Nỗi lòng người cha

17/11/2009 04:05 GMT+7

(TNTS) Cho đến khi họ hàng nhất quyết “bắt” ông đến bệnh viện khám, ông mới không thể giấu bệnh của mình được nữa. Đến lúc này, cũng chẳng có cách gì cứu ông khỏi bàn tay tử thần. Nhưng điều đó không làm ông đau lòng bằng chuyện nghĩ về hạnh phúc gia đình của mấy đứa con ông.

“Ung thư dạ dày giai đoạn cuối. Gia đình nên đưa ông về nhà chăm sóc những ngày cuối cùng...”, đó là tất cả những gì bác sĩ có thể nói với mấy người anh em họ hàng của ông. Chỉ vài tháng gần đây, từ một người cao to lực lưỡng, ông giảm hơn chục ký lô, mặt mày xanh xao vàng vọt. Thỉnh thoảng chỉ thấy ông nhăn mặt, ôm bụng kêu đau một chút, hết đau ông vẫn ra ruộng, ra vườn làm việc bình thường. Mấy ông chú bà bác thấy ông gầy sút đi nhiều, hỏi thì ông chỉ nói do buồn chuyện con cái, chứ không có bệnh gì. Thực ra ông giấu bệnh vì sợ tốn tiền chữa chạy. Ở vùng quê này, kiếm được đồng tiền đâu dễ. Từ hồi vợ mất, ông một mình làm ruộng, bòn vườn, có được đồng nào lại phụ cho mấy đứa con cũng vất vả, thiếu thốn quanh năm, còn dư đâu mà khám chữa bệnh. Những cơn đau khiến ông linh tính thấy mình không còn cầm cự được bao lâu, nhưng ông mặc kệ, ráng chịu nhịn. Lo được cho con cháu chừng nào hay chừng đó, mình chết thì thôi, ông nghĩ vậy.

Ông chỉ mong sao những đứa con của mình ổn thỏa, hạnh phúc. Nhưng nhìn cảnh nhà thằng cả, thằng hai, con ba... và mấy đứa đi phụ hồ, làm thuê ở Sài Gòn không có địa chỉ liên lạc cụ thể, ông lại buồn.

Thằng con cả một vợ, ba con mà suốt ngày rượu chè, cờ bạc, đánh vợ đánh con như cơm bữa khiến nhà cửa thỉnh thoảng lại ầm ĩ tiếng kêu khóc, tiếng chửi bới. Ông ở ngay liền kề, phải chạy sang cứu dâu, cứu cháu thường xuyên. Còn cậu con trai thứ hai hiền lành, chịu khó, nhưng một mình nuôi đứa con nhỏ nên cũng hay buồn bực, u uất. Hồi nó cưới vợ ai cũng can ngăn, vì đứa con gái nó chọn vốn có “thành tích” bỏ nhà đi từ năm 14 tuổi, từng có “tiền sử” làm gái ở thành phố. Lăn lóc chán, nó quay về quê kiếm chồng. Thằng con ông bỏ ngoài tai lời khuyên can của mọi người, nhất quyết đòi cưới. Năm đó đứa 19, đứa 20 tuổi, còn trẻ, lấy nhau được 2 năm, cô con dâu sinh đứa con trai chưa đầy năm đã bỏ chồng bỏ con lên thành phố “kiếm việc”, mà thực chất là tiếp tục con đường cũ. Cô ta đi biền biệt, lúc mẹ chồng mất cũng không về. Rồi thằng chồng buồn vợ nên vay tiền đi lao động ở Malaysia, quyết chí kiếm tiền để “kéo vợ về”. Tiền đâu chẳng thấy, bị một doanh nghiệp “ma” lừa sang đó mấy tháng, về nước, lại gánh thêm nợ nần, nên anh càng trở nên buồn rầu, suy sụp. Còn cô con gái duy nhất lấy chồng lại gánh cả một gia đình bị di chứng chất độc da cam, vất vả quá, mới ba chục tuổi đầu mà trông già như năm mươi...

Lúc mấy đứa con đi làm ăn xa vội vàng trở về, vét hết những đồng tiền cuối cùng lo cho cha, ông chỉ có thể nói với chúng rằng: Người ta nói “mỗi nhà mỗi cảnh”, nhưng không lẽ khi nghèo thì không thể có hạnh phúc? Nhớ lại cảnh ông và bà nuôi sáu đứa con, tuy vất vả, cực nhọc nhưng không bao giờ to tiếng với nhau, gia đình lúc nào cũng đầm ấm, nhường nhịn. Khi con cái lớn lên lấy chồng, lấy vợ, nghèo cũng không đến nỗi thiếu ăn, vậy mà còn làm khổ nhau thêm vì những thói hư tật xấu. Ông mong chúng biết suy nghĩ về điều này.

Huệ Hường

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.