Che Guevara, 40 năm sau...

07/10/2007 23:00 GMT+7

Ngày này 40 năm trước, Ernesto "Che" Guevara bị bắt trong một khu rừng ở Bolivia. Ngay hôm sau, ông bị kẻ thù hành quyết ở tuổi 39. 40 năm trôi qua, hình ảnh nhà cách mạng gốc Argentina vẫn còn nguyên vẹn sức hấp dẫn mãnh liệt.

Giây phút cuối

Tướng về hưu Gary Prado là người đã tham gia bắt giữ Che cách đây đúng 40 năm. Cuộc bắt giữ này do quân đội Bolivia thực hiện với sự hỗ trợ của CIA. Trong cuộc trả lời phỏng vấn Hãng tin AP giữa tuần qua, Prado cho biết vào lúc bị bắt, Che gần như đã kiệt sức vì đói và bệnh tật. Ông chỉ có một mình ở trong rừng với quần áo rách bươm. Còn trong cuốn sách 100 giờ với Fidel của nhà văn Tây Ban Nha Ignacio Ramonet, nhà lãnh đạo Fidel Castro của Cuba cho biết trước khi bị bắt, Che đã bị thương. Fidel còn quả quyết rằng Che chắc chắn không thể lọt vào tay địch nếu như lúc đó súng của ông không hư bởi Che "không bao giờ muốn làm tù binh". "Che bị thương nặng và không có vũ khí. Người ta đã bắt ông và đưa tới thị trấn La Higuera gần đó. Ngay hôm sau - vào buổi chiều ngày 9.10.1967, người ta hành quyết ông", Fidel kể.

Nhiều tài liệu trước đây cho rằng nhân viên CIA hoạt động trong quân đội Bolivia đã ra lệnh thủ tiêu Che. Trong khi đó, trả lời phỏng vấn AP, cựu tướng Prado nói rằng chính Tổng thống Bolivia lúc đó là Réne Barrientos đã ra lệnh giết Che. Barrientos là một nhân vật thân Mỹ và chống chủ nghĩa Cộng sản kịch liệt. Ông ta từng tuyên bố muốn thấy đầu của Che bị bêu ở chợ. Và khi Che bị bắt, ông ta muốn hành quyết sớm để hình ảnh của nhà cách mạng gốc Argentina không còn lan tỏa khắp thế giới nữa. Nhưng ông ta đã nhầm.

"Tại sao họ cho rằng việc hành quyết có thể chấm dứt sự tồn tại của người chiến sĩ này? Đến hôm nay, hình ảnh của ông ấy hiện diện khắp nơi, tại bất cứ nơi nào mà công lý cần được bảo vệ", Fidel nói vào năm 1997, khi hài cốt của Che được tìm thấy tại một sân bay nhỏ ở thị trấn Vallegrande của Bolivia và được chuyển về an táng ở Cuba. Lời của Fidel nói 10 năm về trước vẫn còn đúng cho đến hôm nay, khi mà hình ảnh của nhà cách mạng người Argentina, hay nói chính xác hơn là chiến sĩ cách mạng quốc tế Che Guevara, vẫn không ngừng lan tỏa và ở trong tim nhiều người.

Hình ảnh bất tử

Đất nước Cuba, nơi Che Guevara từng chiến đấu bên cạnh Fidel trong cuộc cách mạng cách nay nửa thế kỷ, sẽ bắt đầu các hoạt động tưởng nhớ Che vào hôm nay. Người ta dự tính sẽ tổ chức một cuộc chơi cờ vua - trò chơi mà Che yêu thích với 1.500 người tham gia. Tại Bolivia, những người ngưỡng mộ Che đã kéo tới khu rừng nơi Che bị bắt và tới thị trấn La Higuera, nơi nhà cách mạng bị giết cách đây 40 năm từ  nhiều ngày qua. Những địa điểm này đã trở thành điểm tham quan thu hút nhiều du khách mấy chục năm qua sau khi Che qua đời. Chính phủ cánh tả tại Bolivia hiện nay cũng đã thông qua kế hoạch dựng tượng đài Che. Các cuộc triển lãm hình ảnh Che, các hoạt động kỷ niệm cũng đã diễn ra khắp nơi, vượt ra khỏi phạm vi châu Mỹ La-tinh.

Hình ảnh Che ngày càng có sức lan tỏa và được thể hiện bằng nhiều cách khác nhau. Chuyến đi bằng xe máy xuyên châu Mỹ La-tinh của ông và một người bạn thân hồi năm 1952 đã được dựng thành phim The Motorcycle Diaries vào năm 2004. Người ta cũng có thể thấy hình ông, qua cú bấm máy bất tử của nhà nhiếp ảnh Alberto Korda hoặc phiên bản của nghệ sĩ người Ireland Jim Fitzpatrick ở khắp nơi. Nó được xăm lên vai các ngôi sao bóng đá và nghệ sĩ nhạc pop, in lên áo thun và nhiều loại hàng hóa khác. Nó xuất hiện trong nhà hàng ở Indonesia, trên khán đài sân vận động bóng đá ở Ecuador, trên cửa xe hơi ở Pháp, trên những bức tường ở Trung Quốc và tại nhiều khu nhà ổ chuột ở châu Phi. Sinh thời, nghệ sĩ Korda cho phép sử dụng rộng rãi tác phẩm của ông vào mục đích phi lợi nhuận nhưng kịch liệt phản đối việc thương mại hóa tấm ảnh lịch sử chụp Che dự đám tang các nạn nhân trong vụ nổ tàu chở vũ khí tại cảng La Havana vào năm 1960. Tấm ảnh này từng được Viện Nghệ thuật Maryland (Mỹ) đánh giá là "tác phẩm nhiếp ảnh nổi tiếng nhất thế giới và là biểu tượng của thế kỷ 20".

Cứ thế, hình ảnh của Che không ngừng lan rộng, truyền cảm hứng mãnh liệt tới mọi ngõ ngách của thế giới. 40 năm sau ngày ông mất, ông vẫn bất tử, cũng như những câu nói của ông vẫn còn nguyên giá trị: "Khi bạn giận run người trước những bất công, thì bạn là đồng chí của tôi", "Tôi thà chịu chết đứng chứ nhất định không chịu sống mà phải quỳ gối".

Châu Minh Linh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.