Cần chấm dứt chuyện tôm “bơm”, cua “trói”

13/09/2005 22:53 GMT+7

Sợi dây trói bằng 1/2 trọng lượng con cua. Vỏ tôm sú mà ruột rau câu... Chuyện phi lý nhưng lại là thực tế tồn tại lâu nay ở các chợ, tự làm giảm giá trị, uy tín của hàng thủy sản nước ta và tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm cho người tiêu dùng. Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần vào cuộc.

Tôm sú có rau câu

Một lần đến nhà người chị tổ chức nấu ăn cuối tuần. Đem bọc tôm sú nặng 2 kg mua từ chợ Xuân Khánh (TP Cần Thơ) ra, chị bảo tôi lột vỏ và dặn dò "nhặt thật kỹ, bỏ hết rau câu trong đầu tôm". Nghe qua, tôi không khỏi ngạc nhiên. Tôm sú với rau câu có liên quan gì với nhau? Chừng đem tôm ra lột, đầu con nào con nấy cũng có một cục... rau câu to bằng đầu ngón tay. Và rau câu không chỉ nằm đặc cứng ở phần đầu mà còn ních đầy phần thân khiến con tôm tròn lẳn hết sức bất bình thường. Đã có chuyện cười ra nước mắt khi có bà nội trợ nấu canh chua tôm mà không nhặt kỹ, đến chừng thành phẩm, hỡi ôi nước canh đặc cứng từ lúc nào... (!). Đem chuyện này ra thắc mắc, có người bảo: đi chợ "hên - xui", thấy tôm tươi thì mua chớ làm sao biết tôm nào bị bơm rau câu hay không. Cách đây vài tuần, nhà có khách, tôi ra chợ Cái Khế mua tôm. Lúc này mới té ngửa, chẳng có rủi hay may, tất cả tôm sú bày bán ở chợ đều có rau câu. Có điều, chả biết ai đã bơm, tiêm một cách quá tài tình, không sót con tôm nào bị thiếu... rau câu.

Ai dám chắc rằng rau câu được pha bằng nước sạch, lượng rau câu đó nằm trong đầu con tôm đã qua thời gian bao lâu mới đến người tiêu dùng? Vai trò kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm tại các chợ đầu mối liệu được thực hiện đến đâu?

Cua “có trói” và “không trói”

Thường ra chợ mua cua, người bán hay hỏi: mua cua "có trói" hay "không trói"? Đó là ám chỉ cua được trói bằng sợi dây bự chảng và cua trói bằng sợi dây nhỏ. Tại chợ Xuân Khánh, cùng loại cua 4 con/kg nhưng nếu có trói: 50.000đ/kg, không trói: 65.000đ/kg. Dạo một vòng chợ Cái Khế mới giật mình, dây dùng trói cua quá đỗi phong phú: dây lát, dây nilon, dây gân, dây vải thun... Cua bị trói đến nỗi không ngọ nguậy nổi. Thậm chí nhiều con được người bán "cẩn thận" dùng đến 3 loại dây để trói. Một ông chủ bán hàng mạnh dạn tuyên bố: Tôi bán mắc hơn chỗ khác 5.000 - 10.000đ/kg nhưng bảo đảm với chị 1 kg chỉ mất chừng... 300 gram dây, chớ của người ta chỉ cần 1 con cua đã mất hơn 200 gram dây. Tôi chọn mua cua thịt loại 2 con/kg với giá 65.000đ/kg đem về cân thử: 1 con 550 gram khi tháo sợi dây ra cân riêng chỉ còn 250 gram, sợi dây đã chiếm một trọng lượng 300 gram, hơn cả con cua.

Thấy cua trói bằng sợi dây nặng như vậy rồi nghĩ đến người nuôi cua ở các đầm vuông tôi càng ấm ức. Ngay như xứ tôi (xã Tạ An Khương Đông, huyện Đầm Dơi, Cà Mau), cua nuôi bắt lên bán cho thương lái chỉ trói bằng sợi dây nhỏ xíu, vô tình hay cố ý trói dây to đều bị từ chối. Người nuôi cực khổ, khi bán lại bị ép giá, kén chọn cua ốp thịt... Ngược lại, người mua qua bán lại, càng nhiều trung gian thì dây trói cua càng nặng hơn. Rốt cuộc, chỉ có người nuôi, người mua ăn lãnh đủ thiệt thòi. Tòâ mò dò hỏi chuyện dây trói cũng như nguồn cua đem về chợ, tôi chỉ nhận được câu trả lời gọn lỏn: "Cua đem về đã vậy".

Ông Diệp Văn Đằng, Phó ban điều hành Trung tâm Thương mại Cái Khế (TP Cần Thơ) cũng chịu thua "cái sợi dây":  "Chuyện con cua bán ở chợ được trói dây lớn như vậy lực lượng chúng tôi không làm gì được. Thị trường vẫn tiêu thụ thì người bán vẫn bán. Theo tôi, mua cua "không trói" tuy có mắc tiền so với cua  "có trói" nhưng không bị ăn gian về trọng lượng, lại đảm bảo vệ sinh. Nhiều người không biết làm,  mua cua về để y vậy đem luộc thấy ra nước màu vàng, nâu và nhơn nhớt... đó là từ sợi dây trói mà ra. Ăn cua kiểu này khó mà tránh được bệnh".

Nghề làm dây... trói cua

Từ mấy năm nay dọc theo Quốc lộ 1A ở xứ Cà Mau, Bạc Liêu hình thành hẳn những "làng nghề" làm... dây trói cua (!). Tại xóm làm dây trói cua ở xã Phong Thạnh Đông A (huyện Giá Rai), dây trói cua được làm từ sợi lát, cho xe cán dập, càng ngậm nước càng tốt. Lát ngâm trong nước nhiều ngày đêm có mùi thối rất khó chịu, sợi dây nở to bằng ngón tay cái. Giá bán một lọn dây nặng 300 gram khoảng 2.000 đồng. Với lọn dây 300 gram, khi qua tay thương lái mua bán cua ở chợ, trọng lượng này sẽ tăng gấp nhiều lần tùy vào "công phu" của họ. Và thường thì họ quậy hồ đổ vào và thêm vào đó là đất cát tùy ý...

Thanh Trang - Công Khả

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.