Tình đầu, tình cuối

11/11/2008 00:39 GMT+7

“Tình cũ không rủ cũng tới”, không phải lúc nào cũng đúng, nhưng tổng kết đó trên thực tế có căn nguyên của nó.

Cuộc gặp bất ngờ

Chị H. (ở TP Biên Hòa, Đồng Nai) tìm đến trung tâm tư vấn để tư vấn về chuyện “tình cũ” đã “không rủ” mà đến và nó có nguy cơ cuốn phăng cái gia đình bé nhỏ mà chị cùng chồng đã dày công gây dựng, vun đắp bấy lâu nay.

Câu chuyện của chị H. bắt đầu cách đây 6 tháng, vào một buổi chiều, chị đi làm về và ghé vào một tiệm thuốc tây để mua thuốc cho con. Tại đây, bất ngờ chị gặp lại Q. - người con trai năm nào và cũng là mối tình đầu đầy ắp những kỷ niệm buồn vui thời sinh viên của chị. Cuộc gặp tuy ngắn ngủi nhưng họ cũng kịp trao cho nhau số điện thoại để liên lạc.

Chị H. kể: chị và Q. gặp và yêu nhau từ cuối năm học thứ nhất, hơn 3 năm sau thì ra trường, H. vào làm việc trong một cơ quan tại TP Biên Hòa còn Q. thì về quê ở miền Trung công tác theo nguyện vọng của gia đình bởi Q. là con trai trưởng. Khoảng cách cùng với điều kiện công việc không cho phép họ đến với nhau và họ đã chia tay trong sự tiếc nuối và đau khổ. Hai năm sau, Q. cưới vợ, H. cũng gặp và yêu T. - người chồng hiện tại. Qua tìm hiểu, H. biết rằng công ty của Q. muốn mở rộng thị trường phía Nam và Q. được công ty cử đi khảo sát thị trường, tìm kiếm đối tác trong một thời gian. Hai người đã nối lại liên lạc, ban đầu là những cuộc hẹn hò đi uống cà phê, ăn cơm trưa, sau đó là những lần họ vượt qua giới hạn.

Chuyện của chị H. không phải là trường hợp duy nhất. Có những trường hợp gia đình tan vỡ, có trường hợp cũng vượt qua được cơn bão tình. Vấn đề đặt ra là gia đình họ sẽ như thế nào sau sự cố “tình cũ không rủ mà đến” đó.

Hạnh phúc lung lay

Lý giải cho vấn đề “tình cũ không rủ cũng đến”, các chuyên gia tâm lý cho rằng: cảm xúc tình cảm được biểu hiện bởi các rung động, chính vì những rung động đó đôi khi nó làm cho con người có những hành động lệch chuẩn, không làm chủ được bản thân. Khi điều đó xảy ra và đổ bể, có trường hợp gia đình bị đổ vỡ, hậu quả là con cái phải sống và lớn lên trong cảnh thiếu mẹ hoặc cha. Cũng có khi gia đình không tan vỡ nhưng hạnh phúc của họ không còn trọn vẹn.

Trở lại với câu chuyện của chị H., thấy vợ có những biểu hiện tâm lý khác thường như: ánh mắt nhìn xa xăm, ít ngủ và thậm chí hay cáu gắt vô cớ làm cho T. nghi ngờ và anh đã bí mật tìm hiểu. Khi biết vợ đã nối lại liên lạc với người yêu cũ, T. hết sức bất ngờ và đau khổ. Anh rơi vào trạng thái căng thẳng, sự việc đó làm cho anh ít nói, ít ngủ hẳn và buộc anh phải lựa chọn hoặc ly hôn hoặc tha thứ cho vợ. Điều quan trọng nhất là T. vẫn còn yêu vợ và anh cũng không muốn tổ ấm bé nhỏ của mình bị phá vỡ, con cái phải sống trong tình trạng thiếu mẹ hoặc thiếu cha. Sau nhiều đêm thức trắng và một thời gian dài suy nghĩ, T. đã bỏ qua tất cả cho vợ.

Mặc dù đã được chồng tha thứ, nhưng H. vẫn luôn phải sống trong sự giày vò, trong cảm giác mình là người có tội. Chị nức nở: “Thật lòng em không muốn mình là người phản bội chồng nhưng chỉ vì một phút nông nổi mà em đã không làm chủ được mình, em rất ân hận và cảm thấy có tội với chồng”.

Đối với T., dù đã bỏ qua cho vợ nhưng anh vẫn luôn sống trong trạng thái mất thăng bằng và cảm giác bị phản bội luôn xuất hiện trong đầu.

Nguyễn Quế Diệu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.