Có còn không nhân vật trong phim?

30/09/2006 17:18 GMT+7

Rất tiếc, ở phim truyện Việt Nam, ngày càng thiếu vắng những điều ấy.

Khi chúng ta đang ở trong một thế giới phẳng, khi cái tôi cá nhân được đề cao hơn hết như Thomas L.Friedman nói, thì hơn lúc nào hết, người ta càng mong ngóng tìm trong điện ảnh, với tư cách là một môn nghệ thuật hấp dẫn nhất và cũng xa xỉ nhất những bản ngã, tiếng nói cái tôi cá nhân gồ ghề, ấn tượng nhất. Nhân vật, tự nó phải thật hơn chính cuộc đời thật, phải có sức hút mãnh liệt với mỗi khán giả, người ta tìm thấy trong nhân vật ấy cuộc đời, câu chuyện, sự cao thượng hay thấp hèn của chính mình... đó chính là thành công của một tác phẩm điện ảnh. Rất tiếc, ở phim truyện Việt Nam, ngày càng thiếu vắng những điều ấy.

"Phim truyện Việt Nam càng ngày càng nhạt và chung quy, mọi sự nhạt ấy chỉ tại chân dung những nhân vật trong phim không nét". Đó là lý do để sau một vài hội thảo về tính hấp dẫn của phim truyện; diễn đàn đạo diễn trẻ..., những người tâm huyết của điện ảnh Việt Nam tiếp tục xới tung lên vấn đề "nhân vật và vai trò của nhân vật trong phim truyện".

"Tại sao lúc nào các tác giả cũng đổ lỗi cho Hội đồng duyệt. Nếu Hội đồng duyệt là bảo thủ, trì trệ thì tại sao vẫn "cho qua" được những nhân vật gai góc của Sống trong sợ hãi, Thời xa vắng, Đi trong giấc ngủ... Ngay bản thân nhân vật của các anh đã "mờ mờ nhân ảnh" thì chúng tôi có tài thánh cũng không làm cho nhân vật ấy sống động, rõ nét lên được" - Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát, Phó chủ tịch Hội đồng duyệt kịch bản quốc gia, Chủ tịch hội đồng duyệt phim quốc gia

"Tôi xem nhiều những phim truyện Việt Nam gần đây như Hàng xóm, 5 ngày trong đời vị tướng... Nhân vật trong phim Việt Nam thường là giả quá với những hành xử chẳng giống ai ngoài đời nhưng lại được tác giả bao biện là sự điển hình hóa nhân vật. Điển hình đâu phải là đầu sư tử, thân người và đuôi cá ghép lại với nhau" - Khán giả trẻ tuổi

Biên kịch Hoàng Nhuận Cầm, luôn là người "lém miệng" nhất trong các cuộc hội thảo đã ví von nhân vật của điện ảnh Việt Nam hiện nay rằng: bước lên màn ảnh thì dễ nhưng bước xuống màn ảnh để đi thẳng vào lòng người xem thì khó biết bao. Nhân vật của phim chúng ta không được đi bằng chính đôi chân của mình, luôn gầy yếu, còm cõi quá và mới chỉ dừng lại ở mức độ "mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm". Đưa ra cái cớ rằng nhân vật trong phim truyện của chúng ta giờ đây nói nhiều quá, lại nói những điều không thật để rồi chàng thi sĩ kiêm biên kịch này lại mơ về một quá khứ không xa: "Trong khoảnh khắc này đây, ta vẫn muốn được nghe chị Tư Hậu nói thêm một điều gì đó về nỗi đau tử biệt, sinh ly không chỉ của một gia đình mà là của cả đất nước. Vẫn muốn được nghe bé Nga và con chim vành khuyên ca hát mãi về tự do và gió trời. Vẫn muốn được nghe cô Nết than thở về thân phận của người phụ nữ giữa màn đêm nô lệ. Vẫn muốn được nghe em bé Hà Nội nói thêm về tiếng nhạc, tiếng bom, về khát vọng hòa bình...".

Còn biên kịch Lưu Nghiệp Quỳnh thì cho rằng tất cả những câu chuyện trong phim Việt Nam hiện nay cứ trôi tuột ra ngoài, dù tác giả dụng công vun đắp đến mấy cũng chỉ bởi vì nhân vật của ta mờ nhạt, hời hợt, hành động tùy tiện, lý lịch thì không rõ ràng... Tại sao nhân vật chính của phim Hàng xóm lại dám đốt cháy cửa hàng của đối thủ khi cửa hàng ấy chỉ phân cách với gian buồng mình ở bởi một vách ngăn mỏng trong khu phố cổ? Ngọn lửa thiêu rụi tất cả nhưng lại có phép lạ không cháy gian buồng của... người đốt (!).


Sự có mặt của diễn viên Trung Quốc nổi tiếng Can Đình Đình (phim Hà Nội - Hà Nội) chỉ là nét chấm phá cho sự hấp dẫn của nhân vật trong phim truyện VN

Đạo diễn Đặng Nhật Minh cho rằng dù có cách tân nghệ thuật đến mấy đi chăng nữa, cũng chẳng nhà biên kịch nào, đạo diễn nào dám tuyên bố phim tôi không cần nhân vật. Cũng đã xa rồi quan niệm nhân vật điển hình chính là nhân vật đại diện cho số đông, cho một tầng lớp, giai cấp nhất định. Xa rồi cái thời anh giáo làng trong Thương nhớ đồng quê giẫm phải bãi phân trâu cũng bị coi là bôi nhọ ngành giáo dục, rồi Công ty xe khách Hà Nội kiện Xưởng phim truyện Việt Nam vì chẳng có anh lái xe khách nào... xấu như nhân vật trong phim Chuyến xe bão táp cả... Thế nhưng, chúng ta biết tìm nhân vật ở đâu? Đó là những con người ngay ở bên cạnh chúng ta, ngay trong cuộc sống này mà vì thờ ơ chúng ta không để ý đến họ. Những linh hồn phiêu bạt của Boris Lojkine và Lê Tuấn Anh đã chứng minh mạnh mẽ điều ấy. Đó chính là những nhân vật thời đại mà chúng ta đang đi tìm. Tất nhiên, không phải là "những nhân vật luôn hình thành từ những chuyến đi thực tế vội vã, từ nghe báo cáo của các lãnh đạo địa phương, hay từ những cuộc gặp gỡ cũng vội vã với một vài gương điển hình trong cuộc sống mà chưa kịp để lại ấn tượng gì".

Nguyên nhân chính "sự nhạt và giả" của nhân vật trong phim truyện Việt Nam thuộc về "nội lực sáng tác của các tác giả". Chính người sáng tác cũng có thái độ hời hợt, cẩu thả với nhân vật của mình, nhân vật đặt vào đâu cũng được, chỉ cần thay đổi một chút là xong thì làm sao người xem chấp nhận được. Nguyên nhân sâu xa bắt nguồn từ sự lười biếng và thiếu trách nhiệm với chính mình, với công chúng xem phim.

Biên kịch Trịnh Thanh Nhã nhìn nhận: "Tôi cho rằng, chỉ cần chúng ta đừng lười biếng, đừng tổ chức những kỳ đi thực tế ồn ào mà vô bổ nữa. Hãy lặng lẽ lẩn quất vào nhân gian mà cảm nhận cho hết sức quật khởi, khát vọng sống vô cùng lớn lao, quả cảm của con người... Chắc chắn, chúng ta sẽ có những nhân vật thích đáng cho tác phẩm của mình".

Đạo diễn trẻ Bùi Tuấn Dũng thì trăn trở rằng khán giả tới rạp xem phim là để theo dõi số phận nhân vật, vậy mà nhân vật thì không tìm thấy ở trên màn ảnh, họ đang sống ở đâu đó, ngoài kia và họ đang thay đổi từng ngày...

Chỉ ra đích đáng những cái dở của nhân vật trong phim truyện Việt Nam không phải khó, nhưng để "cứu chữa được căn bệnh trầm kha của điện ảnh Việt Nam này, đó chính là khi, chúng ta, những người làm điện ảnh phải cảm nhận rõ ràng rằng đó là lỗi của chính mình" - biên kịch Trịnh Thanh Nhã đã tự giơ đầu chịu báng khi mở đầu tham luận của mình như vậy. "Sự nhạt của chân dung nhân vật bắt nguồn từ thói mô hình hóa mọi vấn đề của người sáng tác. Có một sự nhầm lẫn nặng nề về khái niệm khiến cho việc điển hình hóa nhân vật được chuyển sang hướng mô hình hóa. Nhân vật điện ảnh của chúng ta hôm nay vẫn sa vào những câu chuyện đời thường vụn vặt, những câu chuyện giống hàng chục năm về trước, với những buồn đau, thất bại và tù đọng, những chiến thắng giả tạo mang màu sắc ý chí và chủ quan".


Phim Giải phóng Sài Gòn tiêu tốn hàng chục tỉ đồng của Nhà nước nhưng khó nhớ nổi một nhân vật trọn vẹn

Cũng chính sự nhận lỗi thẳng thắn này đã phản pháo lại một vài ý kiến khi cho rằng: nhân vật tồi chính là bởi bị nhào nặn bởi sự bảo thủ, cứng nhắc của Hội đồng duyệt: "Đành rằng là sau rất nhiều sửa chữa từ các cấp duyệt, nhiều kịch bản, nhiều nhân vật cũng không còn giữ được nét lấp lánh đáng quý như ban đầu, nhưng điều đó cũng chứng minh cái bản lĩnh chưa lấy gì làm vững vàng của người sáng tác. Chính những người không dễ dàng đầu hàng là những người theo đuổi đến cùng mục tiêu sáng tác của mình và họ đã thành công như Sống trong sợ hãi, Chuyện của Pao, Thời xa vắng, Mùa len trâu...".

Với góc độ nghiên cứu lý luận, những phát hiện của GS-TS Nguyễn Tri Nguyên đã đặt ra một câu hỏi vĩ mô khác về chiến lược phát triển cho ngành điện ảnh Việt Nam: cốt lõi "sự có vấn đề" của nhân vật trong phim truyện Việt Nam là bởi chúng ta "chưa có chủ thể sáng tạo mới tương ứng với nhân vật điện ảnh mới". Những nghệ sĩ của điện ảnh VN, dường như chưa theo kịp với thời đại, vẫn "thâm canh trên những cánh đồng quen thuộc". Vậy nên nhân vật trong phim thường thiếu đi cái hấp dẫn, tính thời sự của cuộc sống đương đại.

Và cũng chính thế giới phẳng này đã đưa nhân vật Pao đến được Bắc Mỹ, lọt vào top 5 phim hay nhất của Liên hoan phim Montreal. Để được nếm vị ngọt thành công ấy, Quang Hải - Hải Yến đã có suốt 2 năm lang thang trên miền cực Bắc Tổ quốc, họ đã ăn, ở và sống với người Mông hàng tháng trời, đã dậy từ 3 giờ sáng để trầy vai gùi củi xuống chợ. Sự sống với nhân vật đó, đã có ở điện ảnh Việt Nam hàng chục năm trước, tiếc thay, giờ lại là của hiếm, là cái khác người, "dở hơi" trong mắt không ít những người sáng tác điện ảnh chúng ta đang cạn dần niềm đam mê, lòng tự trọng và trách nhiệm với nghề nghiệp, với công chúng.

P.N.M.K

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.