Thu phí tự động ô tô vào trung tâm TP.HCM: Sai quy trình, chưa hợp luật

27/10/2011 23:54 GMT+7

Công ty CP công nghệ Tiên Phong (ITD) vừa kiến nghị triển khai thu phí tự động (ERP) với ô tô vào trung tâm TP.HCM từ năm 2012.

Lưu thông tại một tuyến đường ở trung tâm TP.HCM - Ảnh: Đ.N.Thạch

Sự nóng vội “khó hiểu”

Kỹ sư Kiều Huỳnh Sơn - Viện Cơ học ứng dụng TP.HCM -nhận xét, việc triển khai dự án (DA) thể hiện một sự nóng vội “khó hiểu”. DA này liên quan trực tiếp đến việc lưu thông cũng như quyền lợi của người dân nên cần đảm bảo cơ sở khoa học, tạo được sự đồng thuận cao nhất từ người dân, chứ không thể thực hiện kiểu áp đặt từ trên xuống. Ngay trong trường hợp các cơ quan chức năng đã chắc chắn về hiệu quả của DA thì cũng phải làm theo đúng quy trình.

Thực ra đây cũng không phải là tiền của doanh nghiệp mà lấy tiền của dân thông qua hình thức thu phí, người dân phải trả cả chi phí đầu tư lẫn lãi vay ngân hàng

Kỹ sư Kiều Huỳnh Sơn - Viện Cơ học ứng dụng TP.HCM

Trước tiên, các cơ quan chức năng như Sở GTVT, Sở Khoa học công nghệ, Ban An toàn giao thông, HĐND TP... phải thành lập ban nghiên cứu, thuê đơn vị tư vấn để nghiên cứu DA một cách độc lập, đánh giá cặn kẽ tính khả thi. Sau đó, các đơn vị này mới đề xuất với TP, khi DA đã được chấp thuận thì phải tiến hành đấu thầu công khai để chọn nhà đầu tư cung cấp thiết bị.

“Tôi xin khẳng định, ở VN hoàn toàn không thiếu những doanh nghiệp công nghệ thông tin có khả năng và có thế mạnh về tài chính để đảm bảo cung cấp thiết bị, công nghệ cho DA này. Nếu đánh giá một cách công bằng, chuyên môn của ITD thuần túy về công nghệ thông tin, hoàn toàn không có kinh nghiệm về quy hoạch, hạ tầng giao thông. Đơn vị này chỉ có khả năng cung ứng thiết bị, nhưng ngay cả thiết bị cũng nhập ở nước ngoài. Vậy mặt mạnh của ITD là gì? Năng lực thi công và tài chính của đơn vị này ra sao mà lại đương nhiên được đứng ra nghiên cứu và đầu tư DA? Rõ ràng, ITD chỉ là đơn vị đề xuất ý tưởng căn cứ trên giải pháp đã được triển khai ở một số nước tiên tiến. Về nguyên tắc, không phải “đẻ” ra một ý tưởng là đương nhiên anh có quyền làm từ A - Z. Cho dù ý tưởng là của ITD thì vẫn cần đấu thầu để đảm bảo công khai, công bằng, và trên hết là lựa chọn được nhà đầu tư có năng lực cao nhất với cái giá cạnh tranh nhất” - ông Sơn nhấn mạnh.

Mặt khác, ông Sơn kiến nghị cần thẩm định kỹ con số đầu tư 1.200 tỉ đồng mà ITD đưa ra cho 35 trạm thu phí ERP. Bởi theo ông Sơn, “DA hầu như không đầu tư xây dựng hạ tầng mà chỉ tận dụng không gian sẵn có để lắp các cổng thu phí, các thiết bị phát sóng, nhận tín hiệu, camera... nên tôi băn khoăn về số tiền khổng lồ này. Thực ra đây cũng không phải là tiền của doanh nghiệp mà lấy tiền của dân thông qua hình thức thu phí, người dân phải trả cả chi phí đầu tư lẫn lãi vay ngân hàng. Do đó, các cơ quan chức năng cần có sự thẩm định chặt chẽ số tiền doanh nghiệp đưa ra chứ không phải họ nói sao chúng ta nghe vậy”.

Không lẽ doanh nghiệp tư nhân chỉ đạo CSGT xử phạt?

- Tháng 9.2009, ITD đề xuất ý tưởng thu phí tự động với ô tô vào trung tâm TP.HCM nhằm giảm kẹt xe. Đề xuất này ngay lập tức vấp phải sự phản đối của dư luận và các chuyên gia, vì cho rằng giải pháp này không phù hợp với đặc thù của TP.HCM, hơn nữa không giải quyết được kẹt xe.

- Tháng 1.2010, UBND TP chính thức giao ITD xây dựng đề án thu phí để trình TP.

- Tháng 8.2010, ITD hoàn thành nghiên cứu tiền khả thi.

- Tháng 7.2011, ITD hoàn thành nghiên cứu khả thi.

- Tháng 9.2011, Sở GTVT TP có tờ trình UBND TP đề xuất triển khai dự án.

Về nguyên tắc, hệ thống ERP được tiến hành qua 3 bộ phận chính: Các cổng ERP kiểm soát lưu thông đặt trên các tuyến đường hay xảy ra ùn tắc, thiết bị thu phí (OBU) gắn trên phương tiện kèm theo thẻ nạp tiền, hệ thống máy tính trung tâm để kiểm soát. Khi ô tô chạy qua cổng ERP, OBU gắn trên xe sẽ tự động nhận dạng và trừ tiền trong thẻ. Nếu thẻ không đủ tiền hay ô tô không gắn OBU chạy qua cổng ERP sẽ bị camera đặt tại đây thu hình ảnh về trung tâm kiểm soát và gửi thông báo yêu cầu nộp phạt đến các lái xe vi phạm.

Tuy nhiên, theo LS Thái Văn Chung - Đoàn luật sư TP.HCM, hiện nay, chủ sở hữu ô tô chỉ phải đảm bảo các giấy tờ theo quy định (giấy đăng ký, đăng kiểm, bằng lái...), hoàn toàn chưa có quy định buộc ô tô gắn thêm OBU. Đồng thời, các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ cũng không có quy định chế tài đối với những ô tô không gắn OBU. Do đó, CSGT, thanh tra giao thông hoàn toàn không có thẩm quyền xử phạt đối với ô tô không trang bị OBU mà vẫn đi vào trung tâm. Nếu muốn thu phí, cần ban hành quy định về hành vi xử phạt, mức phạt, lực lượng xử phạt, đồng nghĩa với việc Chính phủ phải sửa các nghị định liên quan. Nhưng cho dù có sửa luật, thì việc giao một đơn vị tư nhân như ITD vận hành trạm thu phí là không dễ. Bởi rất khó để một doanh nghiệp tư nhân như ITD "chỉ đạo" lực lượng CSGT xử phạt các ô tô trốn phí.

Kỹ sư Sơn cho rằng: “Nếu cứ dễ dàng chấp nhận đề xuất của ITD sẽ tạo ra tiền lệ xấu sau này. Vì sẽ có các công ty A, B nào đó tự bỏ tiền ra nghiên cứu DA thu phí số lượng người vào chợ, thu phí tàu chạy trên sông, thu phí nhà cao tầng... và lập lờ mục đích rằng họ làm bất vụ lợi vì lợi ích chung. Các doanh nghiệp này sẽ thuyết phục TP chấp nhận chủ trương bằng cách lý luận rằng họ sẽ tự bỏ tiền đầu tư, TP không mất gì, trong khi thực chất là họ thu tiền của người dân”.

Phương Thanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.