Du lịch: Đừng chỉ là ngọc trong đá!

23/10/2005 10:28 GMT+7

Sau nhiều lựa chọn và cả tranh cãi, cuối cùng thì ngành du lịch Việt Nam đã tìm được cho mình một khẩu hiệu du lịch được giới chuyên môn và báo chí đánh giá cao.

Tổng cục Du lịch đã chính thức chọn logo và khẩu hiệu “Việt Nam, sự quyến rũ tiềm ẩn” làm biểu tượng và tiêu đề của Chương trình hành động quốc gia về du lịch Việt Nam giai đoạn 2006 - 2010. Với khẩu hiệu du lịch mới, ngành du lịch hy vọng trong những năm tới, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam sẽ tăng 10 - 20%/năm, khách nội địa 15-20%/năm. Dự kiến, doanh thu ngành du lịch Việt Nam sẽ đạt 4 -5 tỷ USD vào năm 2010.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra tại thời điểm này là ngành du lịch Việt Nam phải có những hoạt động tiếp thị hiệu quả hơn.

Bà Võ Thị Thắng, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, chiến dịch xúc tiến du lịch Việt Nam với biểu tượng và khẩu hiệu mới sẽ bắt đầu vào cuối năm nay và kéo dài đến tháng 3/2006. Cho đến thời điểm này, những thông tin về chiến dịch xúc tiến du lịch như thế nào vẫn chưa được tiết lộ, nên chưa biết được sự gắn kết giữa chiến dịch này với “sự quyến rũ tiềm ẩn” như thế nào.

Gắn kết khẩu hiệu du lịch với các chương trình xúc tiến du lịch trọng điểm là điều mà ngành du lịch Malaysia đang thực hiện. Với khẩu hiệu “châu Á đích thực”, Malaysia đã và đang chứng tỏ mình là một quốc gia có truyền thống văn hóa tiêu biểu cho một châu Á đích thực, với sự hiện diện của 3 nền văn hóa Hoa, Malaysia và Ấn Độ. Đây là một khẩu hiệu đã được quốc gia này sử dụng trong mấy năm qua và Malaysia chưa có ý định thay đổi, bởi khẩu hiệu du lịch này vẫn còn sức hút đối với du khách.

Hàng loạt chương trình hành động đã được thực hiện nhằm chứng tỏ và chứng minh Malaysia đúng là châu Á thực sự, với sự đa dạng về các hoạt động du lịch, từ du lịch biển, mua sắm và tham quan cho đến sự đa dạng, nhưng rất hài hòa về văn hóa.

Bà Bùi Thị Thanh Huyền, Đại diện Tổng cục Xúc tiến du lịch Malaysia tại TP.HCM cho biết, khác với Việt Nam - phải trải qua một cuộc thi để vận động nguồn lực từ bên ngoài, Tổng cục Xúc tiến du lịch Malaysia có riêng một bộ phận chuyên trách về truyền thông để phát triển các ý tưởng sáng tạo, thực hiện đồng loạt các chương trình truyền thông, các tài liệu truyền thông và quan trọng nhất là quản lý các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch theo đúng chương trình, mục tiêu đã đề ra. Chính vì thế, các hoạt động xúc tiến du lịch của Malaysia rất đúng với tinh thần của một “châu Á đích thực”.

Với Việt Nam, làm sao để thể hiện hết tinh thần của sự “quyến rũ tiềm ẩn”? Đó là điều mà nhiều chuyên gia và những người hoạt động trong ngành du lịch đang hết sức quan tâm. Liệu có thể là sự quyến rũ tiềm ẩn hay không khi mà mới đây thôi, tại một cuộc hội nghị bàn tròn về đầu tư, có nhà đầu tư nước ngoài đã góp ý thẳng thắn rằng, “tại sao nhân viên hải quan Việt Nam, những người đầu tiên đại diện cho đất nước Việt Nam, khi tiếp xúc với du khách nước ngoài lại tiết kiệm nụ cười và có thái độ lạnh lùng đến như vậy?”.

Liệu có là sự quyến rũ tiềm ẩn hay không khi mà cả “phần cứng” và “phần mềm” của ngành du lịch Việt Nam đang trở nên kém hấp dẫn, mặc dù Việt Nam được đánh giá đúng là có những nét lôi cuốn rất tiềm ẩn, mà nếu biết cách khai thác thì sẽ hấp dẫn vô cùng.

Với khẩu hiệu, “Việt Nam, sự quyến rũ tiềm ẩn”, các nhà quản lý du lịch Việt Nam đang đứng trước một thách thức lớn là làm thế nào để khai thác những nét lôi cuốn tiềm ẩn ấy để có thể mời gọi khách du lịch đến Việt Nam.

Theo Đầu tư

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.