Cao Vều sẽ không còn “xa ngái”…

15/11/2008 11:23 GMT+7

Cao Vều là bản nằm trên khu vực biên giới Việt - Lào, thuộc xã Phúc Sơn (huyện Anh Sơn, Nghệ An). Nơi đây xung quanh là núi, bốn phía là rừng. Đời sống của người dân Cao Vều còn khó khăn nhiều lắm... Nhưng giờ, người dân nơi đây không chỉ biết trồng và bảo vệ rừng, làm rẫy làm lúa theo khoa học mà còn tìm được hướng vươn lên đích thực cho vùng đất, cho tương lai. Đó chính là việc học hành của con em họ. Mai đây, thế hệ mầm non trên mảnh đất “cao ngất” này sẽ làm cho Cao Vều không còn “xa ngái”...

Bản trên cao, đời sống còn thấp

Tôi lần tìm lên bản Cao Vều đúng vào những ngày mưa tầm tã. Nghe hai tiếng Cao Vều đã thấy “xa ngái” và có cảm giác “nản”. Khi càng đi vào sâu, nhìn những cung đường chưa làm xong nhầy nhụa đất núi, xung quanh chỉ thấy rừng thấy núi với bầu trời âm u… thì tôi “nản” thực sự.

Nhưng chợt nhớ, khi ngồi nghỉ tạm ở một tiệm “tạp hóa - văn hóa phẩm” ở trung tâm xã Phúc Sơn, nghe chị chủ tiệm nói có hai cha con trong Cao Vều mới xuống đây mua sách vở và dụng cụ học tập, “nếu anh nhanh một tí đi cùng họ thì hay”. Chẳng lẽ họ đi được mình không đi được? Vậy là lầm lũi, trầy trật rồi tôi cũng đến nơi.

Bên sườn những quả núi cao, bản Cao Vều lấp ló trước mắt, nhà ở thưa thớt, cách nhau khá xa. Trưởng bản Lương Văn Núi vui vẻ mời vào nhà và nói ngay: “Mùa mưa đến rồi, vất vả lắm đấy. Thương nhất là mấy đứa nhỏ, mùa mưa mệt cho chúng lắm”.

Sau chén trà nóng, trưởng bản Núi “báo cáo nhanh”: Cao Vều có 243 hộ với 1.020 nhân khẩu, chủ yếu là người Thái, sống rải rác trong thung lũng, dưới chân núi tại các thôn Châu Tam, Cơn Cốc, Bụt, Cửa Đến, Cây Thị, xóm Ngoài, xóm Trong. Dân bản sống chủ yếu bằng nghề lâm nghiệp với 61,82 ha đất rẫy, 20,97 ha đất ruộng nước, bên cạnh đó là chăn nuôi dê, bò, lợn…

Giọng trưởng bản chợt trầm xuống: “Nhưng mà vẫn có cái buồn. Tỷ lệ hộ nghèo hộ đói của bản theo tiêu chuẩn mới của Nhà nước còn chiếm 70%. Buồn nữa là thời gian qua có một số thanh niên đã bị “tập hư” đi chặt phá rừng, có đứa nghiện ma túy, đánh bài… Nhưng nói như bộ đội biên phòng Đồn 557, giờ chỉ có cho tất cả các trẻ con lớp mới lớn đi học thôi. Được đi học sẽ biết nghĩ, không phá rừng, không tệ nạn xã hội, rồi sẽ có cách làm giàu, làm cán bộ…”.

Nói rồi trưởng bản kéo tôi ra cửa, chỉ lên một quả núi đất cao, hào hứng bảo: “Trường tiểu học nằm trên đó. Chúng nó vào năm học mới rồi. Làm rẫy trồng rừng lo cái ăn cái mặc trước mắt, trồng người như Bác Hồ ta nói là lâu dài. Trồng người đợi lâu, thu lượm lâu nhưng sẽ được nhiều thứ...”.

Những mầm non trên cao

Về chiều, mưa đã tạnh và trời bắt đầu hửng nắng. Tôi tranh thủ lên ngôi trường tiểu học nằm trên quả núi đất. Con dốc lên trường trơn trượt vì mưa khiến tôi trượt ngã mấy lần. Nghĩ mà thương cho lũ trẻ mỗi ngày đi học phải bò lên trườn xuống con dốc này. Trường học dù đã được xây cất bằng gạch ngói nhưng vẫn đơn giản, cũ kỹ.

Đang giờ học, nhưng vì thấy người lạ nên các em không chịu học bài mà đồng loạt ngó ra ngoài. Thầy giáo nhắc nhở, các em ngó nhanh vào sách rồi lại tròn mắt nhìn khách lạ. Trong lớp học chỉ đơn sơ mấy bộ bàn ghế cũ kỹ, một cái tủ chứa các vật dụng học tập, nước uống…

Thầy Trần Văn Ngân - đang đứng lớp 3 cho biết: Trường cấp 1 - 2 Cao Vều năm học này có 200 học sinh, riêng lớp 3 thầy Ngân đang đứng lớp chỉ có 10 học sinh. Các em ở đây còn thiếu thốn nhiều thứ, ngay như sách giáo khoa khi dạy cũng phải động viên cho 2 em “ngó” chung một cuốn. Tội lắm. Nhưng được cái em nào cũng chăm và ham học, nhất là ngoan và dễ bảo. Điều đó khiến những thầy cô như Ngân thấy bùi ngùi.

“Mỗi lần chỉ dạy các em là tôi phải dạy cặn kẽ, tỉ mỉ để các em về nhà dễ ôn bài theo vở viết” - thầy Ngân tâm sự. Mỗi lần về xuôi lên lại Cao Vều, Ngân cũng như các thầy cô khác cố gắng đem theo những thứ mà trên này hiếm có để làm quà động viên, “đơn giản” mà “được nhiều” là kẹo và bút viết.

Cùng tình thương yêu ấy, như thầy Lang Văn Khùn - quê ở tận huyện Tân Kỳ, trước dạy ở miền xuôi nhưng sau tình nguyện lên đây và đã trở thành người con của Cao Vều. Năm nay thầy nghỉ hưu, nhưng vì thương học trò nên thầy vẫn đứng ra dạy phụ đạo tiếp cho các em.

Những mầm non mang hy vọng cho tương lai vùng biên giới Cao Vều.

So với cơ sở trường tiểu học, thì cơ sở chính và cũng là nơi học sinh cấp 2 học thuận lợi hơn vì gần đường. Đây cũng là khu tập thể của các thầy cô ở xa lên. Khi tôi đến là lúc các em nghỉ học để tập nghi thức đội. Nhìn đám trò nhỏ ào vào phòng cô giáo Hồ Thị Thu Hằng mà thấy thân thương, gần gũi đến lạ.

 Em thì rót nước uống, em thì ngắm nghía ảnh con cô Hằng, em thì soi gương…  Các em còn tranh thủ hỏi ôn lại những từ tiếng Anh. Tôi trêu “mấy trò chăm học quá”, em Lương Thị Bình - học sinh lớp 6 - cười bẽn lẽn rồi thật thà nói: “Vừa rồi nghỉ hè quên mất chú à. Chỉ có cô Hằng học nhiều tiếng Anh nên nhớ lâu thôi”.

Cô Hằng tâm sự: “Nhà em ở dưới Nam Đàn. Lên đây một mình, chồng và con ở dưới quê, buồn lắm, nhất là vào mùa mưa dầm dề. Nếu không có các em quây quần quấn quít bên mình thì có lẽ em chịu không nổi mất…”.

Quay lại trường tiểu học trên núi đúng lúc trống điểm giờ ra chơi. Các em ào ra như bầy chim vỡ tổ rồi ngại ngùng tiến về phía tôi. Nhưng sự ngại ngùng đó chỉ diễn ra trong chốc lát. Cô cậu nhóc nào cũng giành nhau đứng trước ống kính chụp ảnh, sau đó được coi ảnh, thấy gương mặt mình thì hét toáng lên: “Mình này, ôi mình này!” 5 thầy cô giáo đứng nhìn lũ học trò mà mắt rưng rưng. “Có lẽ lần đầu tiên chúng mới có niềm vui lạ và “to” đến thế” - mấy thầy cô cùng cười bảo.

Trời lại đổ mưa. Chia tay các em và thầy cô trên Cao Vều ra về, lòng tôi thấy lâng lâng một niềm tin yêu khó tả. Các em chính là tương lai của vùng biên này. Những tiếng cười trong trẻo, những khóe miệng xinh xinh nhiều răng sún… cứ lấp lánh trước mắt tôi dưới bầu trời mù mịt mưa. Con đường từ trung tâm huyện Anh Sơn đang dần mở ra hướng lên Cao Vều. Tôi tin trong tương lai không xa, Cao Vều sẽ không còn “xa ngái”.

Theo SGGP/Duy Cường

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.