Thư bạn đọc tuần qua (19-25/9)

25/09/2006 19:05 GMT+7

Trong tất cả những vấn đề mà Báo Thanh Niên đề cập trong tuần qua, nội dung được người đọc quan tâm nhiều nhất vẫn là giáo dục. Cả xã hội đều quan tâm đến giáo dục. Đấy chẳng phải điều đáng mừng sao! Lại là một sự bức xúc trước những "trục trặc" trong công tác quản lý, trong phương pháp dạy - học, trong đạo đức của người làm công tác sư phạm, và rất nhiều tiêu cực khác.

Trong báo cáo kết quả giám sát về đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo và dạy nghề trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên và nhi đồng của QH cho rằng nguyên nhân sâu xa sự suy thoái đạo đức của một bộ phận nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là lương và thu nhập không đủ sống. Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Ngân sách của QH Tào Hữu Phùng đã không chấp nhận lý giải này. Ông Phùng cho rằng: "Nguyên nhân cơ bản chính là quy mô đào tạo không cân đối với số lượng, chất lượng giáo viên. Và vấn đề thứ hai là việc giáo dục nhân cách của người thầy". Rất nhiều người đồng tình với quan điểm của ông Phùng:
 
Trần Tiến (Đông Triều, Quảng Ninh): "Tôi ủng hộ ý kiến ông Tào Hữu Phùng. Là nhà giáo lâu năm tôi biết, đời sống nhà giáo ĐH, chuyên nghiệp và cấp THCS trở lên không nghèo, mà khá giả đằng khác. Thu nhập ngành giáo đang ở mức khá hơn nhiều ngành nghề khác. Nếu các thầy cô và cán bộ quản lý giáo dục muốn làm giàu hơn thì nên chuyển sang kinh doanh hoặc làm dịch vụ. Đã đến lúc chính các thầy cô phải xem lại đạo đức làm thầy của mình".
 
Quang Vũ (TP Hồ Chí Minh): "Tôi cũng là giáo viên gián tiếp dạy học sinh. Theo tôi nhận định cũng có một phần đúng. Tuy nhiên, các ngành khác cũng vậy. Điểm mấu chốt là ở đạo đức, đạo đức người thầy. Chúng ta từng nghe câu "cha nào con nấy". Nếu chúng ta không có sự chấn chỉnh ngay từ bây giờ thì e rằng chúng ta sẽ rơi vào vòng luẩn quẩn".

Nguyễn Văn Tú (Bà Rịa, Bà Rịa - Vũng Tàu): "Chúng ta thử nhìn lại xem đất nước chúng ta trong thời kì bao cấp, trong thời kì chiến tranh; hoặc gần đây nhất là trong và sau thời kì đất nước đổi mới: đồng lương giáo viên không đủ nuôi sống bản thân huống chi là gia đình, nhưng các thầy cô vẫn bám trường, bám lớp và vẫn cho ra đời bao thế hệ học trò mà đất nước Việt Nam chúng ta tự hào và vinh dự. Nếu do thu nhập thấp mà suy thoái đạo đức thì chúng ta sẽ không thể có một đất nước ổn định như ngày nay đâu. Đồng lương của nhà giáo ngày nay "dễ thở" hơn nhiều nhờ được sự quan tâm của Đảng và nhà nước. Tuy vẫn chưa đáp ứng được kịp so với nhu cầu và giá cả thị trường của xã hội, nhưng đã có sự chuyển biến tốt. Tôi mong người phát biểu ý kiến trên nên xem xét lại".
 
Diễn biến mới nhất ở Trường THPT Lê Quý Đôn sau khi vụ "chạy trường" bị phát hiện là việc giải quyết hậu quả của việc tuyển sinh sai nguyên tắc và ổn định nhân sự trong nhà trường. Về nhân sự, Trường Lê Quý Đôn đã chính thức có Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng mới kể từ ngày 23/9 vừa qua. Đây là một việc làm đáp ứng sự mong mỏi của tập thể giáo viên, học sinh và cả phụ huynh của trường. Tuy nhiên, hướng giải quyết đối với các trường hợp tuyển sinh sai nguyên tắc của Sở GD-ĐT mà ông Giám đốc Sở Huỳnh Công Minh công bố đã không được dư luận đồng tình:
 
Hùng Dũng (ping2me1970@yahoo.com.sg): "Những điều xảy ra tại trường Lê Quý Đôn là một điều đau lòng cho tất cả các giáo viên trong trường, một vết nhơ cho nền giáo dục (cụ thể tại TP.HCM) mà các cấp lãnh đạo cùng cộng đồng cần giải quyết. Nhưng đó là chuyện của người lớn. Còn các em chỉ biết đây là mái trường, lớp học mà các em đã gắn bó, các giáo viên vẫn là những người thầy, người cô đáng kính trọng. Tôi cho rằng việc đưa các em ra khỏi trường là biện pháp "sòng phẳng vô giáo dục". Nó sẽ tác động rất xấu đến các em, đến nhân sinh quan của các em. Tại sao chúng ta không nghĩ phải giáo dục các em khá lên thay vì đuổi đi? Đó mới là cái tình, cái trách nhiệm của những người làm giáo dục. Nếu xét sòng phẳng hơn, sau khi để xảy ra nhiều chuyện không hay như thế này, chính người lớn chúng ta, mà cụ thể là những người làm công tác quản lý, mới cần thay đổi vị trí của mình!".

Hoàng Mỹ <anphumy@gmail.com>: "Tôi nghĩ ông Giám đốc Sở GD-ĐT không dám nhận trách nhiệm về việc cho tổ chức "lớp chất lượng cao". Việc tổ chức trường lớp phải tuân theo quy định, có quy củ nhất định, làm sao lại làm theo ý muốn của một bộ phận phụ huynh được!".

X. <xuan0633@yahoo.com>: "Không biết ông Giám đốc Sở có hiểu rõ tác hại của ảnh hưởng về mặt tâm lý ở tuổi đang lớn như thế nào không? Hay ông cho rằng đây là không phải là trách nhiệm của ngành giáo dục? Nếu ông "được" chuyển công tác sang làm quản lý GD ở vùng sâu vùng xa nào đó thì ông có cảm thấy hụt hẫng không?". 
 
Mai Chi <nmchi367@yahoo.com>: "Tôi có 2 câu hỏi đặt ra: Tại sao có sự chênh lệch về chất lượng giữa các trường học hiện nay? Việc phân loại trường loại A, loại B phải chăng là để đào tạo ra những con người... hạng A, hạng B?".
 
Nguyen Huu Hanh <Hanh030173@yahoo.com>: "Trước cách giải quyết vấn đề mà ông Giám đốc Sở đưa ra, cảm giác đầu tiên của tôi là hài lòng khi nghĩ rằng những người có trách nhiệm đã có hành động triệt để để ngăn chặn tình trạng chạy trường. Nhưng rồi lại cảm thấy chua xót và hụt hẫng. Quyết định trên là đúng về lý, nhưng phải chăng cái lý này là để "trả đũa" cho sự tố cáo nhằm vào phía phụ huynh? Quyết định này là một sự nhẫn tâm đối với học sinh, nó gây ra một sự xáo trộn về mặt cảm xúc của từng học sinh vô tội và của nghành giáo dục khi phải tiếp nhận các học sinh này. Và sẽ lại một lần nữa gia đình các em lại phải chạy vạy để có được chỗ học mới. Đau xót hơn là các em nghiễm nhiên bị bôi đen lý lịch: "thành viên chạy trường" khi sang trường khác xin học. Nhà trường, giáo viên và học sinh ở những trường mới sẽ đối xử với các em thế nào? Các em sẽ gánh lấy mặc cảm nặng nề thế nào khi đối diện với bạn bè mới mà trong mắt họ các em là "người chạy trường bị đuổi"? Dù tôi rất căm phẫn với việc chạy trường, kẻ này đã cướp đi cơ hội của người khác và cho rằng cần phải có biện pháp trừng phạt đối với những người có hành vi này. Nhưng những người làm việc này đâu phải là các em học sinh. Chua xót cho các em và chua xót trước quyết định của những người cầm cân nảy mực".
 
Nguyen Hoang Phong (Hà Nội): "Bài viết của tác giả Tùy Phong hay quá và đúng quá. Vẫn có thể "sửa sai" mà không ảnh hưởng tới "tương lai đất nước". Tại sao không cứ để cho các em học luôn trường này, thay đổi làm gì? Đã nói "xóa trường chuyên, bỏ trường điểm, chống bệnh thành tích" thì việc các em này tiếp tục học có "vi phạm" điều gì đâu nhỉ? Có chăng, sự vi phạm là ở chỗ "vi phạm điều không đúng". Đó là việc đặt ra trường điểm".

Lý Ngọc Trang (đường 3/2, Q.10, TP.HCM): "Tôi bị sốc khi nghe câu phát biểu của ông Huỳnh Công Minh. Với quyết định này, ông một  lần nữa tái khẳng định "ở TP.HCM hiện nay có 2 loại trường: A dành cho học sinh giỏi, còn B dành cho học sinh dở". Trong khi đó, theo tinh thần chỉ thị của tân Bộ trưởng Bộ GD-ĐT dành cho năm học 2006_2007 là xóa trường chuyên lớp chọn. Vụ tiêu cực ở trường PTTH Lê Quý Đôn, theo ý kiến cá nhân tôi - cũng là 1 PHHS (không có con học trong trường này) - tại sao mọi tội lỗi của người lớn (là giáo viên và cha mẹ của các em) lại bắt các em gánh chịu ? Các cơ quan chức năng nên thận trọng xem xét để đưa ra các quyết định nhằm giảm thiểu tới mức thấp nhất việc gây ảnh hưởng tới học tập và tâm lý của các em. Tôi xin đề xuất: vẫn để các em học tại trường bình thường nhưng truy cứu trách nhiệm rõ ràng từng cá nhân (kể cả người đưa lẫn người nhận hối lộ) trong việc đẩy các em ngồi vào chiếc ghế không phù hợp với khả năng của mình".
 
Kim Oanh <kimoanh16@yahoo.com>: "Tôi rất không đồng tình với cách giải quyết của ông Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM. Không thể để chuyện sai lầm của người lớn ảnh hưởng đến các em như vậy. Trong lúc này, các em ấy cần được giúp đỡ để ổn định tinh thần, vượt qua những bất ổn tâm lý để tiếp tục học tập. Tôi thật sự thất vọng về người lãnh đạo ngành giáo dục của một thành phố lớn như TP.HCM, ông thiếu hẳn cái tâm dành cho học trò của mình".

Phạm Hà Thy (Bình Thạnh, TP.HCM): "Tôi đồng ý với tác giả Tùy Phong: Đúng là người lớn chúng ta đang bắt các em phải hứng chịu lỗi lầm do chúng ta gây ra. Rồi đây ai sẽ là người giúp các em vượt qua cú sốc đầu đời này hỡi các nhà giáo dục? Xin tất cả người lớn chúng ta hãy dành năm phút thôi để nhớ đến những tháng năm học trò của mình để thông cảm và hiểu các em hơn. Đã đến lúc chúng ta phải sống trung thực hơn, phải xin lỗi các em, bởi đó là lỗi của người lớn. Chỉ bằng một hành động xin lỗi chính thức của người lớn, chúng ta sẽ giúp các em củng cố lại được lòng tin nơi thầy cô và cha mẹ - những người luôn dạy chúng từ thuở ấu thơ rằng: "Con hãy cám ơn một ai đó khi người đó cho con, làm giúp con việc gì và hãy xin lỗi khi con có lỗi". Hãy làm điều đó không phải chỉ vì các em mà vì chính chúng ta nữa".
 
Viethuy Viethuy <
viethuy@hcm.fpt.vn>: "Sở GD-ĐT TP.HCM không thể vô can trong hàng loạt các vấn đề của ngành trong thời gian vừa qua. Yếu kém trong quản lý, bao che cho tiêu cực hay cả hai cần phải có câu trả lời cụ thể! Rất mong đó chỉ là sự yếu kém trong quản lý. Nhưng điều tôi lấy làm tiếc nhất đó là những quyết định mang tính đối phó và không có cái tâm của người thầy".

Thanhnguyen <feedback_vn@yahoo.com>: "Tôi cho rằng hướng giải quyết của ông ông Giám đốc chỉ là giải quyết cái hậu quả của sự quản lý lỏng lẻo của chính ông. Giải pháp của ông sẽ gây tác hại rất lớn đến tâm lý của các em. Hiện tại các em đã phải chịu áp lực lớn từ dư luận và cả những ánh mắt, lời nói soi mói các em từ các bạn chung trường. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc học hành của các em. Một khi các em phải chuyển trường như ông nói thì chính ông đã gián tiếp làm cho sự mặc cảm bóp chết các em".
 
Và còn rất, rất nhiều những thư phản hồi khác, vừa gay gắt, vừa tâm huyết. Tất cả đều cùng một ý nguyện: Những người làm công tác giáo dục hãy suy nghĩ và hành động thực sự vì một nền giáo dục với mục tiêu "trồng người" để thế hệ những chủ nhân tương lai của đất nước Việt Nam sẽ là những con người vừa có đức vừa có tài.

TNO cảm ơn sự quan tâm và tín nhiệm của bạn đọc. Mong tiếp tục nhận được sự cộng tác!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.