Phòng Cảnh sát Kỹ thuật hình sự - Bài 2: Ngọn lửa gây cháy ITC màu gì

25/10/2008 11:43 GMT+7

Ngày 29-10-2002, tòa nhà Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC) bị cháy. Một trận hỏa hoạn làm rúng động dư luận cả nước đã thiêu rụi toàn bộ 59 văn phòng cho thuê, 172 cửa hàng và làm chết 60 người cùng bị thương 70 người khác. Đau thương, hoang mang và kinh hoàng, mọi người không hiểu nguyên nhân gì đã gây nên đại họa ấy.

Ban Giám đốc CA TPHCM giao nhiệm vụ cho Phòng Cảnh sát Kỹ thuật hình sự (PC21) thuộc CATP trong 3 ngày phải đưa ra nguyên nhân gây cháy. Phân viện Khoa học kỹ thuật hình sự Bộ Công an (cục C21) phối hợp phòng PC21 đã đưa ra kết luận nguyên nhân gây cháy, sau 48 giờ làm việc cật lực. Họ đã tìm ra nguyên nhân vụ cháy ấy thế nào?

Khám nghiệm hiện trường

Được tháp tùng đồng chí Trương Tấn Sang, UVBCT khi ấy đang là Trưởng ban Kinh tế Trung ương vào trong tòa nhà ITC, tôi không biết các sĩ quan khám nghiệm hiện trường sẽ phải bắt đầu từ đâu giữa không gian ngổn ngang toàn những vật cháy đen để tìm ra nguyên nhân gây cháy ở đây. Tất cả đều không còn nguyên vẹn hình hài trong ngọn lửa cháy ngùn ngụt ấy suốt mấy tiếng liền.

Bởi thế, những kẻ gây án tưởng chừng đã thoát tội khi nghĩ rằng – trong ngọn lửa nóng hàng ngàn oC ấy, mọi thứ đã thành tro. Thế nhưng, mọi chuyện đã khác. Những sĩ quan khám nghiệm hiện trường đã tìm ra lời giải đáp cho vụ cháy ấy trong thời gian ngắn nhất, có thể được.

Công việc của các sĩ quan Đội Khám nghiệm hiện trường vất vả không kém công việc của một bác sĩ pháp y hình sự. Bởi họ cũng buộc phải có mặt nhanh nhất tại hiện trường để tất cả các dấu vết quan trọng không bị xóa đi vì bất cứ lý do gì. Đôi khi thấy họ ngồi lỳ một chỗ, im lặng nhìn đăm đăm vào một vật “chẳng đáng gì” giữa không gian ngổn ngang với những vật cháy cong queo, đen thẫm. Đó là lúc những suy nghĩ trong đầu họ di chuyển liên tục.

Đã có lần vào làm việc với phòng PC21, tôi cố gợi chuyện nhưng các cậu sĩ quan trẻ của Đội Khám nghiệm hiện trường chỉ nói vài tiếng trong khi họ mải miết đi tìm lời giải từ những tang vật, những dấu vân tay trên máy. Tôi nói điều trên với Trưởng phòng PC21, anh cười và nói cũng rất ngắn gọn: “Các cán bộ trong Phòng Kỹ thuật hình sự thường nặng về nghiên cứu nên họ ít nói. Nhưng khi cần tranh cãi bảo vệ kết luận giám định chúng tôi nói hăng lắm à, lúc đó cản lại cũng khó như bây giờ yêu cầu họ nói chuyện vậy”.

Quả thật vậy. Tôi nhớ, có lần tòa trưng cầu giám định pháp y một vụ án giết người quăng xác xuống sông. Trong một cuộc họp án, bác sĩ pháp y hình sự Hoàng Trung Đỉnh đã cãi rất hăng cho “thân chủ” của anh là một xác chết. Và cuối cùng với những lập luận chặt chẽ cùng những chứng cứ khoa học trưng ra, “thân chủ” anh đã đòi lại công bằng, hung thủ phải nhận tội.

Hành vi của những cán bộ khám nghiệm hiện trường đôi khi rất lạ như thế.

Trong các vụ án cháy nhà, cán bộ khám nghiệm hiện trường hay đi lơ mơ lòng vòng ngoài khu nhà cháy như những kẻ “mộng du” giữa ban ngày. Họ đi thơ thẩn, ngắm nhìn say sưa rất lâu những vết cháy loang, những dấu vết lửa táp trên những bức tường nám lửa, nhặt vài mẩu vật rơi vãi tại hiện trường cẩn thận bỏ vào trong những bao nylon đánh mã số rồi lúi húi chụp hình, ghi chép.

Cứ như quanh họ chẳng có ai. Mọi người cứ ngỡ họ thảnh thơi và có vẻ hơi “hâm hấp” bởi trong lúc “dầu sôi lửa bỏng” như thế mà họ cứ la cà hết chỗ này, ngắm nhìn rồi hỏi han ai đó. Thật ra họ đang làm việc rất căng thẳng.

Và với những công việc thầm lặng nhưng rất tỉ mỉ ấy họ đã góp phần giữ bình yên cho cộng đồng khi rút ngắn thời gian làm án của cán bộ điều tra và giúp cơ quan chức năng có phán quyết chính xác.

Màu ngọn lửa nói gì?

Vụ cháy tòa nhà Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC) năm 2002 được cán bộ C21 và PC21 tìm ra nguyên nhân như thế nào?

Đứng trước hiện trường chẳng còn gì nguyên vẹn, tất cả cháy đen và các vách tường đầy những vết lửa táp nám khói.

Phải bắt đầu từ đâu?

Tổ giám định và Đội Khám nghiệm hiện trường lần này do đích thân Đại tá Phạm Ngọc Hiền, Phó Cục trưởng Cục C21 và Thượng tá Nguyễn Hồng Quang, Trưởng phòng PC21, Đội phó Đội Khám nghiệm hiện trường của PC21, Thiếu tá Nguyễn Bửu Tài và một nhóm cán bộ dày dạn kinh nghiệm trong công tác khám nghiệm hiện trường thực hiện.

Chỉ sau hai ngày tiếp cận hiện trường, Tổ giám định khoa học hình sự ấy đã đưa ra kết luận chính xác 100% về nơi phát cháy và nguyên nhân cháy.

 

 
Giám định văn bản
Tổ giám định và khám nghiệm hiện trường chia nhau đi tìm lời giải đáp ở các cửa ra vào, nơi các ổ điện của các cửa hàng dùng nhiều đèn điện, quan sát kỹ các vách tường sắp đổ, nám đen.

Họ đi như bị “ma nhập” theo những vệt lửa táp ra vách tường. Họ giật mình khi để ý thấy vệt cháy ở trần nhà trong vũ trường Blue có màu khác và có cách táp lửa rất khác. Tổ khám nghiệm hiện trường đã cùng nhau nhìn như thôi miên vào vết lửa táp trên tường có màu lạ ấy. Dưới sàn nhà của khu hiện trường còn trơ lại một máy hàn xì với cần xì cháy cong queo.

Một nhóm khác lân la hỏi chuyện những người sống và buôn bán gần ITC. Sau một hồi lân la dò hỏi có một người đàn ông sống gần đó đã bật mí một “chi tiết vàng”.

Ông ta nói trước đó đã xin được một miếng mốp thừa của đám thợ hàn để làm gối ngồi cho êm. Tổ giám định xin ngay “chiếc gối vàng” kia về đơn vị. Theo thử nghiệm của cán bộ giám định các miếng mốp đó sẽ bắt cháy ở nhiệt độ 300oC.

Nhưng khi đốt các miếng mốp ấy ở nhiệt độ 300oC thì ngọn lửa táp có hình thù khác và màu khói táp cũng khác với hiện trường vụ cháy. Những đợt đốt thử các miếng mốp kia với nhiệt độ của một máy hàn xì họ đã thấy một phần câu trả lời. Và sau cùng nếu có khí của giàn máy lạnh thổi vào lửa sẽ bùng lên ra sao và táp lên mảnh tường có khói màu gì?

Họ làm suốt ngày đêm bởi họ làm việc không chỉ vì trách nhiệm công việc mà còn vì nỗi đau xé lòng của những nạn nhân vô tội.

Và chỉ 48 giờ đồng hồ sau đó, họ khẳng định vật gây cháy là các mỏ hàn và lửa bắt cháy từ vũ trường Blue nằm trên lầu tòa nhà ITC. Nguyên nhân gây cháy là khi thực hiện cải tạo giàn đèn (gắn thêm 4 bóng scan) và gắn thêm mốp cách âm, thợ hàn đã để vảy xỉ nhiệt độ cao đến 1.700oC bắt vào miếng mốp cách âm gây cháy.

Ngọn lửa hàn màu xanh lạnh bùng cháy theo hướng bạt vào các ống dẫn khí của hệ thống làm lạnh cho vũ trường khiến khí trong ống bốc nổ và cháy loang ra các nơi gần đó rất nhanh. Sau đó, chủ tiệm hàn và hai thợ hàn gây án đã chấp nhận sự thật và cúi đầu nhận tội.

Quả thật kết quả của họ đưa ra đã gây ngạc nhiên cho mọi người vì trước đó nhiều người đã nghĩ nguyên nhân gây cháy có thể do chập điện, có thể do một ai đó hút thuốc và vứt vào thùng rác…

*********

Có thể nói không ngoa, những cán bộ khám nghiệm hiện trường và giám định pháp y là những người có những khả năng đặc biệt, rất thông minh, lòng yêu người, lòng yêu nghề đáng quý. Một ngày làm việc của họ không chỉ là 8 giờ mà thường là 10 giờ/ngày. Và không hiếm khi sẽ là 22, 24 giờ/ngày như trong vụ án ITC chẳng hạn.

Bài 1: Chữ viết cũng biết nói

Theo Phạm Thục/Sài Gòn Giải Phóng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.