Theo chân đoàn làm phim 'Thập tự hoa' ở thành phố hoa

29/10/2005 15:10 GMT+7

Xôn xao phố núi Phố núi Đà Lạt những ngày này co ro lành lạnh, buổi sáng nắng đánh má hồng lên phố, chưa kịp nấn níu khen ngợi thì chiều trời đã vội mưa. Dầm dề mưa. Đoàn làm phim Thập tự hoa vì mưa mà kéo dài ngày quay, ở đến nay cũng đã cả tháng rồi.

Người đô thị dưới xuôi lên non lâu ngày rồi cũng quen, dù ban đầu khó chịu trước cảnh lướt thướt mưa, nhưng rồi cũng thấm dần hồn của trời của đất cao nguyên. Trong đoàn phim đi lên đi xuống giữa Đà Lạt và Sài Gòn có Phương Thanh, Nguyễn Phi Hùng, Ngân Hà, ít đi về thì có Thủy Hương, còn... ở rịt luôn không đi không về là Công Ninh, vào phim với vai "Tư cô đơn". Tôi nhìn thấy nét phong bạc, trầm ngâm thấm vào từng nét nhăn trên khuôn mặt của Công Ninh. Xứ núi tạc thêm phong vị mới cho gã đàn ông này. cách đây vài năm, lúc Liên hoan phim diễn ra ngoài Huế, gã ta tạo sững sờ cho làng điện ảnh Việt Nam khi bước lên bục nhận danh hiệu "Diễn viên xuất sắc nhất". Lúc ấy là vai Tấn trong phim Ai xuôi vạn lý. "Sao vai Tư cô đơn giông giống với Tấn...", Ninh chép miệng nói với tôi. Hơi lạnh phà ra từ miệng. Đêm 16 độ. Đêm mịt mùng. Sương càng lúc càng dày. Thật thú vị để tợp một ngụm rượu, dung hòa cái lạnh đất trời thấm vào người.

Tư cô đơn dừng chiếc xe ba gác trước quán rượu Tám mập. Quán chọn mặt bằng cũng khá lãng mạn. Gần bên dốc thác Cam Ly, khuất sau một đường vòng ôm ngọn đồi. Nơi ấy, Tư cô đơn bất thần gặp Tư hàng bông. Phương Thanh vào và ra vai Tư hàng bông một cách dễ như bỡn, rất tự nhiên. Tư hàng bông nói thẳng, sống mà giữ mà nén cảm xúc vào tận trong thì... khổ lắm, nên chưa đầy một tuần rượu cạn chén, Tư hàng bông nói là thương, rất thương Tư cô đơn. Việc gì mà âu sầu vậy anh Tư ? Lời tỏ tình khỏe khoắn, chân tình, dễ mến quá chừng. Tranh thủ lúc nghỉ giải lao giữa hai cảnh quay, khi bình luận về lời tỏ tình thẳng đuột vừa rồi, Công Ninh vui miệng bảo hoàn cảnh quy định sao mà "ngặt", sao mà buộc Tư cô đơn cứ vô tình với tình cảm Tư hàng bông. Chứ ngoài đời Tư hàng bông của Phương Thanh đáng yêu quá, yêu ngay, không đắn đo! Còn Tám chủ quán của diễn viên Hoàng Mập thì chảnh chọe, ghen hàng sáo kinh hoàng, vì Tám đổi giới tính từ bẩm sinh mà đâm ra mê Tư cô đơn. Đơn giản vậy, mà cười, mà nắc nẻ từng hồi. Tiếng cười kéo mọi người lại với nhau, như một liều thuốc thư giãn cho cái nghiệp làm phim cực trần thân, dù chẳng ai đày ải nhưng cứ trân người bước ra đường vắng gồng mình chịu lạnh giữa đêm hiu hắt.


Công Ninh (vai Tư cô đơn) và Phương Thanh (vai Tư hàng bông)

Có chuyện này cũng ngộ. Công Ninh tuổi Tân Sửu. Phương Thanh thì Quý Sửu. Đạo diễn Lý Khắc Linh cũng Quý Sửu, trong khi đồng đạo diễn Vương Quang Hùng lại Tân Sửu. Cả bộ sậu cầm tinh con trâu, chịu thương chịu khó là số một. Sự "phát hiện" này khiến cả bọn cười ha hả. Cười làm cho ấm người. Mà tình cảm thật thà của Tư cô nương kia cũng khiến ấm.

Và tình cảm ấy làm xôn xao phố núi. Vào buổi xế trưa của ngày hôm sau. Phương Thanh đứng sau quầy hàng bông lơ thơ, nằm ở một mé tam cấp của chợ Đà Lạt. Người đi đường bu đông. Từ xa Công Ninh đang chạy xe ba gác loanh quanh. Rồi tấp lại gian hàng bông. Giữa anh Tư của Công Ninh với chị Tư của Phương Thanh, ngôn ngữ thuộc mặt hàng khan hiếm, thỉnh thoảng mới nói vài ba câu. Chỉ có tình cảm vô ngôn là dồi dào, cứ tràn lên ánh mắt. Phương Thanh ngồi vắt tay lên đầu gối, ngó mông lung. Một vẻ đẹp bất chợt hiện ra, in vào tâm trí tôi, khi Phương Thanh nghiêng nghiêng nón lá. Như mặt hồ ồn ã bao ngày bỗng tìm thấy sự im lặng quý giá không gợn sóng. Ở phân đoạn phố núi, tình cảm đã được đền đáp. Họ, Tư này và Tư kia, đang tựu thành lời yêu thương. Mới đêm trước họ còn chưa là gì của nhau, ngày hôm sau trở thành một nửa của nhau. Đấy là thời gian của sự thu hình, kỳ thực theo kịch bản thì giữa hai chặng tâm cảm này là cả chuỗi dài những chờ đợi, quán rượu đêm lạnh nằm ở phần đầu phim, phố núi ban ngày nằm ở phần gần cuối phim.


Hai đạo diễn Lý Khắc Linh và Vương Quang Hùng

Dịu dàng nhà hoa

Buổi đầu ra mắt đoàn làm phim Thập tự hoa, có mời chị Trần Thùy Mai ngoài Huế vào. Kịch bản dựa theo truyện cùng tên của nữ văn sĩ xứ Huế này. Chị nói là chị tin vào sự bất ngờ của những người trẻ, cái tuổi của phần lớn người trong ê-kíp làm phim. Giám đốc Hãng phim Á Châu tên Trương Hoàng Hải,  ở độ tuổi ba mươi, có nụ cười hiền và ánh mắt quyết làm những gì mình lựa chọn.

"Mỗi người đến một lúc nào đó sẽ hiểu rằng mình phải mang một thập tự hoa, đóa hoa hình thập giá...". Thông điệp từ Thập tự hoa là vậy. Liệu rằng đạo diễn Lý Khắc Linh, độ tuổi ba mươi, có cảm nhận được sự khốc liệt ẩn chứa trong truyện Thập tự hoa ? Nhưng rồi, thấy tin tưởng khi nhớ lại bộ phim ngắn tốt nghiệp của Linh - Gió không ở lại, cũng dựa trên ý tứ của một truyện ngắn của Trần Thùy Mai, Chuyện ở phố hoa soan, lần ấy phim được chấm điểm cao nhất, Linh đỗ thủ khoa. Phim bàng bạc từ mong manh sương khói trong khung hình, từ bồng bềnh phận đời nhân vật trong đó, với một cô gái hồn nhiên thả ngực trần cho chàng họa sĩ vẽ để đổi lại món ốc luộc khoái khẩu. Và tin đồng đạo diễn Vương Quang Hùng có thể đem lại một sự chín chắn nào đó... Đạo diễn họ Vương tốt nghiệp bên Úc (trường AFTRS - "Australian Film, Television and Radio School") về nước hợp tác cùng với Linh, vì thích không khí tinh tế trong Thập tự hoa.

Những ngày đầu lên Đà Lạt, vòng vo tìm kiếm, cuối cùng chọn được một ngôi nhà tựa lưng vào vách đồi, trước nhà điểm tô giàn hoa vàng cam dịu mắt. Nhà hoa. Nơi đây, nhân vật trung tâm của phim, tạo nên biểu tượng cho Thập tự hoa là nhà họa sĩ Bích Lan trú ngụ. Thủy Hương mang vẻ đẹp chìm hút người đối diện khi soi vào mắt, nên được chọn hóa thân vào người đàn bà họa sĩ. Thanh tú, cuộn lấy một sức sống linh động. Chia sẻ với cõi nghệ thuật của Lan, có chàng nhạc sĩ trẻ tên Thắng kém tuổi. Nguyễn Phi Hùng vào vai nhạc sĩ, sáng sủa, cũng thanh tao dong dỏng cao. Tôi từng nhiều dịp chứng kiến Nguyễn Phi Hùng đóng phim, đến lần này nữa, có thể nói đây là một mẫu diễn viên "vàng" cho cánh đạo diễn. Làm việc nghiêm túc, đi vào phim nhẹ như... hơi thở.

...Xin hãy yêu cây như yêu mảnh đất này. Xin hãy yêu hoa như yêu cuộc tình ta. Xin hãy yêu em như chính cuộc đời ta. Xin hãy yêu thương cuộc sống này. Ngọt bùi chia sẻ lúc đắng cay. Xin hãy cho ta làm ánh lửa. Sưởi ấm đêm đông giữa lòng người. Xin hãy cho nhau cho nhau một tiếng cười. Xin hãy yêu thương cho mắt lệ đừng rơi... Nguyễn Phi Hùng hát khe khẽ ca khúc Xin yêu. Chẳng phải ca khúc trong phim, đây chỉ là ca khúc độc lập do Phi Hùng sáng tác. Vô tình rất "ăn" với không khí của chuyện phim, với không khí của nhà hoa. Giai điệu trong lành, thánh thiện. Hát khe khẽ, như để... chuẩn bị vào tâm lý diễn xuất tốt hơn.


Nguyễn Phi Hùng (vai Thắng) trong phim Thập tự hoa

Dường như không có một định nghĩa sâu xa nào đủ để rành mạch hình hài của tình yêu. Như cánh hoa đọng sương sớm trong vườn hoa nhà Bích Lan, chớm rung lên. Bích Lan đã không dưới một lần ngả vào vòng tay chàng trai trẻ Thắng, nhưng rồi... không thể kéo dài mối quan hệ. Vì sao? Một lý do: Thắng đang có cô vợ Hằng (Ngân Hà đóng), nên không thể làm đứt đoạn mối dây gia đình giữa vợ chồng trẻ. Nhưng, còn lớn hơn nữa là gì ? "Tôi nghĩ Bích Lan cần đến một người đàn ông sâu sắc, hiểu đời hơn là một sự vụng dại thoáng qua", Thủy Hương nói.

Một buổi chiều chạng vạng. Bất giác tôi nghe văng vẳng đâu đó trong sương chiều giai điệu của nhạc khúc Đóa hoa vô thường bên hồ Tuyền Lâm trên đèo Prenn. Im lặng. Thời gian biến mất. Thiên nhiên đang cất lên lời vô ngôn thăm thẳm, dẫn đưa nẻo về của tâm hồn, giản dị. Để, yêu lấy đời sống vẫn trôi.

Tạm rời phố núi. Tạm xa đoàn phim Thập tự hoa. Cuối tháng 10 phim đóng máy. Cuối năm 2005, bộ phim sẽ được trình chiếu. Mong một điều, hình ảnh được ráp dựng lại trên phim sẽ thấp thoáng vẻ đẹp mong manh, sương khói của thành phố hoa và nói lên được những điều sâu thẳm ý nghĩa trong cuộc sống...

Việt Thư

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.