Lúng túng trong phòng chống dịch ở các tỉnh

10/11/2005 23:42 GMT+7

Ngày 10/11, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đã triệu tập hội nghị các tỉnh phía Nam (từ Đà Nẵng trở vào) để kiểm tra tiến độ phòng chống dịch ở địa phương. Trong khi Chính phủ chỉ đạo rất khẩn trương và sát sao thì các tỉnh vẫn còn đang lúng túng một cách đáng lo ngại.

Ông Mai Văn Hiệp, Chi cục trưởng Chi cục Thú y (CCTY) tỉnh Bến Tre nói: "Nếu quyết tâm của trung ương là 100% thì xuống dưới cấp huyện, cấp xã chỉ còn khoảng... 20%! Trên thì xử lý nghiêm, xuống cấp cơ sở thì hời hợt và lỏng lẻo". Đại diện CCTY tỉnh Trà Vinh cũng cho biết: "Thật sự các tỉnh cũng chưa làm quyết liệt lắm, chỉ có ngành thú y làm chứ các ngành khác không quan tâm". Theo báo cáo của Cục Thú y, đến nay chỉ mới có 15/50 tỉnh thuộc diện tiêm vắc-xin hoàn thành kế hoạch tiêm phòng, còn lại đạt tỷ lệ rất thấp. Nguyên nhân của tình trạng này, theo các CCTY, là do các địa phương cấp xã chưa thấy hết mức độ nguy hại của dịch cúm gia cầm (CGC) nhưng nguyên nhân sâu xa chính là chế độ trợ cấp và chính sách bảo hiểm cho người tham gia chống dịch còn quá thấp. Ông Nguyễn Thành Hưởng, Chi cục phó CCTY tỉnh Đồng Tháp trình bày: "Chế độ trợ cấp cho người đi tiêm phòng quá ít, chỉ có 10.000 đồng/ngày mà bắt họ phải lặn lội cả chục cây số thì rất khó. Thậm chí, trong tỉnh có một người bị ngã xe trong lúc đi tiêm cho gia cầm và chấn thương sọ não, nhưng đến giờ cũng chưa thấy có chế độ bảo hiểm gì". Ông Ngô Quốc Hưng, Chi cục trưởng CCTY tỉnh Đắc Nông than: "Chúng tôi thật sự không làm nổi khi lực lượng quá mỏng. Có điểm xảy ra gia cầm bệnh chết nhưng chúng tôi thậm chí chẳng nắm được thông tin".

Ngày 10.11, Phó thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký văn bản số 1786/ TTg-NN về việc phòng chống dịch cúm gia cầm và đại dịch ở người. Chính phủ yêu cầu các địa phương phải tập trung tuyên truyền, thông tin chính xác để người dân nhận thức rõ nguy cơ của dịch bệnh để chủ động bảo vệ sức khỏe cho bản thân; nghiêm cấm buôn bán, vận chuyển sử dụng gia cầm, sản phẩm gia cầm chưa được kiểm dịch, nếu phát hiện thì tịch thu tiêu hủy không bồi thường. UBND các cấp phối hợp với bộ, ngành liên quan huy động các lực lượng trên địa bàn bố trí đủ vật tư, phương tiện và có các biện pháp chỉ đạo quyết liệt, không để tái phát dịch ra diện rộng...

Thị trường gia cầm đóng băng cũng là nỗi lo của tất cả các tỉnh. Ông Nguyễn Đình Bảo, Chi cục trưởng CCTY tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu lo lắng: "Tôi đang sốt vó vì một chủ trại gia cầm lớn gần 400.000 con dọa sẽ... thả tất cả số gà đi rông bởi vì họ bán không được, tiêu hủy thì chúng ta không hỗ trợ vì đàn gà này không có bệnh". Tỉnh Long An cũng cho biết, một ngày có đến hàng chục cuộc điện thoại gọi đến cơ quan thú y yêu cầu chỉ cho họ chỗ bán gia cầm bởi nuôi nữa thì họ không có tiền, bán thì không bán được.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát một lần nữa nhấn mạnh đến mức độ cấp thiết của việc phòng chống dịch. Theo Bộ trưởng, dịch cúm năm nay có dấu hiệu rộng hơn, mạnh hơn, minh chứng là đàn gà tại vùng dịch tỉnh Bắc Giang chết ngay khi chưa có biểu hiện lâm sàng. Chỉ cần có 1 người nhiễm H5N1 là một cơ hội cho vi-rút tiến gần hơn đến bùng phát đại dịch. Chính vì vậy, các tỉnh phải quyết liệt hơn nữa để phòng chống hiệu quả.

Các thành viên Chính phủ kiểm tra công tác phòng chống dịch

Sáng 10/11, Phó thủ tướng Vũ Khoan đã đi kiểm tra tình hình phòng chống dịch cúm A tại Bắc Ninh và Bắc Giang. Tại Bắc Ninh, Phó thủ tướng đã trực tiếp đi kiểm tra tình hình giết mổ, buôn bán thực phẩm tại chợ Nhớn, công tác vệ sinh phòng dịch tại Xí nghiệp gà giống Lạc Vệ, đến thăm và kiểm tra công tác chuẩn bị tiếp nhận, điều trị bệnh nhân tại Bệnh viện đa khoa tỉnh. Tại Bắc Giang, Phó thủ tướng và đoàn kiểm tra đến hai xã thuộc hai huyện Việt Yên và Việt Dũng - nơi vừa phát hiện có ổ dịch cúm gia cầm (CGC); kiểm tra việc chuẩn bị công tác phòng dịch cúm A trên người tại khoa lây, Bệnh viện đa khoa Bắc Giang.

Cùng ngày, Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm đã đi kiểm tra tình hình phòng chống dịch CGC trên địa bàn Hải Phòng. Phó thủ tướng đã đi kiểm tra một số trại gà và chợ đầu mối trong thành phố. Hiện nay, Hải Phòng có 4,6 triệu con gia cầm, UBND thành phố đã đầu tư 1,7 tỉ đồng cho chiến dịch tiêm phòng đồng thời dự trù kinh phí khoảng trên 60 tỉ đồng để phòng chống và ứng phó khi đại dịch xảy ra. Đến thời điểm này, việc vận chuyển, giết mổ, kinh doanh gia cầm, buôn bán sản phẩm gia cầm trên địa bàn thành phố vẫn chưa được kiểm soát triệt để.

Bộ trưởng Tài nguyên-Môi trường Mai Ái Trực cũng đã làm việc với một số tỉnh miền Trung. Tại Quảng Ngãi, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trương Ngọc Nhi cho biết, tỉnh vừa phát hiện thêm một ổ dịch CGC tại xã Tịnh Thọ, H.Sơn Tịnh. Các ngành chức năng đã nhanh chóng tiêu hủy tại chỗ cả đàn vịt và khử trùng. Quảng Nam hiện là một trong những địa phương xuất hiện dịch nhưng tỉnh lại có đến 5 khó khăn lớn: địa bàn rộng; tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán của dân; đời sống người dân quá phụ thuộc vào gia cầm; dịch xảy ra vào mùa mưa lũ; dịch đã tái xuất hiện trên diện rộng kể từ năm 2004. Tại Đà Nẵng đến 10.11 đã có gần 123.000 gia cầm được tiêm vắc-xin đợt 1; toàn thành phố hiện có khoảng 200 trại chăn nuôi lớn nhỏ, đã tuân thủ nghiêm ngặt công tác vệ sinh chuồng trại... Hiện Đà Nẵng có hai trạm kiểm dịch động vật Kim Liên và Hòa Phước nằm trên tuyến quốc lộ 1A, đã chủ động yêu cầu hàng chục trường hợp vận chuyển hàng ngàn gia cầm không rõ nguồn gốc, xuất xứ không được vào thành phố...

Tổ PV Hà Nội - N.Toàn - H.X.Huỳnh - D.Hiền

Quang Thuần

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.