Bệnh nhân sốt xuất huyến có diễn biến nặng hơn

12/11/2009 21:39 GMT+7

Thời điểm này đang là cuối của dịch sốt xuất huyết (SXH) nhưng số bệnh nhân nhập viện tại Hà Nội vẫn cao hơn nhiều so với cùng kỳ, đặc biệt nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nặng.

Tại khoa Nội 2 bệnh viện Xanh Pôn, số giường bệnh là 45 nhưng những ngày gần đây, bệnh nhân (BN) thường ở mức trên 100. Phần lớn phải nằm ghép 2-3 BN/giường bệnh. Số người nhập viện đã giảm hơn so với đầu vụ dịch, hồi tháng 7-8, nhưng vẫn ở mức cao, khoảng 20 trường hợp/ngày. Đáng lưu ý, theo bác sĩ Bùi Nguyên Kiểm, Trưởng khoa Nội 2, số BN nhập viện trong tình trạng nặng tăng cao hơn so với đầu vụ dịch. Nhiều ca đã biến chứng: suy kiệt, chảy máu chân răng, ra huyết (ở bệnh nhân nữ), hầu hết đều phải truyền dịch.

Tại Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia, số bệnh nhân SXH hiện vẫn ở mức cao, trong đó, khoảng 10-15% bệnh nhân nặng với tình trạng: thoát huyết tương, tiểu cầu hạ thấp, chảy máu, men gan tăng cao.

Các bác sĩ lưu ý, trong những ngày đầu của bệnh thì SXH, viêm họng, viêm VA (ở trẻ em), viêm hô hấp do vi-rút có biểu hiện na ná giống nhau về lâm sàng. Vì vậy, để phát hiện đúng SXH, BN cần được theo dõi liên tục, uống nhiều nước, hạ nhiệt đúng cách. Nếu viêm họng cấp, bệnh thường thuyên giảm sau 2-3 ngày dùng kháng sinh. Còn SXH thường sốt cao liên tục, thậm chí thuốc hạ sốt cũng có tác dụng hạn chế. BN cần được theo dõi chặt chẽ, vì thường phải từ ngày thứ 3 sau sốt mới có biểu hiện giảm tiểu cầu ở người SXH. Và thường diễn biến nặng sau 4-5 ngày sốt. Cần lưu ý cộng đồng, đặc biệt các trường hợp phụ nữ mang thai, trẻ em, người có bệnh mãn tính cần đến sớm cơ sở y tế để được chẩn đoán kịp thời nếu SXH đồng nhiễm cúm A/H1N1. 

Thiếu tiểu cầu

Bác sĩ Kiểm cho biết, trong tháng 6, hầu hết BN nhập viện sốt cao nhưng ít ca xuất huyết. Sang tháng 7, các bệnh nhân sốt cao, có xuất huyết nhưng hầu như không có giảm tiểu cầu ở mức nguy hiểm. Còn hiện nay, phần lớn bệnh nhân hạ tiểu cầu, thậm chí rất thấp. Có xu hướng, càng về cuối vụ dịch, bệnh nhân SXH nặng càng tăng, nhiều ca tiểu cầu hạ rất thấp.

Theo khuyến cáo của Tổ chức y tế thế giới (WHO), trong vụ dịch, người có tiểu cầu hạ dưới 100.000 được xác định là ca SXH. Nếu tiểu cầu hạ dưới 50.000 thì có nguy cơ chảy máu ồ ạt. Trong khi đó tại khoa Nội 2, những ngày qua, thường xuyên có khoảng 20-30 bệnh nhân có tiểu cầu dưới 50.000. Do đó, nguy cơ bệnh nhân bị biến chứng chảy máu diễn ra hằng ngày tại Khoa. Biến chứng nguy hiểm nhất là xuất huyết tiêu hóa: đi ngoài phân đen, nôn ra máu.

Tại một số khoa khác của bệnh viện Xanh Pôn có bệnh nhân SXH như khoa Nhi cũng khó khăn về nguồn tiểu cầu. Anh Tuấn, nhà ở quận Đống Đa cho biết, con gái anh mới 2 tuổi bị SXH, tiểu cầu hạ còn 20.000, nhưng phải chờ đợi 5-6 giờ đồng hồ mới có tiểu cầu truyền. Theo bác sĩ Kiểm, vì gia tăng bệnh nhân nặng nên tiểu cầu cho điều trị đang gặp khó khăn. Bệnh nhân thường phải chờ đợi lâu, thậm chí 10 tiếng đồng hồ mới có tiểu cầu truyền.

Bác sĩ Lê Thanh Mai, Trưởng khoa Huyết học - Truyền máu bệnh viện Xanh Pôn cho biết, nhu cầu về tiểu cầu cho điều trị SXH, đặc biệt tăng cao từ  tháng 9-10 đến nay. Tổng số tiểu cầu do bệnh viện sản xuất và mua từ Viện Huyết học và Truyền máu TƯ đáp ứng chưa đến 50%.

Phó Viện trưởng viện Huyết học và Truyền máu Phạm Tuấn Dương cũng khẳng định, nhu cầu về tiểu cầu đang tăng cao tại các bệnh viện do số mắc SXH tăng cao bất thường. Trong khi đó, tiểu cầu có được phải phụ thuộc vào nguồn máu của người hiến. Vì vậy, ông kêu gọi cộng đồng tích cực tham gia hiến máu nhân đạo. Còn các cơ sở điều trị cần có chỉ định truyền tiểu cầu thật phù hợp.

           Liên Châu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.