Quý bà Venice - Truyện ngắn của Nguyễn Hữu Nam

24/10/2009 15:17 GMT+7

1. Mãi đến năm 21 tuổi, Leopardo vẫn là một tay chạy việc trong xưởng vẽ của lão họa sĩ Sansovino nổi danh khắp châu thành Venice.

 Mời nghe toàn bộ tác phẩm

Mười lăm năm trước, lúc Leopardo lên sáu, họa sĩ Sansovino, lúc ấy vẫn còn vô danh và vẽ thuê trên phố, nhận Leopardo về nuôi từ một nhà thờ trong thành thuộc dòng tu Benedictine.

Việc nhận Leopardo, đối với Sansovino, là một “định mệnh”. Khi Sansovino được gọi đến nhà thờ để vẽ một bức bích họa trên tường của nguyện đường, ông bắt gặp một cậu bé có nét đẹp thiên thần trong các bức vẽ Chúa hài đồng của các danh họa Venice. Có một sức hút kỳ lạ khiến Sansovino không thể rời mắt khỏi thằng bé trong khi cậu ta cứ dán chặt hai con mắt long lanh màu nước biển Adriatic vào những bức tường phủ đầy tranh vẽ.

Không phải vẻ đẹp lạ lẫm của thằng bé đã cuốn hút ông mà chính là sự quan sát tỉ mẩn – một trong những đặc tính quan trọng bậc nhất của họa sĩ – đã khiến ông đi đến một quyết định: không nhận tiền công vẽ bức bích họa mà ông đã phải nằm ngửa trên dàn giáo bắc ngang nguyện đường hằng tháng ròng và gò lưng vẽ không biết bao nhiêu là bản phác thảo, đổi lại ông xin Leopardo theo mình với lời hứa sẽ giúp cậu trở thành một danh họa.

2. Xưởng vẽ của lão Sansovino nằm dưới chân một cây cầu gỗ bắc qua dòng Grand Canal lóng lánh nước. Những con sóng dập dềnh gõ vào mạn gondola neo bến đậu. Bên kia bờ nước, dòng người ngược xuôi rải những bước chân hối hả trên con đường lát đá có tự bao giờ. Đàn bồ câu hiền lành soải cánh vút bay trên tháp chuông nhà thờ chính tòa rồi sà xuống nhặt nhạnh những mẩu thức ăn trước quảng trường. Những tia nắng vàng óng ả khẽ lay những cánh hoa ly trắng sực nức hương thơm.

Mỗi lần đi qua đây thể nào Leopardo cũng dừng lại hít hà giây lát rồi thong dong đến cửa hiệu nhà Gucci để mua bột màu, dầu lanh, hoàng thổ hay bất cứ thứ gì mà lão Sansovino và các họa sĩ trong xưởng yêu cầu. Xong, chàng trả tiền, bỏ đồ đạc vào cái túi da vắt chéo ngang ngực rồi thủng thỉnh ra về.

Giữa dòng người qua lại như thoi, có khi Leopardo dừng lại. Đăm đắm mắt nhìn. Những sắc màu lắng đọng trong đáy mắt. Mê hồn và thấm đẫm chất thơ. Màu đỏ của mái vòm nhà thờ theo lối kiến trúc Gothic; màu vàng của những đóa cúc La Mã; màu xanh của những giàn dây leo phủ kín cả giậu nhà trước ngõ, của những rặng ô-liu dọc phố; và màu thời gian còn đọng lại trên những bức tường phủ rêu phô xám... Có khi Leopardo dõi theo một âm thanh mơ hồ và ảo vọng, lạc chân vào những con phố thiếu ánh nắng rọi đến. Đâu đó vẳng lại tiếng người nghệ sĩ hát rong nghêu ngao bản tình ca Fortuna Desperata nghe đến nao lòng.

Bao nhiêu năm qua, Leopardo vẫn luôn tìm kiếm một cái gì đó trên tất cả những cái vốn dĩ đã quen thuộc trong tâm khảm chàng. Bao nhiêu năm qua, chàng vẫn âm thầm, lặng lẽ và đơn độc với những công việc không tên. Không một chút lơ là, không một lời ca thán.

3. “Này, Leo! Anh thử đến chỗ nhà Merdi làm một chân trong ngân hàng của họ. Biết đâu anh lại có tương lai hơn là ở chỗ thầy!”. Sansovino từng bảo thế khi ông cảm thấy bó tay dù đã nhiều lần cố gắng giúp Leopardo cầm cọ nhưng chàng trai vẫn chưa có một tác phẩm nào cho ra hồn. Chàng vẫn tỉ mẩn quan sát, vẫn bằng lòng với những công việc không tên. Mỗi ngày chàng vẫn đến chỗ cửa hiệu nhà Gucci, mỗi ngày chàng vẫn trộn dầu lanh với bột màu với một sự im lặng bí ẩn. Ở điểm này, chính lão Sansovino và người bạn lâu năm Ludovico, một họa sĩ đồng tính chuyên vẽ tranh khỏa thân nổi tiếng bởi tài năng và các vụ bê bối bủa vây lấy cuộc sống của ông, cũng phải thán phục tài pha trộn màu của Leopardo.

Chàng biết phối hợp các loại màu, trộn dầu lanh với các khoáng chất theo một liều lượng nhất định và cho ra những loại màu gần như hoàn hảo. Dẫu vậy, với tình thương đặc biệt, lão Sansovino vẫn muốn cậu học trò cưng của mình thành danh trên con đường hội họa. Đối với ông, việc pha chế màu dẫu có giỏi đến mấy thì cũng chỉ giống như công việc của một anh kéo màn trong nhà hát opera, rằng đấy chỉ là công việc sống lâu lên lão làng mà thôi!

Leopardo vẫn lầm lũi làm mọi việc không tên như thể chàng sinh ra là để làm công việc đó.

Hoặc giả nếu Leopardo chịu gật đầu để Ludovico vẽ thì chắc chắn cuộc sống của chàng, địa vị của chàng không bé mọn như hiện tại. Ít nhất là hơn một lần Ludovico nài van Leopardo hãy làm người mẫu nam để ông tạo tuyệt tác. Leopardo vẫn lắc đầu quầy quậy. Đến việc tắm chung với các họa sĩ trong xưởng chàng còn e dè, huống hồ chi là ngồi trần truồng cho người khác săm soi từng đường nét, chuyển động của cơ thể. Ludovico tặc lưỡi tiếc nuối. Có lần nhâm nhi tách cà phê trong một quán lộ thiên ngoài phố, lão nói với Sansovino rằng, nếu Leo sống trước một thế kỷ thì có lẽ Michelangelo không cần phải dụng công nhiều mà nhân loại có được một chàng David hoàn hảo hơn.

4. Cho đến một ngày, có lẽ là ngày đẹp trời chiếu rọi vào cuộc đời của Leopardo, lão Sansovino nhận được lời mời của công tước Cesare Sforza đến biệt thự Carmiaro vẽ chân dung cho công tước phu nhân.

Nổi danh là một họa sĩ chuyên vẽ chân dung, nhất là chân dung phụ nữ, Sansovino luôn biết nắm bắt tài tình những nét tinh tế của người phụ nữ. Trong đời mình, Sansovino đã nhiều lần tạo nên những bức chân dung mà mỗi gương mặt là một tuyệt tác dường như có sự trợ giúp của Chúa! Không kể các quý bà, quý cô may mắn được sinh ra trong nhung lụa, ngay cả những phụ nữ vô danh phút chốc bỗng trở thành trứ danh nhờ xuất hiện trong những bức chân dung qua nét cọ của ông. Có một điều khó hiểu là, ông chưa một lần họa chân dung của Catherine, người vợ quá cố và hiền từ của mình. Nhưng có hai chi tiết thường lặp đi lặp lại trong những bức họa chân dung của Sansovino – chiếc hoa tai và bàn tay đặt ngang bụng – khiến thiên hạ tin rằng ông là người chồng chung thủy. Sinh thời bà Catherine có một đôi hoa tai màu ngọc bích rất quý và đôi bàn tay xinh đẹp của bà trở nên lão luyện trong những lần gảy đàn măng-đô-lin với những giai điệu u uẩn cho đức ông chồng của mình nghe mỗi khi ông đã thấm mệt từ xưởng vẽ về nhà.

5. Sansovino nhận lời vẽ chân dung công tước phu nhân Isabella Sforza vì là chỗ thân tình với bà vợ Catherine quá cố và cũng bởi chỗ nể phục dòng họ Sforza (cùng với Merdi vốn là những nhà bảo trợ nghệ thuật nổi tiếng châu thành Venice). Lúc lên đường đến lâu đài Carmiaro, Sansovino có mang theo hai đồ đệ: Sujyco, một tay họa sĩ trẻ phóng túng sớm thành công một phần nhờ vào tài lẻ và các mối quan hệ bất chính với các cô gái trẻ, các bà cô già, các góa phụ ở thành Venice và tất nhiên là tay phụ việc Leopardo.

Dù đã được biệt đãi như những thượng khách, Sansovino từ khi giáp mặt công tước phu nhân trong những buổi dạ yến và cả trong gian phòng làm việc của lâu đài thì bỗng trở nên bất lực với cây cọ của mình. Không phải là ông đã quá già (ông vẫn tràn trề nhiệt huyết với nghệ thuật). Cũng chẳng phải công tước Sforza yêu cầu quá khắt khe (công tước hoàn toàn phó mặc để Sansovino tự do múa cọ). Mà nguyên do là ở chỗ: Isabella Sforza có một vẻ đẹp hòa trộn giữa Đông và Tây.

Phương án B - Sujyco được thay thế. Tay họa sĩ trẻ nổi tiếng phóng túng đến mức người ta đồn rằng Sujyco thích vẽ cho những cô gái điếm ở nhà thổ. Hắn thường lấy công bằng cách lên giường thay vì lấy tiền vẽ tranh của họ, những cô gái thích bức chân dung để dễ bề câu khách. Sujyco đã khiến cho Isabella phải đỏ mặt và công tước Sforza nổi xung thiên vì đưa ra một bản phác thảo vẽ nữ công tước danh giá không khác gì một ả gái điếm! Lão Sansovino phải muối mặt xin lỗi và nghĩ đến chuyện thoái thác, nhưng chính lúc ấy Leopardo đã mạnh dạn xin lão họa sĩ để chàng vẽ nữ công tước vì đây là đối tượng mà từ bấy lâu nay chàng tìm kiếm và mong mỏi. Sau những tranh biện về nghệ thuật vẽ chân dung, Leopardo kết luận thuyết phục rằng, trong hội họa chân dung, đôi mắt không phải là hai cái lỗ thu hút mọi ánh nhìn mà phải là tấm gương phản chiếu tâm hồn, chiếc mũi không phải là đường kẻ dọc phân khuôn mặt ra làm đôi và đôi môi không phải là đường kẻ ngang mà phải là một vết rạch kỳ công bởi nó thể hiện nội tâm, tình cảm, tâm lý và cả sức khỏe của đối tượng nữa.

Sansovino trố mắt kinh ngạc trước luận điệu của cậu học trò giúp việc nhút nhát. Lão đồng ý và giới thiệu với công tước rằng Leopardo là một trong những họa sĩ phá cách nhất của xưởng ông. Nhưng khi công tước bảo trưng ra những tác phẩm trước đó thì lão đành chịu. Với vẻ kiên quyết của chàng trai trẻ, công tước chấp nhận để cậu quan sát tỉ mẩn phu nhân của mình trong một gian phòng diễm lệ, tất nhiên là có sự giám sát của công tước Sforza.

6. “Tôi không kể chuyện tình. Tôi đang nói đến xuất xứ của bức họa, nói đúng hơn là bức phác thảo này!”. Cô gái trẻ thuyết minh trong viện bảo tàng Ca'Rezzonico dừng lại. Cô đang kể về cuộc bén duyên nghệ thuật của một tay họa sĩ Venice gốc Thổ và một tác phẩm nghệ thuật chưa hoàn chỉnh nhưng có dấu hiệu của một tuyệt phẩm và một thiên tài ở tuổi 21. Tiếc rằng...Chúng tôi, những họa sĩ trẻ cũng là du khách từ khắp năm châu không ngừng đặt câu hỏi.

Cô gái trẻ đưa chúng tôi đến gian kế bên, nơi có những dòng di bút trên một mảnh giấy ngả màu còn sót lại của họa sĩ Leopardo.

“Nàng nằm đấy trên một chiếc tràng kỷ phủ nhung màu hung kiêu sa và lộng lẫy. Tôi chưa bao giờ thấy người đàn bà nào đẹp hơn thế, lạ lẫm và khác biệt trong mảnh lụa màu tía bó lấy tấm thân kiều diễm nhưng đó là điều tôi tìm kiếm bấy lâu nay”.

“Nàng lạnh lùng như một phiến băng. Tôi cố tập trung để thu hết những đường nét mỹ miều trên gương mặt và thân thể nàng vào lòng, vào tim. Nhưng có nhiều lúc tôi không thể tập trung được vì tim tôi run lên và tay tôi cũng thế. Có đôi lần tôi bắt gặp cảm xúc ấy trên gương mặt của nàng, nhưng nàng cố tình che giấu. Phải chăng đức hạnh của người đàn bà ở tuổi ba mươi danh giá có hai mặt con đã ngăn nhịp đập con tim mình trước một chàng trai trẻ bé mọn, vô danh tiểu tốt như tôi”.

7. Cô gái kể tiếp, từ lúc ấy, Leopardo bắt đầu chính thức trở thành họa sĩ nổi danh khắp châu thành Venice, không phải bằng cách vẽ chân dung mà là phong cảnh. Ông sống dư dật với nghề của mình, những tác phẩm nghệ thuật được đặt hàng, cứ thế được vẽ rồi bán, nhưng có một bức phác thảo đến cuối đời mà ông không bao giờ hoàn thành: bức Quý bà Venice. Sinh thời Leopardo luôn mang theo bức phác thảo bên mình, nhưng còn lý do vì sao ông lại không hoàn thành tác phẩm thì vẫn là một bí ẩn. Và vì là bí ẩn nên có nhiều giả thuyết xoay quanh vụ việc này. Đến nay mọi việc vẫn chưa sáng tỏ. 

Nguyễn Hữu Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.