Doanh nghiệp bán hàng groupon gặp khó

01/11/2011 17:59 GMT+7

Mua sắm cộng đồng để có giá rẻ (groupon) mới phát triển mạnh ở nước ta trong hơn 1 năm qua nhưng đã thành một xu hướng mua sắm mới.

Việc lướt qua các mạng mua sắm loại hình này như muachung.vn, cungmua.com, nhommua.com, hotdeal.vn... để săn lùng các sản phẩm giảm giá (tới 50-80%) đã trở thành một thói quen của không ít khách hàng.

Muachung.vn được mở từ thời kỳ đầu tiên, tới nay đã bán được tổng giá trị hàng hóa lên tới hơn 166 tỉ đồng, tổng số tiền tiết kiệm được cho khách hàng nhờ giảm giá lên tới hơn 86 tỉ, mở rộng phục vụ ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Nha Trang, Hải Phòng, Vũng Tàu với mức bán từ 5.000 - 10.000 coupon mỗi ngày khắp toàn quốc. Bên cạnh những mặt hàng, dịch vụ giảm giá quen thuộc như tiệm ăn, nha khoa, đồ chơi, sách, vé xem phim, vé ca nhạc..., muachung.vn hiện đã mở rộng sang cả các mặt hàng như nước hoa, chuột quang, đồ gia dụng (nồi niêu, máy làm sữa chua, máy xay thịt…), quần áo, phiếu học lái xe B2, tour du lịch, đặt phòng khách sạn... Hotdeal.vn tuy sinh sau đẻ muộn nhưng cũng rất tích cực mở rộng nhiều sản phẩm dịch vụ lạ như: dịch vụ chống trầy xước xe máy, ô tô bằng lớp phủ pha lê công nghệ nano; phiếu mua máy massage cao cấp... bên cạnh các dịch vụ làm đẹp, sức khỏe.

 
Một trang mạng bán hàng groupon đang đắt khách hiện nay - Ảnh: chụp lại trên mạng 

Thói quen khó bỏ

Hiện có chừng 50 website thương mại điện tử hoạt động theo mô hình trên, nhưng chỉ có 4-5 mạng hoạt động mạnh với mỗi tháng tăng trưởng khoảng 50%. Không ít mạng chỉ mở ra một thời gian rất ngắn đã phải đóng cửa bởi việc mong hốt khách hàng trên mạng không dễ ăn.

Ông Vũ Hồng Quang - Trưởng đại diện chi nhánh miền Nam của Công ty cổ phần truyền thông Việt Nam (đơn vị sáng lập muachung.vn) - thừa nhận khó khăn lớn nhất là thói quen cũ của người tiêu dùng khó đổi. Tới nay mới chỉ có khoảng 5% người tiêu dùng VN sử dụng thương mại điện tử để mua sắm, phần lớn là lớp trẻ, dân văn phòng, thông thạo sử dụng máy tính và thích lướt mạng. Người tiêu dùng VN còn lo ngại trước hình thức thanh toán qua thẻ tín dụng hoặc ebanking khi mua sắm trên mạng chưa đạt được tính bảo mật cao, dễ để lộ thông tin. Vì vậy phần lớn họ vẫn sử dụng dịch vụ thanh toán COD (giao hàng và trả tiền mặt), gây nên không ít tốn kém về tiền bạc và hao tổn sức người cho cả doanh nghiệp và xã hội. Với mỗi đơn hàng lựa chọn dịch vụ COD, doanh nghiệp mất trung bình từ 15.000 - 20.000 đồng cho chi phí gọi điện thoại xác nhận lại đơn hàng, và đi thu hộ tiền. Bà Phan Ngọc Diễm Hân - Giám đốc marketing Công ty CP văn hóa Phương Nam, cho biết mạng bán hàng quare.com.vn của công ty này vừa qua bị Sở Công thương thổi còi vì việc bán hàng giảm vượt mức 50% theo quy định. Tuy nhiên, nếu không giảm mạnh, giảm sâu, bà Hân lại sợ khó có thể cạnh tranh được với các mạng cùng mô hình groupon.

Cần khung pháp lý mới

Ông Vũ Hồng Quang thừa nhận cần có một khung pháp lý mới về thương mại điện tử bởi luật quy định không được bán phá giá trên 50% sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp. Ông Quang đề xuất với những dịch vụ phi vật chất như làm tóc, chăm sóc sắc đẹp hoặc đối với sản phẩm ăn uống có tỷ suất lợi nhuận cao, đề nghị mức giảm tối đa lên tới 80%; với hàng hóa và du lịch, mức giảm tối đa 50% là hợp lý.

Phần lớn các doanh nghiệp như tiệm ăn, tiệm uốn tóc… tìm đến các mạng này với mục đích quảng bá thương hiệu là chính. Vì vậy, các doanh nghiệp đang kinh doanh mô hình mạng groupon cũng đang phải đối mặt trước nhiều khó khăn khi thị trường đã bão hòa và hết nhà cung cấp sản phẩm.

Nguyễn Lệ Chi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.