Ngôi nhà có kết cấu yếu do tự ý cơi nới

03/11/2011 20:33 GMT+7

(TNO) Chiều 3.11, tại hiện trường ngôi nhà bị sập, nhiều người công tác trong lĩnh vực xây dựng nhận định, do kết cấu ngôi nhà không vững chắc vì tự ý cơi nới nên khi xảy ra nổ khí gas đã gây sập hoàn toàn.

>> Căng thẳng tìm kiếm 2 cháu bé bị nạn
>> Nổ khí gas làm sập nhà 3 tầng

Ông Nguyễn Đức Thảo, Tổ trưởng Tổ dân phố 51, nơi xảy ra vụ nổ thảm thương cho biết, ngôi nhà 12m2 của vợ chồng anh Trần Nhật Minh và chị Nguyễn Thị Thu Ngân đã cơi nới thêm 2 tầng và 1 tum không có giấy phép.

Trước đây, nhà số 25 và nhà liền kề sát vách vốn của một chủ ngăn ra bán cho 2 người. Gia đình anh Minh, chị Ngân dọn về ở được khoảng 6 - 7 năm khi nhà vẫn chỉ có 1 tầng đã xây cách đây hơn 10 năm. Chừng 3 - 4 năm trước đây, gia đình này đã tự ý cơi nới thêm tầng 2, 3 và hàn "chuồng cọp" trên mái thành tum để lấy chỗ phơi quần áo...

Theo ông Thảo, vào những năm 60 - 70 của thế kỷ trước, khu đất nhà ông và gia đình anh Trần Nhật Minh là ruộng trồng khoai lang, khoai nước. Dần dần, mỗi người “nhảy dù” một mảnh nhỏ xây nhà ở, mua đi bán lại rồi hình thành nên ngõ 22 như bây giờ. “Hiện nay, cả ngõ 22 này chưa nhà ai có sổ đỏ do rơi vào diện phải giải tỏa nhưng chưa đến lúc phải di dời. Trong lúc chưa chuyển đi, nhà 25 đã tự ý cơi nới thêm tầng để ở”, ông Thảo nói.

Theo quan sát của PV Thanh Niên Online, ngôi nhà chỉ còn trần tầng 1 không bị sập nhưng toàn bộ tường bao bị đổ. Tầng 2, 3 và tum bị sập hoàn toàn do tường được xây theo kiểu chịu lực bằng gạch lỗ, không có giằng, cột bằng bê tông cốt thép chắc chắn bao quanh, chống đỡ.

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Hùng, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội. Ông Hùng cho hay, thông thường, khi khí gas bén lửa nổ, việc sập nhà là hoàn toàn có thể xảy ra nhưng còn tùy thuộc rất nhiều vào chất lượng công trình có chắc chắn hay không. Thêm nữa, sức công phá lớn hay nhỏ còn phụ thuộc số lượng khí gas nhiều hay ít.

Theo ông Hùng, có thể một phần nguyên nhân khiến cho ngôi nhà gia đình anh Trần Nhật Minh sập khi xảy ra nổ khí gas có khả năng do chất lượng công trình xây dựng kém như tường nhà yếu, hay do căn nhà đã xuống cấp.

Bà Nguyễn Thị Tâm ở cách hiện trường vụ nổ chưa đầy 10m chỉ vào cánh cửa bằng thép bị vênh do ảnh hưởng của vụ nổ, kinh hoàng kể lại: “Lúc đó, khoảng gần 6 giờ sáng, tôi đang nằm trong nhà thì một tiếng nổ rung trời chuyển đất vang lên. Tiếp theo đó là tiếng rầm rầm, loảng xoảng của gạch, đồ đạc rơi. Liền đó là những tiếng kêu cứu thất thanh. Khi tôi chạy ra, thấy ngôi nhà 3 tầng, 1 tum của vợ chồng anh Minh chị Ngân đã đổ sập hoàn toàn. Hai vợ chồng đang ngồi trên bậc cầu thang gào khóc kêu cứu. Ngay sau đó, bốn năm thanh niên hàng xóm chạy đến đưa anh chị đi bệnh viện. Một số khác tìm cách cứu hai cháu bé đang mắc kẹt trong đống đổ nát. Có người còn nghe thấy tiếng cháu Tâm thều thào gọi nhiều lần mẹ ơi, cứu con với…”.

Rất đông thanh niên xúm lại tìm cách cứu hai cháu bé, nhưng do đống đổ nát quá nhiều nên không thể làm gì hơn. “Chúng tôi mang xà beng tới để đẩy những tấm bê tông sang một bên nhưng nặng quá, không thể nhấc lên được… hai cháu chết thảm quá!”, anh Nguyễn Văn Hoàng, một trong những người có mặt tại hiện trường đầu tiên nghẹn ngào kể.

Trung úy Lê Văn Thinh, Đội phó Cứu nạn cứu hộ, Phòng cảnh sát PCCC Q.Hoàn Kiếm cho biết, công việc giải cứu 2 cháu bé mắc kẹt trong đống đổ nát gần như chỉ bằng thủ công do hiện trường nằm sâu trong ngõ, không thể đưa máy móc cồng kềnh vào. Đội cứu hộ đã mang được một số thiết bị nhỏ như kích, máy thủy lực cầm tay, khoan phá… nên gặp rất nhiều khó khăn trong công tác giải cứu.

Chiều nay, khi PV Thanh Niên Online và một số cơ quan thông tấn khác đến UBND P.Bách Khoa liên hệ tìm hiểu về hồ sơ ngôi nhà số 25, ngõ 22, đường Tạ Quang Bửu đều nhận được thái độ né tránh cung cấp thông tin của cán bộ sở tại.

Minh Sang - Lê Quân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.