Còn đâu những rạp hát xưa

06/11/2010 14:31 GMT+7

Mỹ Tho xưa được xem là cái nôi của cải lương Nam Bộ và các rạp hát xưa cũng gắn liền với tên tuổi những người nổi tiếng một thời. Nhưng hiện tại, khán giả không biết đến đâu để xem cải lương.

Từ rạp cải lương đầu tiên…

Theo các tài liệu còn ghi lại, ông Châu Văn Tú còn gọi là Pierre Tú, người làng Vĩnh Kim, Mỹ Tho. Qua báo chí xưa, ông là người Việt đầu tiên ở Nam kỳ sở hữu xe hơi riêng vào năm 1907. Khoảng năm 1917, sau khi gánh xiếc và “ca ra bộ” An Nam Trẻ của André Thận tan rã, ông Tú đã bỏ tiền ra gom đào kép lại và lập nên gánh Thầy Năm Tú. Để có chỗ cho gánh hát biểu diễn, đầu năm 1918 ông tiến hành xây rạp hát riêng ở gần chợ Mỹ Tho và lấy tên là rạp Thầy Năm Tú (sau đổi thành Vĩnh Lợi rồi Tiền Giang) nằm trên đường Lý Công Uẩn bây giờ. Đây được xem là rạp hát cải lương đầu tiên tại Việt Nam. Rạp có sân khấu rộng, cao, hai bên hông có nhiều lớp cánh gà, có hệ thống ròng rọc để thay đổi phông màn. Ghế ngồi cho khán giả cả trên lầu và tầng trệt.

Cũng theo các tài liệu xưa thì vào năm 1918, khi hãng đĩa hát Pathé Phono của Pháp đặt cơ sở tại Sài Gòn, hãng này đã mời đào kép của gánh Thầy Năm Tú thâu đĩa đầu tiên. Những đĩa đó được mở đầu bằng lời giới thiệu rất ngộ nghĩnh. Đầu tiên là tiếng gà gáy, tiếng đàn đệm và giọng ông giới thiệu: “Đây là đĩa hát Thầy Năm Tú, hiệu Pathé Phono, ở Mỹ Tho, hát một đĩa cải lương nghe chơi”. Thầy Năm Tú cũng là người đầu tiên nhập cảng linh kiện về và tổ chức lắp ráp, kinh doanh máy hát đĩa, người có công lớn trong việc phổ biến nghệ thuật cải lương ở Nam Bộ thông qua việc lập gánh hát và kinh doanh máy hát đĩa.

…đến rạp của Bạch Công Tử

Chúng tôi đã lập hồ sơ đề nghị công nhận rạp Thầy Năm Tú là di tích quốc gia, vì đây là rạp hát cải lương đầu tiên của Nam Bộ. Nếu được chấp thuận, tỉnh sẽ phục hồi lại rạp hát này.
Ông Nguyễn Ngọc Minh, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch Tiền Giang
Đặc biệt, người thứ hai có công phổ biến nghệ thuật cải lương là Bạch Công Tử, một tay chơi nổi tiếng “sành điệu” ở Nam kỳ lục tỉnh bấy giờ. Bạch Công Tử tên thật là Lê Công Phước, còn gọi là George Phước, là con trai của Đốc phủ Lê Công Sủng, người ở làng Điều Hòa, Mỹ Tho, từng đi du học tại Pháp vào năm 1909. Vốn là người mê cải lương, năm 1926 Bạch Công Tử kết hợp với ông Nguyễn Ngọc Cương lập gánh hát Phước Cương (tên ghép của 2 người) và quy tụ nhiều đào kép nổi tiếng vào thời đó. Được biết gánh này từng lưu diễn ở Pháp. Nhưng chẳng bao lâu, Bạch Công Tử tách ra và lập gánh Huỳnh Kỳ vào năm 1932, với sự tham gia của Phùng Há, Ba Vân, Năm Phỉ, Tám Du, Năm Thiện, Ba Thâu, Ba Đồng, Chín Móm... Trong đó, nghệ sĩ Phùng Há một thời là vợ của Bạch Công Tử. Theo nhiều tài liệu thì đây là gánh cải lương có quy mô lớn ở vùng lục tỉnh Nam kỳ và không thua gì gánh Thầy Năm Tú nổi danh lúc bấy giờ.

Cũng trong thời gian này, Bạch Công Tử cho xây rạp hát cũng với tên Huỳnh Kỳ, bên cạnh ngôi nhà của ông tại Mỹ Tho (đường Đinh Bộ Lĩnh, TP Mỹ Tho hiện nay) để làm nơi gánh hát biểu diễn. Thời gian sau, khi Bạch Công Tử sạt nghiệp, cả ngôi nhà và rạp hát đều bán lại cho ông Lê Ngọc Chiếu, là người giàu có ở vùng Chợ Gạo. Vì vậy, rạp Huỳnh Kỳ được đổi tên thành Lê Ngọc. Đến năm 1963, ông Chiếu bán rạp hát lại cho người khác và tiếp tục đổi tên thành rạp Viễn Trường, rồi Tân Viễn Trường. Đến thập niên 1980, rạp lại được đổi tên thành Mỹ Tho, và sau đó bị bỏ hoang. Cách nay khoảng 5 năm, rạp hát này đã bị phá bỏ, xây mới thành siêu thị Thành Nghĩa.


Rạp hát Huỳnh Kỳ xưa của Bạch Công Tử, nơi bây giờ đã bị đập phá để xây siêu thị - Ảnh: H.P

Vào thời đó, khi những gánh hát khác đều di chuyển bằng ghe chèo thì Bạch Công Tử sắm một lúc tới 3 chiếc ghe lớn có gắn động cơ, dùng để chở đào kép đi lưu diễn và được trang bị như là du thuyền. Theo mô tả, chiếc đi đầu chở Bạch Công Tử và nghệ sĩ Phùng Há, phía trước có cột cờ và treo cờ vàng, biểu tượng của gánh Huỳnh Kỳ. Đào kép đi chiếc thứ hai, được ngăn thành nhiều phòng, nhiều ô cửa sổ, có bếp ăn, chỗ vệ sinh... Chiếc thứ ba chở thầy đờn, nhân viên phục vụ và cả một đội bóng. Gánh hát đi tới đâu, Bạch Công Tử cho đào kép lên bờ đứng xếp hàng và bắt tay xã giao với chính quyền sở tại. Sau đó thì hát bản Đoàn ca, cờ vàng được kéo lên và Bạch Công Tử móc... súng lục ra đưa lên trời nổ liền mấy phát! Khi gánh hát dời đi nơi khác, Bạch Công Tử lại cho kéo cờ vàng, đốt pháo và rút súng lục ra bắn. Khán giả đứng chen trên bờ, lưu luyến vẫy tay chào...

Nay còn gì?

Và đầu thập niên 1980, tỉnh Tiền Giang xây thêm 3 rạp hát lớn ở huyện Cái Bè (mỗi rạp hơn 1.000 chỗ ngồi), gồm: rạp Thiên Hộ Dương giữa vùng Đồng Tháp Mười, rạp Cái Bè và rạp An Hữu (sau đổi thành Hoàng Việt). Nhưng sau hàng chục năm bị bỏ hoang, rạp Thầy Năm Tú bây giờ xuống cấp nghiêm trọng. Rạp Huỳnh Kỳ trở thành siêu thị. Rạp Cái Bè biến thành chợ, rạp Thiên Hộ Dương bị bỏ hoang và rạp Hoàng Việt đã bị tháo dỡ.

Ông Nguyễn Ngọc Minh, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch tỉnh Tiền Giang, nói: “Từ trước đến nay, tỉnh chưa bán bất cứ rạp hát nào. Riêng rạp An Hữu là do huyện Cái Bè xây. Do vậy đến giờ tôi cũng chưa xác định là... có bán hay không!”. Còn rạp Tân Viễn Trường (do Bạch Công Tử xây), ông Minh cho rằng tỉnh chỉ cho thuê mặt bằng chứ không bán. Nhưng trên thực tế, người chủ mới đã đập bỏ rạp hát cũ và xây siêu thị.

Hoàng Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.