Doanh nghiệp nên đầu tư gì vào Mông Cổ?

13/10/2010 15:20 GMT+7

(TNO) Trong khuôn khổ chuyến thăm và dự Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, sáng 13.10, tại TP.HCM, tiến sĩ S.Dashtsevel, Chủ tịch Hội Hữu nghị Mông Cổ - VN, đã dành cho PV Thanh Niên cuộc phỏng vấn về những lĩnh vực doanh nghiệp hai nước quan tâm đầu tư.

Tiến sĩ S.Dashtsevel nói: Quan hệ kinh tế VN - Mông Cổ có từ rất sớm, nhưng những năm từ thập niên 90 thế kỷ vừa qua có ít đi. Vì vậy, thời gian gần đây chúng tôi tổ chức rất nhiều đoàn doanh nghiệp đến VN khảo sát thị trường, tìm cơ hội và mời gọi đầu tư vào Mông Cổ.

Mông Cổ hiện nay có khoảng 3 triệu dân, thu nhập bình quân đầu người khoảng 3.000 USD/năm. Mông Cổ rất dồi dào nguồn nguyên liệu, nhất là nguyên liệu từ chăn nuôi gia súc; có nhiều khoáng sản với trữ lượng lớn có thể khai thác công nghiệp… nhưng ngành công nghiệp của Mông Cổ chưa phát triển, công nghiệp chế biến để tiêu dùng, xuất khẩu cũng vậy.

Trong khi đó, VN đang trên đà công nghiệp hóa, hiện đại hóa, công nghệ sản xuất phát triển khá nhanh… Nếu doanh nghiệp hai nước hợp tác làm ăn thì tôi tin tưởng hiệu quả sẽ tốt.

* Sau những chuyến khảo sát thị trường, doanh ngiệp Mông Cổ quan tâm cụ thể những lĩnh vực nào của VN?

- Chúng tôi biết VN là một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, Chính phủ Mông Cổ cũng đang quan tâm nhập khẩu gạo từ VN. Hiện nay hầu như chúng tôi chỉ nhập gạo từ Trung Quốc. Hoa quả nhiệt đới, thực phẩm chế biến của VN cũng được các doanh nghiệp Mông Cổ quan tâm vì nhu cầu của thị trường là có thật.

Nhiều người Mông Cổ còn nhớ món salat nhập từ VN ở thập niên 60 - 70 của thế kỷ trước ăn rất ngon, hay những chiếc kẹo bọc giấy ăn được… và họ hỏi vì sao bây giờ không có những mặt hàng đó? Rõ ràng, ấn tượng về sản phẩm của VN rất tốt trong người tiêu dùng Mông Cổ.

Mông Cổ rộng đến 1,5 triệu km2, nhưng không có biển. Còn VN có bờ biển dài hơn 3.000 km, nguồn thủy hải sản phong phú. Vì vậy, thủy hải sản VN nếu đưa được vào Mông Cổ cũng sẽ được đón nhận.

* Còn doanh nghiệp VN nên đầu tư gì vào Mông Cổ?

- Theo tôi biết thì cứ hai năm có họp phân ban liên chính phủ hai nước để xác định các mục tiêu hợp tác, đầu tư về kinh tế, thương mại. Trong cuộc họp gần đây, hai bên xác định tiếp tục đầu tư vào nông nghiệp. Nông nghiệp Mông Cổ mạnh về chăn nuôi, nhưng chưa có truyền thống trong trồng trọt, trong khi VN có thế mạnh về lĩnh vực này. Các doanh nghiệp VN có thể đầu tư vốn, công nghệ vào lĩnh vực trồng trọt tại Mông Cổ.

Chính phủ Mông Cổ cũng đang kêu gọi đầu tư mạnh vào hạ tầng giao thông vận tải. Mông Cổ rất rộng nhưng đường sá chưa nhiều, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển và vì vậy còn rất nhiều tiềm năng, khoáng sản chưa được khai thác. Nói đến khoáng sản, Mông Cổ có rất nhiều mỏ khoáng sản lớn như đồng, vàng, dầu đất, than… và rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài quan tâm vào lĩnh vực khai khoáng. Tôi nghĩ doanh nghiệp VN hoàn toàn có thể tham gia vào lĩnh vực này…


Tiến sĩ S.Dashtsevel xem sản phẩm của Công ty Chu Việt ở TP.HCM

* Một trong những yếu tố nhà đầu tư rất quan tâm là thủ tục pháp lý ở nơi họ quyết định đến đầu tư. Môi trường đầu tư ở Mông Cổ ra sao, thưa ông?

- Chính phủ Mông Cổ rất quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư. Theo tôi thì Mông Cổ là một trong những nơi có môi trường đầu tư thuận lợi nhất thế giới. Những lĩnh vực Chính phủ khuyến khích, như đầu tư vào ngành công nghiệp công nghệ cao chẳng hạn, sẽ có rất nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp…

Mông Cổ là một nước đa số người dân theo đạo Phật, người dân hiền lành, an ninh trật tự tốt. Chính trị ở Mông Cổ cũng ổn định và một trong những mục tiêu hàng đầu của Chính phủ là ổn định chính sách đầu tư để doanh nghiệp yên tâm đầu tư, làm ăn…

Tất nhiên, cũng có những khó khăn khi đầu tư vào Mông Cổ. Thời tiết khá khắc nghiệt, mùa hè nắng gay gắt và mùa đông lạnh có khi đến -300C là một trong những khó khăn với các nhà đầu tư đến từ miền nhiệt đới như VN, nhưng tôi tin chỉ sau một thời gian sẽ thích nghi được. Hạ tầng giao thông còn yếu cũng sẽ làm doanh nghiệp khó khăn trong đi lại, nhưng đó là lĩnh vực chúng tôi đang kêu gọi, khuyến khích đầu tư…

* Với cương vị Chủ tịch Hội Hữu nghị Mông Cổ - VN, ông có sẵn sàng giúp đỡ doanh nghiệp VN khi họ muốn tìm hiểu, đầu tư vào Mông Cổ?

- Chúng tôi luôn sẵn sàng làm cầu nối giữa nhà đầu tư VN và các cơ quan chức năng, doanh nghiệp Mông Cổ, với mong muốn kinh tế Mông Cổ phát triển, nhà đầu tư có lợi và làm ăn bền vững tại Mông Cổ.

Xin cảm ơn ông. 

Cũng trong sáng nay, tiến sĩ S.Dashtsevel cùng đại diện lãnh đạo thành phố Ulaanbaatar, Đại sứ quán Mông Cổ tại VN có buổi thăm và làm việc với Công ty cổ phần Tài chính và đầu tư xây dựng Chu Việt (TP.HCM).

Tại buổi làm việc, ông Lê Hải Châu, Chủ tịch HĐQT Công ty Chu Việt, cho biết công ty đang xúc tiến việc mở siêu thị hàng nông sản VN tại Ulaanbaatar, chuyên bán các nông sản phẩm, thực phẩm chế biến, các món ăn truyền thống của VN như phở, trà, cà phê, thủy hải sản chế biến… Chu Việt cũng xúc tiến để nhập các sản phẩm thịt cừu, sữa ngựa, thịt lạc đà, chim, rượu Vodka Mông Cổ và các loại da gia súc từ Mông Cổ về thị trường VN tiêu thụ.

Trước đó, Chu Việt và Công ty Mongol Food - một doanh nghiệp lớn chuyên chăn nuôi gia súc và chế biến thực phẩm tại Mông Cổ - ký hợp đồng thành lập liên doanh Chuviet - Go, hoạt động trong các lĩnh vực đầu tư, xuất nhập khẩu và thương mại, sản xuất thực phẩm các loại, dịch vụ ăn uống và du lịch... nhằm chuẩn bị cho các hoạt động đầu tư trong thời gian tới.

Đức Trung
(Thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.