Tôi đi cho... tinh trùng!

10/11/2005 13:50 GMT+7

Có bao giờ các quý ông nghĩ một ngày nào đó, mình sẽ vào bệnh viện phụ sản với tư cách là bệnh nhân chưa nhỉ? Có lẽ nhiều người sẽ nghĩ đây là phần tiếp theo của bộ phim Khi đàn ông có bầu. Xin thưa, đây là sự thật trăm phần trăm. Tôi đã vào bệnh viện Từ Dũ để tặng sản phẩm duy trì nòi giống của mình. Nhưng công việc này không chỉ đơn giản là một động tác...

Chị em đi khám... nam khoa!

Câu chuyện bắt đầu từ cú điện thoại của T., thằng bạn thân từ thời trung học. Lập gia đình đã 3 năm, T. vẫn chưa có con. Cả năm nay, vợ chồng nó chạy chữa khắp nơi nhưng kết quả vẫn chưa “đậu”. Sau khi đi khám ở bệnh viện Từ Dũ, T. được bác sĩ cho biết rằng nó không có tinh trùng, nếu muốn có con thì phải xin tinh trùng của người khác! Chuyện quá tế nhị, không biết nói cùng ai, ngay cả với anh em trong nhà, huống hồ là mở miệng ra... xin tinh trùng! Không biết tính sao, cuối cùng vợ chồng nó quyết định nhờ... tôi giúp. Thú thật, lúc đó tôi nghĩ bụng không biết còn lời đề nghị nào “khiếm nhã” hơn thế nữa không! Nhưng sau khi suy nghĩ lại, thấy tình cảnh vợ chồng T. cũng tội, lại là chỗ bạn bè thân thiết lâu năm, chẳng lẽ nó đã lên tiếng như thế mà tôi không giúp thì coi sao đành.

Thế là vào một buổi sáng thứ tư đẹp trời, tôi đến thẳng nơi trước đây chỉ dành riêng cho chị em phụ nữ. Nói đúng ra là đến phòng khám nam khoa. Sau khi “tắm hơi” trong thang máy quá tải, tôi bước ra tầng 8. Một không gian hoàn toàn khác hẳn hiện ra trước mặt tôi: thoáng đãng hơn, trật tự hơn và vệ sinh hơn. Tuy đã chuẩn bị tâm lý từ trước, nhưng tôi vẫn có cảm giác bất an khi nhìn thấy toàn là các “mảnh xương sườn của Adam” ngồi đấy. Lẽ nào phòng khám nam khoa lại đông bệnh nhân... nữ đến thế (!?). Hay là tôi vào không đúng chỗ? Nhưng rõ ràng là trong giấy T. đưa tôi ghi rõ lầu 8, khu thụ tinh trong ống nghiệm mà... May sao, cô hộ lý cho biết phòng khám nam khoa chỉ hoạt động từ 13 -15h chiều mỗi ngày, trừ thứ tư hàng tuần. Thế là tôi đành lủi thủi ra về. Có lẽ thông cảm với cảnh ngượng nghịu và tội nghiệp của tôi nên cô hộ lý nhắc thêm là trước khi lên lầu 8 để khám, nhớ đóng tiền trước ở phòng tài vụ bên dưới để khỏi mất công leo lên leo xuống.

Hai hôm sau, tôi gọi điện thoại số 9254... để biết chắc là phòng khám có hoạt động. Vào đến nơi, tôi thở phào khi thấy đã có khoảng hơn chục đấng nam nhi ngồi chờ ở sảnh. Sau khi hỏi thăm, tôi được biết mỗi người mỗi cảnh, nhưng tựu trung là đều gặp trục trặc trong chuyện sinh con đẻ cái nên họ đến đây với hy vọng nhờ sự can thiệp của khoa học. Anh bạn ngồi kế bên tôi cho biết đây là lần tái khám thứ ba. Lập gia đình đã 10 năm, nhưng chị vẫn chưa có thai lần nào. Sau khi đi khám tại khoa hiếm muộn, bác sĩ cho biết nguyên nhân là anh không có tinh trùng, cụ thể hơn là do đường dẫn tinh trùng ra ngoài bị tắc. Nếu muốn có con, vợ chồng anh phải làm thụ tinh trong ống nghiệm, sử dụng tinh trùng của anh được lấy ra ngoài bằng phẫu thuật. Bác sĩ cho biết những người không có tinh trùng là do tinh hoàn trong cơ thể không hoạt động nữa. Những trường hợp này nếu muốn có con thì phải xin tinh trùng người khác. Thì ra là vậy, một ước mơ rất đơn giản, nhỏ bé và rất chính đáng nhưng đôi khi lại trở nên quá khó khăn và khá xa vời với nhiều người, trong đó có T. bạn tôi. Đang ngồi miên man suy nghĩ thì đã đến lượt tôi được mời vào phòng khám.

Chuyện đằng sau cánh cửa

Một không gian hoàn toàn yên tĩnh. Bác sĩ trạc tuổi 30, dáng chững chạc và khá cởi mở ngồi sau bàn giấy. Bên cạnh là một anh kỹ thuật viên lo phần sổ sách, giấy tờ. Khi biết tôi có ý định đóng góp tinh trùng vào ngân hàng để giúp người bạn điều trị, bác sĩ cho biết ngân hàng tinh trùng của bệnh viện hoạt động dựa vào việc trao đổi mẫu là chính. Nếu cặp vợ chồng nào có nhu cầu xin tinh trùng từ ngân hàng thì họ phải đưa một người đủ điều kiện đến cho mẫu vào ngân hàng. Mẫu này sẽ được sử dụng cho một cặp vợ chồng khác, còn ngân hàng sẽ “xuất” một mẫu có sẵn để sử dụng cho họ. Điều này nhằm đảm bảo người cho - người nhận hoàn toàn không biết nhau theo quy định của luật pháp.

Sau vài phút trò chuyện, chắc có lẽ để tôi bớt căng thẳng, bác sĩ bắt đầu phỏng vấn tôi, từ những chuyện hành chính như nghề nghiệp, tuổi tác, học vấn… cho đến chuyện lập gia đình chưa hay đã từng quan hệ tình dục “ngoài luồng”... Đến cả những bệnh tật của ông bà, bố mẹ, cô chú bác ruột và anh chị em cũng được ghi nhận. Sau khi qua được vòng “sơ khảo”, tôi được tư vấn về điều kiện, quyền lợi cũng như quy trình cho tinh trùng. Trước hết, phải đi thử máu để xem có mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục hay không, sau đó sẽ lấy tinh trùng để làm xét nghiệm. Nếu kết quả đều tốt, khi đó, tôi sẽ phải lấy 3 mẫu tinh trùng để cho vào ngân hàng. Ba tháng sau khi lấy mẫu cuối cùng, tôi sẽ quay lại thử máu lần nữa. Nếu các kết quả vẫn âm tính thì khi đó, “tài sản” của tôi mới được ngân hàng chính thức chấp nhận và đưa vào sử dụng cho những người có nhu cầu.

Hóa ra mọi chuyện cũng không đến nỗi rắc rối, tôi chỉ đến bệnh viện khoảng 6 lần trong vòng 3 tháng. Tất cả các xét nghiệm đều miễn phí. Tôi nghĩ thầm, vậy là mình “lời” quá rồi, có cơ hội để kiểm tra chất lượng của “thằng nhỏ” và quan trọng hơn là cảm giác mình đã góp phần đem lại hạnh phúc cho vợ chồng T. cũng như cho cặp vợ chồng nào sẽ được nhận mẫu tinh trùng của tôi. Ấy thế nhưng...

Chỉ người trong cuộc mới hiểu

Tiêu chuẩn người cho tinh trùng

* Nam giới độc thân hoặc đã có gia đình.
* Tuổi từ 18 đến 50.
* Không có các bệnh lý di truyền.
* Các xét nghiệm lây truyền qua đường tình dục âm tính.
* Chất lượng tinh trùng tốt.

Trở ngại trước tiên là phải thuyết phục “bà xã tương lai”. Khi biết chuyện, nàng nhảy dựng lên, nhìn tôi bằng ánh mắt đầy nghi ngờ như nghĩ rằng tôi đang thực hiện phi vụ gì đó đầy mờ ám! Thế là tôi phải nhờ vợ chồng T. giải thích mọi chuyện thì nàng mới nguôi ngoai phần nào. Nhưng nàng cứ thấp thỏm lo là không biết tôi cho vợ T. tinh trùng bằng cách nào, chẳng lẽ đưa... trực tiếp (?!). Rồi đứa con sau này sẽ ra sao? Quan hệ giữa đứa bé và vợ chồng T. cũng như chúng tôi sẽ như thế nào?... Chỉ đến khi được tôi giải thích toàn bộ quy trình, nào là tinh trùng của tôi sẽ chỉ dùng để trao đổi mẫu, tôi hoàn toàn không biết gì về người nhận và ngược lại, việc cho tinh trùng không ảnh hưởng gì đến sức khỏe tôi và sau này chúng tôi vẫn có thể có con bình thường..., nàng mới yên tâm và miễn cưỡng gật đầu đồng ý. Hừm, nghĩ cũng lạ, đây là “tài sản” của riêng tôi cơ mà, lẽ ra tôi phải có toàn quyền sử dụng cơ chứ!

Ải thứ nhất đã vượt qua, đến ngày hẹn tôi quay vào bệnh viện để làm xét nghiệm máu. Sau khi có kết quả, chiều cùng ngày tôi được hướng dẫn lấy tinh trùng. Nhận một lọ vô trùng và được hướng dẫn cách lấy tinh trùng từ một chị hộ lý, tôi vào phòng đợi ngồi chờ đến lượt mình. Có hai phòng lấy tinh trùng liền kề nhau, xung quanh chộn rộn người ra kẻ vào, tiếng cười nói xôn xao từ bên ngoài vọng lại...

Trong khi chờ đến lượt “hành động”, tôi tranh thủ quan sát xung quanh. Những nét mặt lo lắng, căng thẳng, nhấp nhổm ngồi đứng không yên. Một đặc điểm “nhận dạng” là trong tay mỗi người ai cũng khư khư một ống nhựa trong veo như đang nắm giữ một báu vật. Cánh cửa phòng số 1 chợt mở, một gương mặt trạc 30 tuổi, đầy vẻ tự tin và... hãnh diện bước ra, trên tay là ống nhựa... đã đầy. Một người khác lại vào thế chỗ, cứ thế lần lượt từng người...

Nhưng ơ kìa, mọi người bắt đầu sốt ruột hẳn lên: đã hơn 30 phút trôi qua mà cửa phòng số 2 vẫn “im hơi lặng tiếng”. Những nét mặt lộ rõ vẻ mất kiên nhẫn. Mọi thắc mắc được giải đáp khi 15 phút sau, một gương mặt mồ hôi ròng ròng, đầy căng thẳng xuất hiện. Một anh chàng với bộ dạng thất thần, áo quần xộc xệch bước ra ngoài và lắc đầu ngao ngán: “Sao khó quá... Em chịu!”. Những ánh mắt đầy cảm thông và chia sẻ trên những gương mặt còn lại.

Đang còn chưa hiểu chuyện gì xảy ra thì đã đến lượt tôi. Một anh ngồi gần tôi động viên: “Cứ thoải mái nhé” và không quên dặn thêm: “Nhưng lẹ lên nha ông! Ngoài này còn đông lắm, bao nhiêu người chờ nè...”. Thú thật là tâm lý còn căng thẳng hơn cả ngày đi thi tốt nghiệp đại học nữa kìa! Vừa bước vào trong, tôi đưa tay khóa cửa căn phòng rộng chừng 6m2, bên trong có một ghế sô pha, một bàn kiếng nhỏ và bức tranh vẽ một đôi nam nữ đang hôn nhau... Trong lòng vẫn còn ám ảnh bởi hình ảnh người đàn ông khi nãy, nhưng đã vào đến đây, phải chứng tỏ “bản lĩnh đàn ông” của mình chứ. Tôi biết mình phải làm gì... Ơn trời, cuối cùng tôi cũng “hoàn tất hành vi” một cách mỹ mãn.

Ngày hôm sau, khi quay lại bệnh viện, tôi được bác sĩ chúc mừng: các xét nghiệm đều tốt cả, tinh trùng đủ điều kiện để được nạp vào ngân hàng. Tôi mừng thầm trong bụng, thế là mình đã có “chứng chỉ kiểm tra chất lượng” trong tay. Nhưng điều này cũng đồng nghĩa với việc tôi phải lấy tinh trùng thêm 3 lần nữa. Nghĩ đến đây tôi bỗng cảm thấy chùn bước... Có lẽ cảm nhận được điều này, bác sĩ chủ động hỏi tôi có gì trục trặc hay không trong các ngày vừa qua. Nghe tôi kể lại cảm giác khi đi lấy tinh trùng lần đầu tiên, bác sĩ cười và cho biết thêm chuyện khó khăn khi lấy tinh trùng không phải là hiếm. Có những ông chồng bình thường rất “sung”, nhưng khi được hẹn đến ngày lấy tinh trùng thì “thằng nhỏ” lại bất tuân thượng lệnh. Tuy nhiên, những trường hợp này có thể lấy tinh trùng tại nhà và đem đến bệnh viện trong vòng 45 phút sau khi lấy mẫu. Ngoài ra, trong một số trường hợp, hai vợ chồng có thể giao hợp tự nhiên và sử dụng một loại bao cao su chuyên dùng để lấy tinh trùng. Thì ra mọi việc đều có cách giải quyết!

Ba tháng sau, khi đã lấy đủ 3 mẫu để trữ lạnh, tôi quay lại bệnh viện kiểm tra máu một lần nữa. Kết quả vẫn âm tính. Bác sĩ thông báo là từ nay “tài sản” của tôi sẽ được mã hóa đưa vào ngân hàng và chờ đem ra sử dụng cho người có nhu cầu.

Niềm vui cuối cùng

Khi tôi đang ngồi viết những dòng này thì cũng là lúc T. có tin vui: vợ nó đã có thai với nguồn tinh trùng của ai đó trong ngân hàng. Một cảm giác thanh thản, lâng lâng dâng lên trong tôi: vậy là mình cũng đã giúp ích được cho vợ chồng bạn. Nhưng tôi chợt nghĩ, còn bao nhiêu cặp vợ chồng khác lâm vào hoàn cảnh như bạn tôi nhỉ? Qua tìm hiểu, tôi được biết nhu cầu xin tinh trùng là rất lớn, từ những bệnh nhân không có tinh trùng cho đến những người tinh trùng vẫn có nhưng bất thường quá nặng. Ngoài ra, những bệnh nhân có các bệnh lý về di truyền đôi khi cũng phải sử dụng tinh trùng của người khác. Theo số liệu tại bệnh viện Từ Dũ vào năm 2002, tỷ lệ vô sinh do người chồng chiếm khoảng 40%, trong đó 10% là không có tinh trùng. Mặc dù ngân hàng tinh trùng đã được thành lập từ lâu, nhưng bệnh viện đang gặp khó khăn trong việc huy động “nguồn vốn” nhàn rỗi trong quý ông. Nên chăng cần có những chương trình vận động việc cho tinh trùng như việc hiến máu. Chính từ những con tinh trùng vô danh này, ước mơ nhỏ bé của hàng trăm, hàng ngàn cặp vợ chồng hiếm muộn - vô sinh sẽ có cơ hội thành hiện thực.

Theo Quang Dũng
(Báo Sài Gòn Tiếp thị)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.