Hoài niệm về… làng

01/10/2005 22:22 GMT+7

Mỗi khi tâm hồn bấn loạn, muốn tìm về một nơi trú ngụ bình yên thì hình ảnh làng bỗng hiện lên tươi nguyên, phưng phức hương vị nội đồng. Và từ sâu thẳm, luôn nhắc nhở tôi trở về thắp một nén hương trong ngôi từ đường cổ kính, ngắm một cánh cò chiều, chờ đợi một mùi rạ rơm, hoặc hương hoa bưởi mơ hồ trên tóc người thiếu nữ.

Thỉnh thoảng tôi có gặp những người cùng quê, hỏi thăm vồ vập nhưng ai cũng gần như kết lại bằng câu: "làng mình còn lạc hậu lắm";    rồi cắm cúi đi về phía phồn hoa, quyết làm một cuộc "đổi đời". Còn tôi, sau bao nhiêu năm xa làng, đã làm một cuộc hành hương ngược về chốn cũ, thăm lại chiếc nôi xanh biếc của ruộng lúa, vườn xưa. Cuộc hành trình đã đưa tôi đến trước cổng làng. Đến thế kia ư? Cái cổng "hoành tráng" quá! Dưới ráng chiều, những người nông dân theo trâu chui qua cổng làng và những nam thanh nữ tú phóng xe máy đời mới đi ngược chiều như một thước phim minh họa sự khác nhau của hai thế giới: làng quê và thành thị. Hai thế giới này đang đan chéo, hiển hiện, hòa trộn vào nhau trong bối cảnh làng đang đổi mới. Một chút bần thần đã choán lấy người tôi, khiến tôi chưa phân định nổi đâu là giá trị thực và ảo của những điều mình đang chứng kiến ngay từ đầu làng. Tôi sực nhớ điều duy nhất mà cô vợ người thành phố của tôi sợ tôi quên, ấy là một lô mỹ phẩm được cô gởi biếu người thân, giờ đây lại hiện rõ cả thương hiệu, thậm chí nó còn tỏa mùi ngây ngất từ trong va ly ra! Dầu vậy, hương thơm công nghiệp ấy cũng chóng tan đi, nhường lại cho những ngọn gió mát từ xa thổi tới, đánh thức tôi quay lại với làng. Mà, sự "hoành tráng" của cái cổng nửa tây nửa ta  kia chính là tín hiệu của đà thay đổi theo nhịp hiện đại hóa nông thôn đang diễn ra.

Thật vậy, những ngôi nhà xây theo kiểu Thái, nhà biệt thự kiểu Pháp không phải chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nó được các "đại gia" thành đạt từ chốn thị thành khuân về đấy. Chúng chen chân, có nơi đã thật sự chen ngã những ngôi nhà "thuần Việt". Những nếp nhà ngói, nhà tranh tre nứa vì nhiều lý do đã thưa dần. Nếu ở làng quê, ngang qua những con đường chính mới mở, rộng rãi, do giải tỏa xóa mất nhiều mái nhà xưa, thì ngược lại, tại các thành phố lớn bây giờ người ta xoay qua dựng những căn nhà "thuần Việt", những mảnh "làng" trồng tre xanh, đào giếng xây gạch, đặt lu đất, gáo dừa để đón du khách đến thăm. Tôi chợt nhớ cuộc trả lời phỏng vấn báo chí mới đây của một kiến trúc sư đất Bắc. Anh rất xót xa khi thấy không gian kiến trúc truyền thống của hầu hết các làng thuần Việt đang bị phá vỡ. Cứ theo tốc độ như hiện nay thì, chẳng bao lâu nó chỉ còn trong hoài niệm. Nghiệt ngã hơn, với giới trẻ nó xa xôi như chuyện cổ tích ! Nói chi xa xôi, học sinh đi học trong sách có nói đến cái ao làng, trong câu ca nhắc đến ao như: "Trúc xinh trúc mọc bờ ao. Em xinh em đứng chỗ nào cũng xinh", thì có em chẳng biết chính xác về "khái niệm ao" là gì. Nhiều người sau này lớn lên tại thành thị cũng khó hình dung cái ao nguyên sơ mà ông bà, cha mẹ mình đã thấy. Nó đâu phải là một bể nước xây bằng xi măng rồi bỏ xuống đó mấy cọng sen, cọng súng, mấy đám bèo đám cỏ là thành "ao" đâu. Mà dẫu cố gắng để làm giống y hệt cái ao thật như ở những công viên văn hóa và các khu du lịch sinh thái đi nữa, thì nó cũng thiếu vắng cái khung cảnh hồn nhiên, cái bụi bờ xa xa quanh đó, cái bãi cỏ xanh rờn gần đó, hoặc lùm tre kẽo kịt ngày đêm vẫy gọi ao làng. Nhà cửa trong làng, sân làng, giếng làng, đình làng cũng vậy, tất cả mang những đặc trưng từng vùng, để rồi hình thành nên nền "văn hóa làng" của người Việt. Ở đây, không mở rộng chuyên đề văn hóa đó, chỉ nhàn đàm về khía cạnh những tồn tại quen thuộc của nếp làng xưa trước sự xâm nhập ngày càng mạnh mẽ của nếp sống hiện đại hóa. Tôi trở lại thành phố và củng cố niềm tin của mình rằng, cây đa cổ thụ kia sẽ không thể mất đi bởi một dự án khu công nghiệp sắp được phê duyệt, khi mà những bô lão của làng còn khỏe lắm và lớp trẻ vẫn có người nhắc nhở đến quá khứ làng. Dầu mai đây khói nhà máy có lơ lửng ngang trời thì loài cò tảo tần vẫn cứ bay về, ít nhất là trong giấc mơ con trẻ và trong những câu ca đồng nội xanh hoài.

Trần Lâm Hoa Vinh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.