nay, chúng ta đã chứng kiến một đợt rà soát các điều kiện kinh doanh và bãi bỏ “giấy phép con” lớn chưa từng thấy. Khoảng 3.500 loại giấy phép con các loại đã được bãi bỏ, đấy là nỗ lực cực kỳ lớn của Chính phủ và các bộ ngành trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Nhưng để triệt để tư duy quản lý chuyển hẳn từ tiền kiểm sang hậu kiểm của Chính phủ thì có lẽ còn cần nhiều hơn thế nữa. Hiểu một cách nôm na thì điều kiện kinh doanh thông thường chính là tiền kiểm, nghĩa là nhà nước cấp giấy phép, cấp chứng nhận cho phép doanh nghiệp hoạt động. Khi đó, gánh nặng tuân thủ quản lý và thực thi luật pháp phần lớn đè nặng lên doanh nghiệp. Còn với phương thức quản lý bằng các quy chuẩn, tiêu chuẩn hậu kiểm, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ luôn phải đồng hành, hướng dẫn, giám sát việc doanh nghiệp tuân theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn đã ban hành. Và nếu quản lý theo tư duy hậu kiểm, thì ngay cả thủ tục hỏi ý kiến các sở, ngành cũng không cần thiết, phải bãi bỏ. Bộ các quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy hoạch sẽ được xây dựng rất rõ ràng, minh bạch; nó đầy đủ đến mức, chỉ 1 chuyên viên thẩm định hồ sơ cũng có thể quyết định cấp hay không cấp đăng ký kinh doanh - thậm chí không cần xin ý kiến lãnh đạo.
Trong hệ thống quản lý hậu kiểm, sẽ không có điều kiện kinh doanh mà chỉ có tiêu chuẩn, quy chuẩn. Khi đó mọi doanh nghiệp chỉ cần đáp ứng tốt các tiêu chuẩn này là có thể thoải mái gia nhập thị trường. Khi đó, sẽ có ít giấy tờ, ít phép tắc khiến quyền hành của các cơ quan nhà nước có thể giảm đi, nhưng trách nhiệm và công việc lại nhiều lên. Thế nên mới nói luôn phải hết sức cảnh giác với xu hướng thích tiền kiểm hơn là hậu kiểm của các bộ, ngành, địa phương.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.