Một gia đình gốc Việt khơi mào cho sự hồi sinh của một thành phố Hoa Kỳ

01/10/2007 10:17 GMT+7

(TNO) Thành phố đó được nguyệt san Reader’s Digest đặt cho biệt danh là “The Second Chance City”, đang chết dần mòn thì đột nhiên một làn sóng người nhập cư ngoại quốc tràn tới, làm nó hồi sinh. Chính một gia đình gốc Việt là những người đầu tiên làm phong trào tìm đến “Thành Phố Cơ Hội Thứ Nhì” này bùng lên.

Từ lâu, thành phố Utica nằm về mạn bắc tiểu bang New York là nơi tiếp nhận người di dân đa sắc tộc đến Hoa Kỳ. Trong thế kỷ 19 và 20, nhiều đợt sóng di dân người Ba Lan, Ái Nhĩ Lan và người Ý đến đây và làm việc trong nhiều nhà máy của thành phố.

Nhưng đến thập niên 70 của thế kỷ trước thì Utica bị nhấn chìm vào khủng hoảng kinh tế. Các công ty lớn lần lượt tan hàng và đa số lựa chọn cách sinh tồn bằng cách rời thành phố. Dân số sụt giảm thê thảm, nhiều con đường biến thành các “căn phố ma” vì không còn ai cư trú.

Trong thành phố có một bảng hiệu với hàng chữ thê thảm như sau: “Nếu bạn là người cuối cùng rời thành phố này thì làm ơn đừng quên tắt đèn”.

Rồi vào năm lịch sử 1978, vợ của một nông dân sống bên ngoài Utica đã nảy ra ý định bảo lãnh cho một gia đình nhập cư Việt Nam, chỉ vì lý do chồng của bà Roberta Douglas,  từng là bác sĩ quân y trên chiến trường VN.

Gia đình bà Douglas quyết mở rộng cửa đón nhận một gia đình VN cùng con cái họ ở chung trong trang trại với họ, cho đến khi bà tìm được nhà giá rẻ cho gia đình này. Khi gia đình đầu tiên an cư xong, bà lập tức đón thêm một gia đình thứ hai người Lào, lần này đến… 12 nhân số!

Từ đó, mọi việc như vết dầu loang, gia đình Douglas lý luận khi họ đã tiếp nhận được nhiều người Đông Dương, thì tại sao không bành trướng thêm? Thế là bà liên kết với một công ty chuyên giúp định cư của bộ Ngoại Giao và năm 1981, thành lập tổ hợp chuyên về dịch vụ này. Bà nói: “Ai cũng sẵn lòng giúp, kể cả các hội đoàn tôn giáo và viên chức thành phố.”

Đến năm 1985, Mohawk Valley Resource Center (tên của tổ chức phi lợi nhuận của bà Douglas) , đã giúp được cho gần 2.000 người di dân gốc Việt, Campuchia, Lào, Haiti và Ba Lan đến. Utica có lịch sử thật thích hợp để mọi dòng sắc dân đổ đến vì ở đây, ai cũng rộng mở vòng tay với họ.

Bà Douglas nói: “Giá nhà rẻ là yếu tố rất tốt đẹp, chúng tôi có thể thu xếp cho các gia đình mới đến có được nhà ở khá an khang mà giá không bao nhiêu.”

Vẫn còn công việc cho di dân, cho dù các đại công ty đã ra đi. Các công ty nhỏ có lẽ đã “mất dạng” từ lâu nếu không có những bàn tay lao động siêng năng của những người mới đến. Có những nhà máy có đến 50% lực lượng lao động là các di dân, nhất là người gốc Somalia.

Đầu thập niên 90 một  đợt di dân lớn nhất: 4,500 người gốc Bosnia, vốn trốn tránh cuộc chiến vùng Balkan đã đến dây. Họ góp phần làm thay đổi Utica khá nhiều, vì họ có tài thợ nề và thợ mộc. Nhiều ngôi nhà trở nên khang trang hẳn ra nhờ bàn tay khéo léo của họ.

Thật ra các di dân hiểu là ở Hoa Kỳ, không có gì là cho không, kể cả vé máy bay họ đến Mỹ: tất cả đều là tiền vay mượn của chính phủ. Có điều các khoản vay của chính phủ thì không tính lãi. Tất cả hăm hở làm việc để dành tiền trả nợ, và họ rất vui.

Ngày nay Utica là một thành phố đa sắc tộc nhất Hoa Kỳ, mặc dù chỉ có 60.000 dân. Có 12% dân thành phố thuộc 30 sắc dân khác nhau. Trong các trường học công cộng, người ta nghe có tới 31 ngôn ngữ khác nhau. Bông hoa đa văn hóa nở rộ, thành phố giờ đây đã có một đền thờ của người Hồi giáo, một chùa Phật giáo của người Campuchia, một ngôi nhà thờ Chính Thống Giáo của người Nga và vô số nhà hàng, cửa hiệu của các sắc dân khác nhau.

Nếu không nhờ tấm lòng từ tâm của vợ một cựu chiến binh ở chiến trường Việt Nam mang gia đình cư dân đầu tiên gốc Việt đến cách đây gần 30 năm, có thể Utica chỉ là thành phố hoang. Nó đã trở thành biểu tượng của tự do, hy vọng và hạnh phúc của nhiều sắc dân đau khổ, giờ đây đã bắt đầu hiểu họ may mắn ra sao trong “Đô Thị Cơ Hội Thứ Nhì” này.

Hồng Quang
(theo Redear’s Digest)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.