Bữa cơm gia đình thời hiện đại: Thừa và thiếu

29/10/2005 15:05 GMT+7

Ai cũng biết rằng, bữa ăn gia đình là một trong những yếu tố gắn kết, tạo nên tình cảm, sự sẻ chia, thậm chí là một nghệ thuật tạo nên hạnh phúc cho một mái ấm. Thế nhưng, trong thời đại công nghiệp hiện nay, khi không khó khăn gì để làm ra một bữa ăn chất lượng, đầy đủ, thịnh soạn thì sự thiếu vắng các thành viên xung quanh mâm cơm ấy lại là chuyện bình thường, nhất là ở các thành phố lớn như Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh.

Cách đây 10 năm, gia đình tôi sống tại một thành phố nhỏ ngoài Bắc. Các anh chị lớn lên, tốt nghiệp đại học, vào TP Hồ Chí Minh xin việc, và dần dần, cả đại gia đình đều trở thành cư dân chính thức của thành phố đầy náo nhiệt và sôi động này. Có nhiều điều thay đổi, từ tác phong sinh hoạt, làm việc đến cả trang phục, thói quen ăn uống. Trước đây, dù đi đâu, học hành gì, cứ đến bữa là ai cũng có mặt ở nhà. Người nấu nướng, người dọn mâm bát. Khi ăn, trước tiên là "màn" mời cơm. Con mời bố mẹ, em mời anh chị, cháu mời ông bà, chú bác... Giống như một cái "lệ", dù cơm ngon hay không, dù thức ăn nhiều hay ít, miếng đầu tiên gắp nhất thiết phải là món rau, tức là món "đơn sơ" nhất (chứ không được đụng ngay đến đĩa thịt, cá!). Phải trông chừng thức ăn nhiều ít mà định liệu, gắp thức ăn từ tốn, không "moi từ dưới lên, đảo từ trên xuống", những miếng ngon dành lại cho bố mẹ, ông bà (bố mẹ, ông bà cũng lại nhường phần ấy cho con cháu mà thôi). Ở gia đình tôi, khi ăn cơm vẫn được nói chuyện, lúc ăn cơm là lúc rất vui vì mọi người vừa thưởng thức các món ăn vừa kể cho nhau nghe những chuyện vui vẻ trong ngày, không khí thân mật và ấm cúng. Ăn xong thì con cháu mời ông bà, bố mẹ dùng cây tăm, chén nước...

Nhưng cũng là nhà tôi, từ khi vào TP Hồ Chí Minh sinh sống, bữa cơm gia đình thay đổi hẳn. Tất nhiên là mẹ tôi không còn lo chuyện thiếu tiền mua thức ăn ngon nữa, thích gì thì mua đó, nhưng thường xuyên bây giờ chỉ có bố mẹ ngồi ăn cơm với nhau (hai cụ đã về hưu). Con cái thì ăn mỗi đứa một giờ, làm việc ở cơ quan thì ăn luôn cơm bụi cho tiện, về nhà thì xa mà tốn thêm tiền xăng. Tan sở lại còn đi học thêm, đi cà phê, đi xem kịch, sinh nhật, hội họp bạn bè... Khi về nhà, đói thì ăn, không đói thì thôi, bất kể đúng bữa hay không. Lúc đầu bố mẹ còn chờ đợi, rồi than phiền, lâu dần thành quen. Thậm chí mẹ tôi, một người phụ nữ khá nguyên tắc trong chuyện cơm nước của gia đình từ hồi còn ở ngoài Bắc, cũng phải thay đổi. Cảnh con dâu hay con gái mỗi đứa bưng một tô ăn lúc đêm khuya cũng không còn làm mẹ "chướng mắt". "Chúng nó đi làm về muộn, đã mệt còn bắt ăn uống "đúng cách" thì cũng tội" - mẹ chặc lưỡi.

Lâu lâu, có những dịp hiếm hoi cả nhà đầy đủ thì cũng tổ chức ăn uống cho vui. Nhưng thấy mấy đứa cháu liến thoắng mời ông bà, rồi gắp thức ăn ào ào, cứ miếng ngon nhất mà chọn, tôi cảm thấy có những thay đổi rất rõ rệt. Đời sống đi lên, miếng ăn ngon không còn là của hiếm, cha mẹ mừng khi con cái ăn được nhiều, được thoải mái... nên "quên" cả việc dạy chúng cách thức ăn uống "ăn trông nồi, ngồi trông hướng". Nhiều người quên rằng bữa cơm tuy nhỏ nhưng là một yếu tố thể hiện nét văn hóa của gia đình. Nhiều gia đình trong khu phố tôi, dù không bận rộn gì nhưng cũng chủ trương "nhanh - gọn - nhẹ", bữa trưa phát tiền, mỗi đứa con mấy ngàn đồng ăn cơm bình dân, thích ăn gì thì chọn, còn bữa chiều có nấu cả nhà ăn cũng nấu những món nhanh gọn, dễ làm, có khi chỉ nấu cơm rồi mua thức ăn... Ăn cho xong, ngồi ăn kiểu gì cũng được, không phải mời mọc, cũng không cần để phần ai (cơm bình dân ngoài phố giờ nào chẳng có). Thói quen ăn uống như vậy tạo cho trẻ em quen với sự tạm bợ, mất đi những cảm nhận về sự ấm cúng, chia sẻ trong gia đình, một điều rất cần cho sự phát triển nhân cách cũng như tâm lý của trẻ.

Đúng là trong thời đại mọi thứ đều tính bằng tốc độ, thì chuyện ăn uống mà bày vẽ dềnh dàng là không phù hợp. Cũng không thể đòi hỏi mọi người giữ mãi những cách thức cũ, khi mà khái niệm "học ăn" bây giờ ngày càng rộng mở, phong phú hơn. Nhiều gia đình trẻ không có thời gian để đi chợ, nấu cơm, khi bị cuốn trong vòng quay của công việc, học hành, làm thêm, học thêm... Tiền không thiếu thì thời gian lại thiếu. Nhưng không thể phủ nhận rằng, một bữa cơm gia đình bình thường với đầy đủ mọi thành viên bao giờ cũng đem lại niềm vui và hạnh phúc cho mỗi người, đặc biệt là con trẻ. Giữ được nền nếp cho những bữa ăn gia đình cũng là giữ được nếp nhà, điều mà thế giới "fast-food" đang làm mai một.

Hạ Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.