Phận người bên con rạch Ụ Cây - Kỳ 1: “Xóm bộ lạc”

27/09/2007 10:03 GMT+7

(TNO) Dù nằm cách trung tâm Tp Hồ Chí Minh chưa đầy mươi phút đi bộ, nhưng cả xóm như bị bỏ quên giữa lòng thành phố, nước máy không có, điện thì chập chờn do câu nối. Vì vậy, người dân trong xóm như sống biệt lập với bên ngoài…Chính từ đây, biết bao nhiêu chuyện của phận người được lưu truyền, với cái tên xóm độc nhất vô nhị, với những con người chuyên nghề làm thuê làm mướn, với những nỗi đau của một số gia đình khi cơn lốc tệ nạn quét qua…

Nhiều người thắc mắc, mỗi tên xóm gắn liền với một ngành nghề, một đặc trưng của xóm đó mà dân gian quen gọi. Thế nhưng, không biết tại sao mọi người lại gọi cái xóm nhỏ bên con rạch Ụ Cây là “Xóm bộ lạc”?!

Vì cả xóm là bà con…

Cái xóm nhỏ hơn 100 hộ gia đình này nằm ngay dưới gầm cầu Nguyễn Tri Phương và trải dài theo 2 bên bờ con rạch Ụ Cây, thuộc địa bàn hai phường 9, 10 (quận 8 – Tp.HCM).


Gầm cầu Nguyễn Tri Phương cũng là đường dẫn vào "Xóm bộ lạc" - (Ảnh Đ.T)

Anh Nguyễn Minh Phương (Tổ trưởng tổ 83, khu phố 5,  phường 9 – nơi có 18 hộ dân trong xóm bộ lạc sinh sống), cho biết: “Những người lớn tuổi nhất ở xóm cũng không nhớ rõ xóm này có tự bao giờ. Nhiều người phỏng đoán, nó hình thành khi mà  những người nông dân nghèo mất mùa đổ xô về Sài Gòn- Gia Định xưa kiếm ăn xung quanh con rạch  Ụ Cây, nơi từng tồn tại hàng chục xưởng cưa, với những  ụ cây cao ngất”.

Thuở ấy, những thân phận đói kém mất mùa đi  làm thuê, làm mướn đắp đổi qua ngày tề tụ về sống ven rạch Ụ Cây. Người lớn đi  trước, lớp trẻ nối bước theo sau, mỗi người mỗi cảnh.  Đa phần họ là những người nghèo không vốn liếng, không chữ nghĩa, không đất cắm dùi, không cơ sở làm ăn, Thế là quy tụ về đây tạo thành một xóm chỉ toàn lều và ghe, với công việc làm thuê, làm mướn cho các xưởng cưa. Đêm về, chỗ nằm ngủ của họ là mấy tấm chiếu manh trải trên ghe, trên sàn gỗ của những ngôi nhà dựng tạm bợ, chẳng đủ để che mưa che nắng. Họ chỉ mong con cái lớn lên mạnh khỏe để làm việc có đủ cái ăn. Nghèo khó, biết thân biết phận, những con người nơi đây ngầm ước hẹn với nhau: con gái, con trai trong xóm chỉ lấy nhau mà không nên lấy người ngoài.


Anh Nguyễn Minh Phương (áo xanh) đang sơ lược về "Xóm bộ lạc" - (Ảnh: Đ.T)

Cứ như thế, con gái con trai trong xóm đến tuổi dựng vợ gã chồng chỉ cần làm mâm cơm đạm bạc ra mắt cả xóm là thành vợ, thành chồng. Những đôi vợ chồng trẻ lại tiếp tục chen chúc sống bên bờ rạch. Lại tiếp tục sinh con đẻ cái; rồi con cái  lớn lên cũng lại  theo "tập tục" của xóm mà lấy nhau. Kết quả là bây giờ cả xóm toàn là bà con, thông gia, có "dây mơ mối rễ"  với nhau.  Cái tên Xóm bộ lạc được hình thành từ đó.

… nên đúng , sai đều  đồng  lòng

Chính vì là bà con của nhau mà tính cộng đồng của xóm này rất vững chắc. Cô Nguyễn Thị Mỹ Lệ, một người dân sống ngay đầu con hẻm dẫn vào xóm bộ lạc, nói một cách e dè: "Đố ai dám đụng tới bất kỳ thành viên nào trong xóm đó. Chuyện gì họ cũng bênh vực nhau. Do đó, bất kể đúng hay sai, nhiều lần cả xóm kéo nhau đi "đánh hội đồng" bảo vệ "quyền lợi" cho con em trong xóm. Nếu có đi ngang xóm, mình cũng phải đi nhẹ nhàng cẩn trọng và chớ có dại mà gọi cái từ " xóm bộ lạc" ngay trước mặt họ. Việc gì họ cũng thể hiện tính tập thể, sẵn sàng ăn thua đủ để giúp các thành viên trong xóm mọi nơi, mọi lúc…”

Thật vậy, tuy đang trò chuyện với chúng tôi, nhưng cô Lệ luôn để mắt xem chừng động tĩnh xung quanh. Cô thì thầm: “Xóm bộ lạc đang nghĩ tôi là “ăng ten” của chính quyền, nên khi tiếp xúc với người lạ tôi luôn phải đề cao cảnh giác”.

Và cô Lệ bức xúc: “Nói nhiều khi mấy chú không tin: Ở đây, nếu có người lạ hỏi chuyện ai đó về nội tình của Xóm bộ lạc thì cứ y như rằng, đêm đó nhà họ phải chịu những hòn đá “vô tình” bay lên nóc nhà,  đập vào cửa kính… Nhìn chung, mọi người dân xung quanh  điều hiểu một luật bất thành văn: không biết, không thấy, không nghe…”.

* Phận người bên con rạch Ụ Cây - Kỳ 1: “Xóm bộ lạc”
* Phận người bên con rạch Ụ Cây - Kỳ 2: Xóm nghèo, nghèo mãi!

(còn tiếp)

Đỗ Thông-Ngọc Hậu
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.