Ngày đẫm máu ở Iraq

14/09/2005 23:59 GMT+7

Trong lúc Tổng thống Iraq J.Talabani vui vẻ bắt tay với Tổng thống Mỹ G.Bush ở Washington thì tại Baghdad và khu vực miền Trung Iraq, bạo động lại bùng phát dữ dội với hàng loạt vụ đánh bom tự sát, bắn giết nổ ra liên tục. Chỉ trong vòng ngày hôm qua, số người chết đã vượt quá 150. Khoảng 550 người khác bị thương.

Biến cố gây thương vong nhiều nhất là vụ đánh bom tự sát tại Kazimiya, khu vực của người Hồi giáo Shiite tại Baghdad. Thủ phạm đã chất bom lên xe hơi rồi lao vào một đám đông người lao động đang tụ tập trước giờ làm việc. Ít nhất 112 người mất mạng ngay lập tức, chưa kể 227 người khác bị thương chưa biết sống chết ra sao. Vụ đánh bom xảy ra vào lúc 6 giờ 50 sáng. Khoảng 3 giờ sau đó, thêm một chiếc xe hơi chở bom khác lao vào dòng người mua sắm ở khu vực Shu'la sầm uất ở Baghdad, cũng của người Shiite. Thêm 4 người khác đi vào cõi chết mà không kịp nói lời nào. 22 người khác bị thương. Còn ở Taji, cách Baghdad khoảng 15 km, một nhóm vũ trang mặc quân phục tấn công nhà thường dân và sau đó lôi 17 người đàn ông ra ngoài trời, bịt mắt, trói tay họ lại trước khi bắn chết. Cảnh tượng không khác nào một cuộc hành quyết phạm nhân. Lúc đó chỉ mới 4 giờ sáng.

Lực lượng quân sự Iraq và Mỹ cũng rơi vào tầm ngắm của quân nổi dậy trong ngày hôm qua. Cũng với một chiếc xe hơi chở bom, một người đánh bom tự sát đã làm 3 cảnh sát Iraq có mặt trên một đoàn xe quân sự ở phía tây Baghdad thiệt mạng.  Ngoài ra, ít nhất 6 đoàn xe quân sự Mỹ đã bị tấn công khiến 5 lính Mỹ bị thương.

Kích động hận thù và chia rẽ nhằm tạo bất ổn trong xã hội là mục tiêu mà các nhóm dân quân Sunni gây ra. Kazimiya - nơi xảy ra vụ tấn công đẫm máu nhất trong ngày hôm qua cũng chính là hiện trường vụ giẫm đạp tại cuộc hành hương của người Hồi giáo Shiite hồi đầu tháng khiến hơn 950 người thiệt mạng. Quân nổi dậy Sunni bị quy trách nhiệm cố tình gây ra vụ giẫm đạp này. Trong khi đó, binh lính Mỹ và Iraq đang đẩy mạnh chiến dịch quân sự ở phía Bắc Iraq. Hôm thứ 3, một cứ điểm của lực lượng nổi dậy bên bờ sông Euphrates tại Haditha đã bị tấn công dữ dội sau khi Tal Afar bị không kích làm hơn 200 phần tử nổi dậy thiệt mạng. Sau hơn một chục vụ bạo động vào hôm qua, một tổ chức tự nhận là al-Qaeda ở Iraq đã lên mạng Internet nhận trách nhiệm, nói rằng đây là hành động trả đũa cho cuộc tấn công của Mỹ ở Tal Afar.

Trước tình trạng bạo động vẫn không có dấu hiệu suy giảm, Tổng thống Iraq Talabani tuyên bố trong cuộc họp báo chung với ông Bush rằng lực lượng Mỹ sẽ ở lại Iraq cho đến khi quân đội nước này đủ khả năng kiểm soát hoàn toàn an ninh trên khắp Iraq. Không có một thời hạn nào được đưa ra. Theo lý giải của nhà lãnh đạo Iraq thì việc đưa ra thời hạn "sẽ có lợi cho khủng bố". Trong khi đó, ông Bush vẫn đang chịu áp lực nặng nề từ phía người dân đòi rút 140 ngàn binh sĩ Mỹ về nước giữa bối cảnh hầu như ngày nào cũng có lính Mỹ thiệt mạng.

Kiều Oanh
(Theo AP, CNN)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.