Bài toán lãi suất ngân hàng

08/11/2008 00:18 GMT+7

Tại cuộc gặp giữa UBND TP.HCM, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tổng cục Thuế và các hiệp hội, doanh nghiệp ngày 7.11, nhiều doanh nghiệp phản ánh dù lãi suất ngân hàng đã giảm nhưng vẫn còn quá cao so với khả năng chịu đựng của doanh nghiệp.

Ông Huỳnh Văn Minh - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM - cho hay phần lớn trong hơn 4.000 doanh nghiệp (DN) thành viên của Hiệp hội chỉ mới đạt 60 - 70% kế hoạch năm. Khó khăn nhất là các DN vừa và nhỏ. Tình hình cạnh tranh trên thị trường ngày càng tăng theo sự có mặt ngày càng nhiều các công ty nước ngoài trong khi phần lớn DN trong nước thiếu vốn, máy móc thiết bị không tiên tiến, nhân lực chưa được đào tạo bài bản… Chính sách thắt chặt tiền tệ chống lạm phát càng khiến các DN khó tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng (NH). "Các NH cũng là DN, chúng tôi thông cảm với NH trong điều kiện hiện nay. Vừa rồi, lãi suất (LS) có giảm xuống vài phần trăm nhưng cũng chưa đủ. Để LS NH tiếp tục giảm, Nhà nước cần có biện pháp hỗ trợ NH", ông Minh kiến nghị.

Theo Phó chủ tịch Hội DN trẻ TP.HCM bà Lê Thị Tú Anh (Tổng giám đốc Công ty Lâm Sơn), dù LS cho vay hiện đã giảm từ 21%/năm xuống 18%/năm nhưng các DN, nhất là những DN tư nhân rất khó tiếp cận nguồn vốn NH. Bà Lê Thị Tú Anh tính, nếu vay vốn đầu tư vào một dự án với LS 18%/năm thì dự án phải sinh lợi cao đến vài chục phần trăm, mà điều này trong tình hình hiện nay là rất khó. Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM ông Lê Hoàng Châu nói: "LS cho vay 18%/năm, các DN đang làm dự án bất động sản dở dang mới phải vay, chứ LS này không thể vay đầu tư được".

Ở phía NH, ông Hồ Hữu Hạnh - Giám đốc NH Nhà nước chi nhánh TP.HCM - nói vốn huy động của các NH hiện nay khoảng 588.000 tỉ đồng, tăng 15% so với đầu năm, trong đó lượng tiền gửi dân cư tăng. Dư nợ cho vay 446.000 tỉ đồng, tăng 19,6% so với đầu năm. Riêng đối với DN vừa và nhỏ, dư nợ cho vay đạt 207.500 tỉ đồng, chiếm 42% tổng dư nợ. Qua khảo sát trong tháng 10, 97 NH thương mại đã nhận được 17.885 hồ sơ vay, trong đó giải quyết 85,23% hồ sơ, 14,7% hồ sơ còn lại vì nhiều lý do không vay được như hồ sơ không đủ điều kiện vay chiếm 80%. Các NH cũng đã điều chỉnh giảm dư nợ cho vay chứng khoán từ 3% tổng dư nợ hồi đầu năm còn 1%, cho vay bất động sản từ 26,59% xuống 15,48%. Đối với bất động sản, các trường hợp giảm cho vay chủ yếu là với mua đi bán lại căn hộ… Nợ xấu của các NH chiếm 2,14% so với tổng dư nợ (thông lệ quốc tế là dưới 5%). Tình hình tài chính của các NH thương mại đủ tích lũy bù đắp rủi ro.

Theo ông Hạnh, từ tháng 9 đến nay, nhiều NH thừa vốn và đã công khai dành nguồn vốn cho các DN vừa và nhỏ vay. Thế nhưng những DN không đủ điều kiện cho vay chiếm đến 80,8%; DN có  phương án hoạt động không khả thi, kém hiệu quả chiếm 33,7%; khả năng tài chính thấp 20,6%; tỷ lệ vốn tự có tham gia dự án thấp dưới 26%. Khó khăn lớn nhất là DN muốn LS cho vay chỉ ở mức  khoảng 12%/năm nên NH và DN không thể gặp nhau. Cuộc khủng hoảng tài chính thế giới cũng đòi hỏi các NH trong nước rà soát lại mình. Những đối tượng khách hàng khó có thể cho vay bao gồm khách hàng kinh doanh bất động sản mua đi bán lại, chứng khoán, mua ô tô, thép, hạt nhựa, các dự án đầu tư kém hiệu quả…

Hầu hết các hiệp hội, DN đều kiến nghị mức LS cho vay nên giảm còn 10% - 12%/năm là chấp nhận được. Và điều này, theo các NH, là phải chờ đợi mà thôi.

Thanh Xuân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.