Ba điều tự vấn

18/11/2008 01:13 GMT+7

Ngày Nhà giáo VN là ngày mà người VN tôn vinh nghề dạy học vì những cống hiến của nghề này cho xã hội. Đây cũng nên là một dịp tốt cho các nhà giáo tự hỏi mình đã làm gì để nghề mình xứng đáng được tôn vinh? Xin nêu ba điều để nhà giáo chúng ta tự vấn.

1Sứ mạng của giáo dục là khai sáng con người, làm cho con người từ dốt thành có hiểu biết, biết cái đúng cái sai, cái thiện cái ác, cái đẹp cái xấu để trau dồi mình, sống có chất lượng tốt hơn và thành hữu ích hơn cho xã hội. Vậy mà nền giáo dục của Pháp một thời đã từng bị Helvétius, một nhà tư tưởng Pháp sống vào thế kỷ 18, châm chọc như sau: “Con người sinh ra thì dốt nhưng không đần, giáo dục biến nó thành đần” -  Đần là gì? Người xưa từng đúc kết như sau: “người đần không phân biệt được đúng sai, người ngu biết sai mà không biết cách sửa, người khôn khi sai thì biết cách sửa, còn người sáng suốt thì thấy trước cái sai để tránh”.

Như vậy điều mà người đần thiếu là khả năng hoài nghi. Phát huy khả năng hoài nghi lành mạnh và độc lập suy nghĩ của con người là điều mà giáo dục phải đạt được để khai sáng cho người học, còn làm tê liệt khả năng này là “đần hóa” người học. Mấy ai đã thành khôn ngay trong nhà trường nhưng người được khai sáng thì dù chưa kịp tích lũy được nhiều kiến thức trong nhà trường vẫn có thể phát huy tính độc lập suy nghĩ mà phê phán, bác bỏ hay học hỏi thêm trong đời để khôn lên. Khi soạn bài, chấm bài hay giảng bài, nhà giáo chúng ta đã cố gắng tìm cách khuyến khích học sinh đừng sợ sai để nêu ý kiến độc lập của mình hay ta chỉ chăm chăm nhồi nhét kiến thức vào đầu học sinh, tìm cách buộc các em  thụ động công nhận  điều ta giảng là chân lý “vĩnh cửu”?

2 Cũng Helvétius từng ví von “Tài năng con người là những chiếc phím khác nhau của chiếc đàn dương cầm mà hứng thú là bàn tay nghệ sĩ. Hứng thú mới tạo ra giai điệu”. Học là một quá trình lao động trí tuệ đòi hỏi sự cố gắng liên tục. Cho nên  không có hứng thú học tập thì người học mất đi một động cơ quan trọng bậc nhất bởi có đủ “phím đàn” nhưng thiếu “bàn tay nghệ sĩ” thì lấy đâu ra giai điệu! Hiện nay, không ít người lớn lẫn trẻ em Việt Nam đang bị “hội chứng”… sợ học. Khi nào con người mất hứng thú học tập, trở nên sợ học? Khi cứ thấy mình lúc nào, học gì cũng lẹt đẹt trong lớp. Khi trong môi trường sống của mình, việc học bị rẻ rúng. Khi thấy việc học là việc “khổ sai”.

Khi thấy mình học những điều “vô bổ”, chẳng giúp gì cho việc cải thiện cuộc sống của bản thân cùng gia đình. Từ mất hứng thú học đến sợ học chỉ là gang tấc. Có người lúc nhỏ cũng ráng ép mình học cho qua một bậc học, cấp học nào đó nhưng khi ra trường rồi thì suốt đời không ngó ngàng gì đến việc học nữa vì đã… sợ học quá rồi. Bỏ học ở trường lớp thì chỉ hại trước mắt, bỏ học suốt đời mới hại... suốt đời. Sợ học là căn “bệnh” không chết người nhưng khiến cho người mắc “bệnh” này  bị hất ra bên lề của xã hội học tập. Nhà giáo chúng ta có thường gác tay lên trán mà tự kiểm mình đã vô tình làm thui chột  hứng thú học tập của bao nhiêu học sinh rồi, khiến bao nhiêu em sợ học?

3 Có hứng thú học tập thôi thì vẫn chưa đủ bởi kiến thức ngày nay quá mênh mông, việc học là không có điểm dừng. Vì thế mà một nhà tương lai học đã cảnh báo rất chí lý rằng “trong thế giới tương lai, người thất học là người không biết cách học...”.  Trong thế giới tương lai, kiến thức cụ thể mà người thầy hôm nay dạy cho người học có thể sẽ nhanh chóng lỗi thời, còn kiến thức mà người học cần đến cho cuộc sống tương lai của mình thì rất có thể là người thầy chưa biết đến. Từ đó suy ra dạy kiến thức không quan trọng bằng dạy cách học, nói cách khác là dạy cách tự chiếm lĩnh tri thức, và muốn dạy cách học thì trước hết người thầy phải biết cách học. Nhà giáo chúng ta đã biết cách học chưa?

Ba điều để tự vấn trong Ngày Nhà giáo, mong được đồng nghiệp cùng chia sẻ.

TS Hồ Thiệu Hùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.