Người nuôi cá Koi ở Củ Chi - Kỳ 1: Người lính trở về

17/11/2009 10:11 GMT+7

(TNTT>) Đã lâu, không thấy Dũng “đại dương” - tay nuôi cá biển số 1 TP.HCM, người đầu tiên mở thủy cung ở Đầm Sen, người đầu tiên làm công viên nước tại Q.7... xuất hiện. Sở hữu một loạt danh hiệu “đầu tiên” về cá như vậy, những tưởng ông đã viên mãn, hưu rồi vui vầy với nước non. Tháng 8 vừa rồi, khi bỗng dưng ông tái xuất cùng đàn cá Koi nức tiếng, người ta không khỏi tò mò: Dũng “đại dương” đã “lặn” đâu suốt thời gian qua và cuộc phiêu lưu mới của ông với đàn cá Koi này sẽ như thế nào?

Sinh nghề, tử nghiệp

Rằm tháng 6, khi những chiếc xe hơi, xe tải đã nối đuôi nhau lặn lội vượt qua quãng đường xuyên rừng, cây cỏ mọc um tùm để đến tìm tới trang trại cá Koi tham quan, mua giống thì ông chủ của nó vẫn đang tất bật kêu người nhà soạn đồ “cúng chiến sĩ”. Nhiều người đã hy sinh bên khúc sông Sài Gòn chảy ngang trại cá này, thuộc xã Trung An, huyện Củ Chi... Cúng chiến sĩ là cách ông tri ân đến họ và cả những đồng đội mình ở mọi miền đất nước đã thầm lặng ngã xuống. Rằm nào cũng đều đặn như vậy, ông mua đồ từ dưới quận 7, đánh xe hơi lên cúng anh em và ở ngủ tại đây với họ vài đêm chính rằm. Ông Lê Hữu Dũng, Tổng giám đốc kiêm chủ tịch hội đồng quản trị Hải Thanh Koi farm, tâm sự: “Tôi đã từng là lính! Được như ngày hôm nay, anh em đồng đội đã giúp tôi rất nhiều!”.

...Năm 1982, anh lính hải quân Lê Hữu Dũng xuất ngũ với hai bàn tay trắng. Sau gần 15 năm trời lặn lội và thành danh nhờ cá kiểng, tích góp được số vốn, năm 1997, Dũng “cá” quyết dốc vào đầu tư cho công viên nước Đại Dương ở P.Tân Quy, Q.7. Thời điểm đó, đây là sự kiện không chỉ trong giới chơi cá kiểng. Ba năm đầu, nhờ mô hình mới, công viên thu hút được một lượng khách hàng tương đối. Đến năm thứ tư, khi một loạt đại gia đổ vào kinh doanh loại hình này, ông Dũng dần ngấm đòn: “Vốn đầu tư mình ít, không đáp ứng được nhu cầu khách, trong khi cái này càng mới lạ, càng đầu tư nhiều thì khách mới chịu vô”.

Càng ráng cầm cự, Dũng “cá” càng khốn đốn. Lo nghĩ nhiều đến mức ông đổ bệnh ung thư. Năm 2001, phát bệnh, suốt 4 năm trời, ông Dũng đi viện nhiều hơn là ở nhà điều hành. Đó cũng là một trong những nguyên nhân của thất bại. Cũng may lúc đó, người bạn đời của ông vẫn lạc quan, ngày đêm sát cánh phục vụ, động viên chồng.

10 năm sau ngày mở công viên, đổ vào đây 73 tỉ đồng và trôi ra sông ra biển, chưa tính tới khoản lãi suất trên 18 tỉ đồng, con số ấn tượng vào thời điểm đó, Dũng “đại dương” phải âm thầm bán nó trả nợ, rồi tự rút ra cho mình “sai lầm lớn của cuộc đời”. Nhớ lại mà không khỏi hãi hùng: “Ngân hàng thông báo tiền lời, tôi sợ không dám nhìn vô những con số...”.

Gầy lại từ cá     

Năm 2006, bán công viên xong, bệnh tật hiểm nghèo, nợ nần vẫn chồng chất, mọi người tưởng ông sẽ sụp đổ. Nhưng chính lúc này, phẩm chất người lính trong Lê Hữu Dũng mới mạnh mẽ phát huy, trỗi dậy nhất: “Phải cái kiếm gì mà làm, chán chường, buông xuôi chỉ nghỉ nửa năm trời là chùn chân chùn tay, ra đường ăn mày ngay”. Thế là ông lại vùng dậy, bỏ mặc bệnh tật...

Ngày họp “lính” (nhân viên), chia tay công viên nước, ông Dũng phải trị xạ ung thư, tóc và những gì thuộc về lông trên người đều rụng sạch, nhiều người đã khóc. Nhưng khí thế thì hừng hực như chuẩn bị một trận đánh lớn cuối cùng trong đời. Ngày còn cầm cự với công viên, ông với “lính” như anh em một nhà, làm ăn có thể thua lỗ, nợ nần thế nào chăng nữa thì lương bổng cho anh em vẫn phát đầy đủ, vẫn tăng thưởng đều đều. Trước đó, nhiều người cũng là đồng hương, được ông Dũng dìu dắt, nâng đỡ vô Nam kiếm sống, dạy nghề, bảo ban hằng ngày... Vậy nên khi ông Dũng mở lời, ai nấy đều nguyện hết lòng lên Củ Chi với ông, giúp ông gầy dựng lại cơ nghiệp mới.

Dũng “đại dương”, tóc đã xanh, uống nước trà xanh, vẫn bình dị như người lính năm nào

Lê Hữu Dũng nhớ lại: “Tôi có thời gian nhìn lại sai lầm. Giờ ít vốn, chỉ có đi lên từ cá thôi.” Trong khi đất công viên ở Q.7 đã bán gần hết, vả lại môi trường nước ở đây cũng không được thuận lợi, ông Dũng ráng vượt bạo bệnh, lê bước tìm đất nuôi cá: “Tôi lên gặp ông Hai Hoàng, phó ban chỉ đạo nông nghiệp phát triển nông thôn TP. Ổng ủng hộ, viết cho cái thư xuống huyện Củ Chi. Huyện cũng ủng hộ, lại viết thư cho xuống xã. Xã cũng ủng hộ, chỉ tôi ra ngay dải đất ven sông Sài Gòn, sau giải phóng đến giờ không ai khai phá. Xã muốn tôi phát triển chỗ đó…”.

Không biết ông Dũng sống với bạn bè, đồng đội thế nào nhưng khi ông ngã ngựa, chẳng ai quay lưng. Họ hùn tiền lại, mỗi người một ít cho ông mượn đi mua đất. Hội cựu chiến binh cũng ủng hộ ông, cho ông mượn tiền. Gom lại tất cả những gì có thể, ông Dũng lên Củ Chi mua liền 20ha đất hoang hóa, ngập mặn. Chỉ được cái là sát bờ sông thôi. Người bi quan, độc miệng thì nghĩ ông Dũng lên đó tìm chỗ cuối đời chứ làm ăn gì... Ông Dũng thì nghĩ: “Vừa đặt chân đến nơi, tôi đã có cảm giác thôi thúc. Người khác có thể thấy việc khai hoang khẩn hóa là quá khó khăn, không thể thực hiện nhưng tôi nghĩ sẽ làm được. Mình đã được rèn luyện trong quân ngũ, là lính rồi sẽ vượt qua khó khăn gian khổ”.

...“Cúng chiến sĩ” xong thì ông Dũng mới có thời gian nói chuyện với một đoàn khách đánh xe hơi từ dưới Phú Mỹ Hưng lên coi cá. Chẳng phải thượng khách hay tâm giao gì. Ông cũng thân tình mời họ ở lại bữa trưa, người nhà đã soạn nhiều món đãi khách. Tình cờ, mới biết trong tốp đó có người cũng là lính hải quân, thế là câu chuyện cứ nhắc nhiều đến chiến trường, biển cả. Ông Dũng giờ đã khỏe mạnh, tóc tai xanh tốt, mọi người phải “ồ” lên. Khỏi bệnh, đó là câu chuyện dài về nhân duyên và đậm màu huyền bí, nhắc tới ông phấn chấn hẳn: “Mua được miếng đất này, tôi khỏi bệnh. Chẳng hiểu sao, hồi mới lên xem đã thấy quyến luyến lắm. Khi khẩn hoang, anh em phát hiện được cái miếu xưa, thờ bà chúa xứ miền Đông Nam bộ. Giờ tôi vẫn giữ nguyên nhưng lập lại miếu mới khang trang hơn, để thờ cúng...”. (còn tiếp)

Nguyễn Lê Nguyên

Kỳ 2: Khai phá “đất thép”

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.