"Hiệu ứng Obama" ở Singapore

17/11/2008 23:06 GMT+7

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long vừa nói nước này có thể có một thủ tướng không phải người gốc Hoa đang chiếm đa số.

Việc nước Mỹ có tổng thống da màu đầu tiên dường như có tác động đến Singapore. Bốn ngày sau khi ông Barack Obama thắng cử tổng thống ở Mỹ, tại cuộc đối thoại với các lãnh đạo cộng đồng người Malaysia ở Singapore, Thủ tướng Lý Hiển Long nhận được câu hỏi: "Liệu Singapore đã sẵn sàng có một thủ tướng là người thuộc sắc tộc thiểu số, đặc biệt là người Hồi giáo gốc Malay?". "Có thể có", ông Lý trả lời và nói thêm: "Điều đó phụ thuộc vào việc mọi người sẽ bầu cử như thế nào, ai là người có được niềm tin trong dân chúng".

Singapore có 75% dân số gốc Hoa, nên việc người thực sự nắm quyền ở đất nước hơn 4 triệu người này từ ngày lập quốc năm 1965 đến nay đều là người Hoa cũng là điều dễ hiểu. Hai sắc dân khác có tỷ lệ khá cao ở Singapore là Malay (gần 14%) và Ấn Độ (gần 9%). Hiện nay, nội các Singapore có tổng cộng 20 người. Trong đó, Bộ trưởng Môi trường và Tài nguyên nước - tiến sĩ Yacoob Ibrahim - là người gốc Malay, ông này còn kiêm phụ trách các sự vụ liên quan đến người Hồi giáo; Phó thủ tướng S.Jayakumar phụ trách mảng luật pháp quốc tế, Bộ trưởng Tài chính Tharman Shanmugaratnam, Bộ trưởng Luật pháp K.Shanmugam, và Bộ trưởng Thanh niên, Thể thao và Phát triển cộng đồng Vivian Balakrishnan là những người gốc Ấn; còn lại là người gốc Hoa.

Từ lâu, ở đảo quốc sư tử, vấn đề về gốc gác của các lãnh đạo cũng được đề cập đến nhiều. Tuy nhiên, chưa mấy ai kỳ vọng về một thủ tướng gốc Malay hay Ấn Độ trong một tương lai gần.

Bao giờ?

Người đặt câu hỏi với Thủ tướng Lý Hiển Long hôm 8.11 đã không bỏ qua cơ hội ước lượng bao giờ điều "có thể" sẽ thành hiện thực: "Liệu việc đó sẽ diễn ra sớm?". "Tôi không nghĩ vậy. Bởi vì bạn phải thắng cử. Và những cảm xúc kiểu như "ai bầu cho ai", "điều gì khiến người ta nhận diện ra con người này"...  là những cảm xúc không dễ mất đi hoàn toàn trong một thời gian dài, kể cả khi người ta không nói đến nó, không muốn cảm nhận về nó", ông Lý Hiển Long trả lời.

Tuy nhiên, ông Lý cũng cho rằng thái độ phân biệt sắc tộc của người dân đã giảm đi trong vòng 2-3 thập niên qua: "Ý thức về sắc tộc đã giảm nhiều bởi tiếng Anh tạo ra một nền tảng chung, bởi thế hệ trẻ được giáo dục tốt hơn và họ nhìn thấy những người thành công trong mọi sắc tộc". Ông Lý dẫn ra kết quả một khảo sát năm 2007 do một trường học của Singapore thực hiện: 94% người gốc Hoa được hỏi nói rằng họ không câu nệ gì nếu Singapore có thủ tướng gốc Ấn và 91% nói họ đồng ý nếu có thủ tướng gốc Malay.

Tuy vậy, ông Lý vẫn tin rằng sắc tộc là một vấn đề muôn thuở: "Nhưng để đạt đến một xã hội, nơi mà mọi người hoàn toàn "mù" về sắc tộc, "mù" về tôn giáo, tôi nghĩ là rất khó. Bạn sẽ không bao giờ tìm thấy một quốc gia nào như vậy trên thế giới". Bình luận về thắng lợi của ông Obama, ông Lý gọi đó là một "thay đổi lịch sử", song đó không phải là thắng lợi của màu da và sắc tộc, mà vì "người Mỹ chán ngán, mệt mỏi với sự cầm quyền gần 20 năm của chính quyền Bush và Clinton, và nay họ muốn thấy một sự thay đổi".

Trong khi đó, một cuộc khảo sát với câu hỏi: "Singapore đã sẵn sàng để có một thủ tướng không phải người gốc Hoa chưa?" đang được tiến hành trên báo Straits Times điện tử. Cho đến chiều hôm qua (17.11), 477 trên 519 người tham gia (91,91%) trả lời "Chưa".

Bộ sậu lãnh đạo 

Hôm 16.11, tại cuộc họp thường niên của đảng Nhân dân hành động (PAP), đảng nắm 92 trên tổng số 94 ghế tại Quốc hội, Thủ tướng Lý Hiển Long - Tổng thư ký PAP, nói rằng PAP phải luôn luôn "tiến hóa" để bắt nhịp với thời đại. Ý ông Lý là phải luôn làm mới đội ngũ đảng viên, hàng ngũ lãnh đạo và có những cách thức mới nhằm lôi kéo người dân Singapore nhập cuộc. "Ngày nào PAP còn tự làm mới mình, tiếp tục xây dựng một chính phủ mạnh và trong sạch, đời sống người dân được cải thiện thì đất nước này sẽ tốt hơn với một đảng cầm quyền", ông Lý tự tin nói về vai trò lãnh đạo của PAP.

Tại cuộc họp với trên 1.000 đảng viên cấp cao của PAP, ông Lý cho rằng tình hình kinh tế thế giới khó khăn hiện nay là cơ hội để lôi kéo nhân tài Singapore đang sống ở Mỹ, Anh, Úc về nước. Những tài năng đang trụ ở nước ngoài là một đích ngắm mà ông Lý cân nhắc trong việc chọn lựa người kế nhiệm. Cuộc tổng tuyển cử tiếp theo ở đảo quốc này dự kiến diễn ra vào tháng 2.2012. Ông Lý nói rằng qua mỗi đợt bầu cử, PAP thường đưa vào quốc hội trên 20 gương mặt mới.

Còn tại thời điểm này, người ta chưa nhận ra một khuôn mặt khả dĩ thay thế ông Lý trong vài năm tới.

Thục Minh
(VP Singapore)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.