Tăng tiết học, tiến thoái lưỡng nan

20/10/2006 21:32 GMT+7

Ngay từ những ngày đầu bước vào năm học 2006-2007, năm đầu tiên thực hiện đại trà chương trình THPT phân ban, hầu như tất cả hiệu trưởng các trường đều than thở: "Nội dung chương trình quá nặng".

Đề cập vấn đề này với Vụ trưởng Vụ trung học Lê Quán Tần, ông cho biết: "Đây là chương trình SGK viết để sử dụng cho mô hình trường học 2 buổi/ngày và trong thời gian từ 10-15 năm nữa chúng ta không lo bị lạc hậu".

Thế nhưng thực tế ở riêng TP.HCM cũng mới chỉ có được trên 10 trường thực hiện được việc dạy 2 buổi/ngày. Như vậy, muốn có chất lượng thì giải pháp tăng tiết là giải pháp không thể tránh khỏi. Trong khi từ lâu Sở GD-ĐT TP.HCM đã có văn bản nghiêm cấm các trường không được tăng tiết dạy thêm ngoài giờ học chính khóa ở từng môn học, từng cấp lớp. Bà Dương Thị Trúc Bạch, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai kêu trời rằng "Vậy thì chúng tôi phải dạy như thế nào?".

Ông Võ Anh Dũng, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong khẳng định: nội dung chương trình thì tăng lên còn thời lượng phân bổ tiết dạy thì giảm đi. Ông Dũng chứng minh: "Đối với môn Toán lớp 10 thì ngoài chương trình trước đây, hiện nay còn thêm 2/3 phần lượng giác của lớp 11 và gần hết phần hình học phẳng của lớp 12 cũ. Thế mà phân bố chương trình chỉ có 4 tiết/tuần, tức là giảm 1 tiết so với năm học trước. Và với chừng đó thời gian, học sinh mới chỉ nắm được kiến thức cơ bản, làm những bài tập cơ bản". Còn ông Nguyễn Tiến Hỷ, Hiệu trưởng Trường THPT Thủ Thiêm thì lo lắng thật sự, vì là trường ngoại thành, chất lượng học sinh đầu vào khá thấp nên cho rằng chủ đề nâng cao của chương trình phân ban là xa vời đối với trường mình. Trong khi mục đích cuối cùng của 12 năm đèn sách là đỗ ĐH-CĐ mà không học nâng cao các môn thi ngay từ đầu thì làm sao theo nổi?

Trên thực tế để đảm bảo chất lượng giáo dục cho học sinh, đa số các trường THPT trên địa bàn TP.HCM đều dạy tăng từ 5-7 tiết/tuần cho học sinh. Có trường đã tiến hành việc thu học phí tăng tiết nhưng có trường vẫn chưa "lên dây cót" dù đã nhận được 100% ý kiến đồng thuận của phụ huynh học sinh. Không ít trường lo ngại rằng nếu không có giải thích rõ ràng, hoặc chỉ một phụ huynh không hiểu thì vấn đề nhạy cảm này sẽ bị nhầm lẫn với khái niệm dạy thêm học thêm và lạm thu.

Mới đây trong cuộc gặp gỡ cán bộ giáo dục của TP.HCM, Phó chủ tịch UBND thành phố, ông Nguyễn Thành Tài khẳng định: "Những ý kiến về tăng tiết, học phí... sẽ được UBND tìm hiểu và giải quyết ngay". Quả thật, hơn lúc nào hết, rất cần các cấp có thẩm quyền nghiên cứu và có văn bản tạo điều kiện cho các trường thực hiện tăng tiết một cách hợp lý, hợp pháp, tăng cường kiểm tra, giám sát, tránh lợi dụng dẫn đến tiêu cực, lạm thu. Có như vậy phụ huynh yên tâm về kết quả thi cử, học tập của con mình mà cán bộ quản lý giáo dục, cụ thể là hiệu trưởng, tập trung vào chuyên môn chứ không phải lúc nào cũng phải tính toán tiền bạc thu chi, đảm bảo đời sống giáo viên.

B.T

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.