Những hạt sạn đáng tiếc trong Những tư tưởng gia vĩ đại Phương Đông

14/09/2005 22:39 GMT+7

Cuốn sách Những tư tưởng gia vĩ đại phương Đông (*) vừa được NXB Lao Động ấn hành quả là một tư liệu quý cho những ai muốn bước vào cửa ngõ triết học Đông phương, một trong những cái nôi tư tưởng lớn của nhân loại. Tuy nhiên, sách lại có khá nhiều hạt sạn...

Có thể bước đầu ghi nhận Những tư tưởng gia vĩ đại phương Đông là một "công trình nghiên cứu cô đọng và sâu sắc, tổng hợp tài liệu và kiến văn của hơn 40 học giả Đông Tây, hy vọng thiết lập được một nền tảng cho diễn đàn tư tưởng để độc giả có thể hình dung ra hoạt cảnh văn hóa phương Đông hơn 25 thế kỷ, suốt từ thời đại "Bách gia chư tử" đến hiện đại" như bìa cuối cuốn sách có nêu. Để xứng với tầm giá trị của cuốn sách, nhà xuất bản đã cho in trên giấy tốt, bìa cứng, design khá đẹp. Thế nhưng những sai sót trong sách thực sự khiến người đọc không hài lòng.
 
Hạt sạn đầu tiên đã buộc tôi phải đọc kỹ hơn và càng đọc, càng phát hiện thêm nhiều sai sót. Hạt sạn đầu tiên đó là trang 9 in tên chương là "Tư tưởng Ấn Độ. Những kiệt tác tư tưởng khuyết danh". Tuy nhiên, trong chương chỉ có Upanishads - Áo nghĩa thư và Bhagavad Gita - Chí tôn ca (từ trang 10 đến trang 20) đúng là khuyết danh, còn lại, từ trang 21 đến trang 94 là cả một chuỗi tư tưởng gia hữu danh như Phật Thích Ca Mâu Ni-Shakyamuni, Long Thọ - Nagarjuna, Thế Thân Bồ Tát - Vasubandhu, Haribhadra, Jayarasi Bhatta, Shankara, Rabindranath Tagore, Mahatma Gandhi, Sarvepalli Radhakrishnan, Jawaharlal Nehru... Tương tự như thế, trong chương "Tư tưởng Trung Hoa. Những kiệt tác tư tưởng khuyết danh", chỉ Kinh Dịch, Sách Đại Học, Trung Dung (từ trang 100 đến trang 136) là khuyết danh, còn lại, từ trang 137 đến trang 322 là tư tưởng của những tư tưởng gia hữu danh như Khổng Phu Tử, Mặc Tử, Lão Tử, Trang Tử, Vương Sung, Dương Hùng, Hàn Phi Tử, Tuân Tử, Mạnh Tử, Chu Hy, Vương Dương Minh, Đái Chấn, Khang Hữu Vi, Đàm Tự Đồng, Tôn Dật Tiên... cũng đều bị xếp vào chương "...khuyết danh" này. Như vậy, lẽ ra, tên hai chương trên nên bỏ bớt cụm từ "Những kiệt tác tư tưởng khuyết danh" mới chính xác vàâ không gây khó chịu cho người đọc.

Cuốn sách có rất nhiều lỗi chính tả, trong đó nhiều lỗi làm sai nghĩa hoàn toàn. Những lỗi này sẽ khiến người có hiểu biết về triết học phương Đông bực bội, còn người đọc nếu mới bắt đầu tìm hiểu về triết học phương Đông sẽ không hiểu hoặc hiểu sai trầm trọng. Xin đơn cử một phần trong nhiều chữ sai đó:

- Trang 14: "tấn tuồng ảo hóa" lại viết thành "tấn trồng ảo hóa".
- Trang 29: "vô lại" lại viết thành "vô hại", "xả hữu" lại viết thành "xã hữu".
- Trang 43, 44: "cộng nghiệp" lại viết thành "công nghiệp" (tất cả đến 7 lần).
- Trang 68: "cùng đinh" lại viết thành "cung đình".
- Trang 89: "chủ nghĩa độc thần" thành "chủ nghĩa độc thân".
- Trang 255: "tối thượng" lại viết thành "tối tượng".
- Trang 376: "tâm liền an tĩnh" thành "tâm hiền an tĩnh".
- Trang 378: "chính tinh tiến" thành "chính tỉnh tiến".
- Trang 379: "thất tình" thành "thất tính".
- Trang 380: "thất tình" thành "thần tình", "nhân tính" thành "nhân định" và "nhân tình".

Một số câu thiếu chữ như: Trang 380: "hay hoặc (?) là do cái lý bên trong"; dư chữ như: trang 385: "Họ đã cùng nhau từ hóa thành [chân lý ]" hay trang 387: "lý là nguyên tắc tức vận hành"... Ngoài ra, nhiều câu, chữ in nghiêng hoặc in không nghiêng tùy tiện, không nhất quán cũng làm cho người đọc khó chịu mà chúng tôi vì trang giấy có hạn không tiện nêu ra đây.

Lẽ ra, trước khi sách được phát hành, nếu không sửa kịp trên bản in, nên có bản đính chính kèm theo để giúp người đọc tự sửa chữa để tránh ngộ nhận, nhất là loại sách triết học, như cuốn Những tư tưởng gia vĩ đại phương Đông này, loại sách mà từ ngữ có vai trò đặc biệt quan trọng, cần đặc biệt chú ý để tránh mọi sai sót.

(*) Phạm Khải dịch theo nguyên tác Great Thinkers of the Eastern World của Ian P.McGreal

Bá Quát

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.